Hóa học 9 Bài 21: Sự ăn mòn kim loại và bảo vệ kim loại không bị ăn mòn

Nội dung bài học Sự ăn mòn kim loại và bảo vệ kim loại không bị ăn mòn tìm hiểu về khái niệm, nguyên nhân làm kim loại bị ăn mòn, yếu tố ảnh hưởng đến sự ăn mòn kim loại, biện pháp bảo vệ đồ vật bằng kim loại, ...

Hóa học 9 Bài 21: Sự ăn mòn kim loại và bảo vệ kim loại không bị ăn mòn

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Thế nào là sự ăn mòn kim loại?

  • Sự phá hủy kim loại, hợp kim do tác dụng của hóa học trong môi trường được gọi là sự ăn mòn kim loại.

Tàu thuyền bị gỉ sắt

1.2. Yếu tố ảnh hưởng đến sự ăn mòn kim loại

a. Ảnh hưởng của các chất trong môi trường

Ănh hưởng của các chất môi trường đến ăn mòn

  • Sự ăn mòn kim loại không xảy ra hoặc xảy ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào thành phần của môi trường mà nó tiếp xúc.

b. Ảnh hưởng của nhiệt độ

  • Nhiệt độ cao sẽ làm cho sự ăn mòn kim loại xảy ra nhanh hơn

1.3. Làm thế nào để bảo vệ các đồ vật bằng kim loại khỏi bị ăn mòn?

a. Ngăn không cho kim loại tác dụng với môi trường

Sơn, mạ, bôi dầu mỡ, ... Lên trên bề mặt kim loại . Các chất này bền, bám chắc vào bề mặt của kim loại, ngăn không cho kim loại tiếp xúc với môi trường.

Bảo vệ kim loại bằng phương pháp Mạ, Sơn bao phủ

b. Chế tạo hợp kim ít bị ăn mòn

  • Ví dụ: Cho thêm thép vào các kim loại như Crom, Niken cũng làm tăng độ bền của Thép với môi trường

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Ăn mòn kim loại trong đời sống

Câu 1: Hãy nêu những yếu tố ảnh hưởng đến sự ăn mòn kim loại và nêu một số biện pháp nhằm bảo vệ kim loại không bị ăn mòn.

Hướng dẫn giải

- Những yếu tố ảnh hưởng đến sự ăn mòn kim loại :

+ Thành phần các chất trong môi trường (đất, nước, không khí).

+ Thành phần kim loại tạo nên đồ vật.

- Biện pháp nhằm bảo vệ kim loại không bị ăn mòn.

+ Cách li kim loại với môi trường.

Dùng những chất bền vững đối với môi trường để phủ lên bề mặt những đồ vật bằng kim loại. Những chất phủ ngoài thường dùng là: Các loại sơn chống gỉ, vecni, dầu mỡ, men, hợp chất polime. 

+ Dùng hợp kim chống gỉ.

Thí dụ, hợp kim Fe-Cr-Ni, inox.

Câu 2: Thế nào là ăn mòn kim loại? Lấy ba ví dụ về ăn mòn kim loại xung quanh ta.

Hướng dẫn giải

Sự phá hủy kim loại, hợp kim trong môi trường tự nhiên được gọi là sự ăn mòn kim loại.

Ví dụ về ăn mòn kim loại:

  • Thanh sắt trong bếp lò than bị ăn mòn.

  • Các cầu như cầu Tràng Tiền, cầu Long Biên ... bị gỉ nên hàng năm phải sơn lại cầu.

  • Vỏ tàu thủy bị ăn mòn.

2.2. Dạng 2: Chống ăn mòn kim loại

Câu 1: Các tấm tôn lợp nhà được làm từ sắt, vậy tại sao rất lâu mới bị gỉ ?

Hướng dẫn giải

Các tấm tôn rất lâu mới bị gỉ là do các tấm này được làm từ sắt tráng kẽm nên hạn chế sự gỉ. Đây là một trong những biện pháp chống ăn mòn kim loại.

Câu 2: Vỏ đồ hộp làm bằng sắt, đựng các thức ăn có vị mặn (thịt, cá) hoặc vị chua (dứa, vải) tại sao không bị gỉ ?

Hướng dẫn giải

Vỏ đồ hộp đựng các thức ăn có vị mặn (thịt hộp, cá hộp...) hoặc vị chua (dứa, vải...), không bị gỉ vì vỏ đồ hộp làm bằng sắt tráng thiếc nên không cho muối (vị mặn) hoặc axit (vị chua) tác dụng.

3. Luyện tập 

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Nêu các biện pháp đã được sử dụng để bảo vệ kim loại không bị ăn mòn. Nêu hai ví dụ cụ thể mà bản thân em đã làm để bảo vệ đồ dùng bằng kim loại trong gia đình.

Câu 2: Tại sao kim loại bị ăn mòn? Những yếu tố nào ảnh hưởng tới ăn mòn kim loại? Lấy ví dụ minh họa.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Ngâm một lá Zn vào dung dịch HCl thấy bọt khí thoát ra ít và chậm. Nếu nhỏ thêm vài giọt dung dịch X thì thấy bọt khí thoát ra rất nhiều và nhanh. Chất tan trong dung dịch X là chất nào sau đây ?

A.H2SO4    B.MgSO4    C. NaOH    D. CuSO4

Câu 2: Để bảo vệ vỏ tàu biển bằng thép, người ta thường gắn vào vỏ tàu (phần ngâm dưới nước) kim loại nào sau đây ?

A. Ag    

B. Cu      

C. Pb    

D. Zn

Câu 3: Mệnh đề nào sau đây đúng ?

A. Sự phá hủy kim loại hay hợp kim dưới tác dụng hoá học của môi trường gọi là sự ăn mòn kim loại.

B. Sự ăn mòn kim loại là sự phá hủy kim loại bởi chất khí hay hơi nước ở nhiệt độ cao.

C. Sự ăn mòn kim loại là sự phá hủy kim loại do kim loại tiếp xúc với dung dịch axit.

D. Các mệnh đề A, B, C đều đúng.

Câu 4: Đinh sắt dễ bị ăn mòn trong môi trường

A. không khí khô.

B. trong nước cất không có hoà tan khí oxi.

C. nước có hoà tan khí oxi.

D. dung dịch muối ăn.

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm:

  • Liên hệ với các hiện tượng trong thực tế về sự ăn mòn kim loại, những yếu tố ảnh hưởng và bảo vệ kim loại khỏi bị ăn mòn
  • Biết thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sự ăn mòn kim loại, từ đó đề xuất biện pháp bảo vệ kim loại.
Ngày:17/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM