Câu trần thuật Ngữ văn 8

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em nắm được đặc điểm hình thức và chức năng của câu trần thuật. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích câu trần thuật trong một văn bản cụ thể. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Câu trần thuật Ngữ văn 8

1. Đặc điểm hình thức và chức năng

- Câu trần thuật không có đặc điểm hình thức của các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán.

- Câu trần thuật còn dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ tình cảm, cảm xúc…(vốn là chức năng chính của những kiểu câu khác).

- Khi viết, câu trần thuật thường kết thúc bằng dấu chấm (.).

- Đôi khi nó được kết thúc bằng dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm lửng (…).

- Đây là kiểu câu cơ bản và được dùng phổ biến nhất trong giao tiếp.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy chỉ ra đặc điểm hình thức và chức năng của câu trần thuật trong các ngữ liệu dưới đây:

a. Em buộc con dao díp vào lưng con búp bê lớn và đặt ở đầu giường tôi. Đêm ấy, tôi không chiêm bao thấy ma nữa. Từ đấy, tối tối, sau khi học xong bài, Thủy lại “võ trang” cho con Vệ Sĩ và đem đặt trên đầu giường tôi. Buổi sáng, em tháo dao ra, đặt nó về chỗ cũ, cạnh con Em Nhỏ. Hai con quàng tay lên vai nhau thân thiết. Từ khi về nhà tôi, chúng chưa phải xa nhau ngày nào, nên bây giờ thấy tôi đem chia chúng ra, Thủy không chịu đựng nổi.

(Cuộc chia tay của những con búp bê - Khánh Hoài)

b. An nói với Hoàng:

- Sáng mai lớp mình sẽ được nghỉ học đấy.

c. Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương: không bao giờ ta thương...

(Lão Hạc - Nam Cao)

d. Chẳng bao lâu tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Ðôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Ðôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng. Tôi lấy làm hãnh diện với bà con vì cặp râu ấy lắm. Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.

Gợi ý trả lời:

a.

- Đặc điểm hình thức: có dấu (.) cuối câu.

- Người anh đã kể về kỉ niệm của hai anh em gắn liền với hai con búp bê.

b.

- Đặc điểm hình thức: Có dấu (.) cuối câu.

- Đây là cuộc trò chuyện giữa An và Hoàng . An muốn thông báo với Hoàng ngày mai được nghỉ học.

c. 

- Đặc điểm hình thức: Có dấu (.) cuối câu.

- Câu nói nhằm nhận định: Phải tìm hiểu những người xung quanh ta thì mới thấy hết được phẩm chất của họ.

d. 

- Đặc điểm hình thức: Có dấu (.) cuối câu.

- Dùng để miêu tả: hình dáng của Dế Mèn.

Câu 2: Theo em, những câu dưới đây có phải câu trần thuật không? Nếu phải em hãy nêu tác dụng của những câu trần thuật đó?

a. Em xin chào cô, em đi đây. Tôi chào tất cả các bạn lớp mình tôi đi.

b. Thôi tôi ốm yêu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.

Gợi ý trả lời:

- Những câu trên là câu trần thuật.

- Chức năng:

+ Chức năng của câu trần thuật trong câu a dùng để chào.

+ Chức năng của câu trần thuật trong câu b dùng để khuyên răn.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được đặc điểm hình thức và chức năng của câu trần thuật.

- Rèn cho học sinh kĩ năng nhận biết câu trần thuật trong các văn bản.

- Sử dụng câu trần thuật phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM