Hoá học 9 Bài 55: Thực hành: Tính chất của gluxit

Nội dung bài học giúp các em củng cố các kiến thức đã học về tính chất của Gluxit, rèn luyện các kĩ năng thí nghiệm.

Hoá học 9 Bài 55: Thực hành: Tính chất của gluxit

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Mục đích thí nghiệm

a. Kiến thức

Bằng thực nghiệm, kiểm chứng và khắc sâu kiến thức về tính chất hóa học của gluxit.

b. Kỹ năng

- Rèn luyện kỹ năng về thực hành hóa học, giải bài tập thực hành hóa học, kỹ năng làm thí nghiệm với lượng nhỏ hóa chất.

- Rèn luyện kỹ năng quan sát, mô tả, giải thích hiện tượng và viết được các phương trình hóa học của thí nghiệm.

1.2. Kỹ năng thí nghiệm

  • Lấy hóa chất lỏng bằng ống nhỏ giọt, không được để ống nhỏ giọt của lọ hóa chất này sang lọ hóa chất khác.
  • Khi đun ống nghiệm cần đun xung quanh cho nóng rồi mới đun tập trung tránh vỡ ống nghiệm.
  • Mỗi thí nghiệm cần lấy đúng, đủ số lượng, loại hóa chất.
  • Khi nhỏ dung dịch vào ống nghiệm cần thao tác một cách từ từ, để quan sát hiện tượng được rõ ràng.
  • Thu hồi hóa chất, rửa ống nghiệm, vệ sinh phòng thí nghiệm sau khi kết thúc buổi thực hành.

1.3. Cơ sở lý thuyết

  • Tác dụng của glucozơ với bạc nitrat trong dung dịch amoniac:

C6H12O6 + Ag2O \(\overset{NH_{3}}{\rightarrow}\) C6H12O7 (Axit gluconic) + 2Ag\(\downarrow\)

  • Phân biệt glucozơ, saccarozơ và tinh bột:

Sự hấp phụ Iod vào các khe trống trong tinh bột tạo màu xanh đen.

⇒ Phương pháp dùng để nhận biết hồ tinh bột và ngược lại (dùng để nhận biết Iod)

2. Tiến hành thí nghiệm

2.1. Thí nghiệm 1: Tác dụng của glucozơ với bạc nitrat trong dung dịch amoniac

a. Dụng cụ, hóa chất

- Dụng cụ:  Ống nghiệm, pipet, kẹp gỗ, đèn cồn.

- Hóa chất: dung dịch glucozơ,  amoniac, bạc nitrat.

b. Các bước tiến hành

- Cho vài giọt dung dịch bạc nitrat vào dung dịch amoniac đựng trong ống nghiệm, lắc nhẹ.

- Sau đó, cho tiếp 1ml dung dịch glucozơ, lắc khẽ rồi đun nóng nhẹ trên ngon lửa đèn cồn (hoặc đặt trong cốc nước nóng).

- Quan sát hiện tượng.

c. Hiện tượng

Có chất màu sáng bạc bám lên thành ống nghiệm.

d. Giải thích

Do Ag sinh ra từ phản ứng bám lên thành ống nghiệm: C6H12O6 + Ag2O \(\overset{NH_{3}}{\rightarrow}\) C6H12O7 (Axit gluconic) + 2Ag\(\downarrow\)

2.2. Thí nghiệm 2: Phân biệt glucozơ, saccarozơ, tinh bột

a. Dụng cụ, hóa chất

- Dụng cụ:  Ống nghiệm, pipet, kẹp gỗ, đèn cồn.

- Hóa chất: Dung dịch glucozơ, saccarozơ, hồ tinh bột, dung dịch AgNO3, amoniac.

b. Các bước tiến hành

Có 3 dung dịch glucozơ, saccarozơ, hồ tinh bột được đánh số ngẫu nhiên. Lấy mỗi dung dịch 1- 2ml cho vào các ống nghiệm có đánh số tương ứng. Sau đó tiến hành các thí nghiệm sau:

- Bước 1: Nhỏ 1- 2 giọt dung dịch iot vào 3 dung dịch trong 3 ống nghiệm. Quan sát hiện tượng.

- Bước 2: Lấy 2 ống nghiệm đánh số tương ứng với 2 lọ dung dịch còn lại, cho vào mỗi ống nghiệm 3ml dung dịch amoniac, thêm tiếp 3 giọt dung dịch AgNO3 vào và lắc mạnh. Tiếp tục cho vào ống nghiệm trên 3ml dung dịch đựng trong lọ tương ứng rồi ngâm ống nghiệm trong cốc nước nóng. Quan sát hiện tượng.

c. Hiện tượng, giải thích

- Bước 1: Cho 3 mẫu thử chứ các dung dịch glucozơ, saccarozơ, tinh bột lần lượt tác dụng với dung dịch iot.

  • Hiện tượng: Ở lọ nào xuất hiện màu xanh thì đó là tinh bột. Còn glucozơ và saccarozơ không có phản ứng xảy ra.
  • Giải thích: Iot làm xanh hồ tinh bột.

- Bước 2: Tiếp tục cho mẫu thử chứa 2 dung dịch còn lại tác dụng với dung dịch AgNO3 trong NH3.

  • Hiện tượng: Ở lọ nào xuất hiện chất màu sáng bạc bám trên thành ống nghiệm thì đó là dung dịch glucozơ chất còn lại là saccarozơ.

C6H12O6 + Ag2O → C6H12O7 + 2Ag

  • Giải thích: Glucozơ có phản ứng tráng gương, Ag2O trong NH3 oxi hóa glucozơ thành axit gluconic và tạo tủa bạc bám trên thành ống nghiệm.

3. Kết luận

Sau bài học cần nắm:

  • Kĩ năng tiến hành thí nghiệm, quan sát hiện tượng phản ứng, giải thích và rút ra kết luận về những tính chất hóa học của gluxit.
  • Khẳng định tính đúng đắn về lý thuyết đã học.
  • Vận dụng vào giải thích các hiện tượng có liên quan.
  • Nâng cao kỹ năng thực hành thí nghiệm, rút kinh nghiệm cho lần sau.
Ngày:21/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM