Muốn làm thằng cuội Ngữ văn 8

Bài học Muốn làm thằng cuội Ngữ văn 8 HK1 giúp các em cảm nhận được hồn thơ lãng mạn của Tản Đà và sức hấp dẫn nghệ thuật mới mẻ trong hình thức thể loại truyền thống. eLib đã biên soạn bài học này một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Muốn làm thằng cuội Ngữ văn 8

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Tản Đà (1889- 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu.

- Quê : Sơn Tây- Hà Nội.

- Thơ ông tràn đầy cảm xúc lãng mạn, đậm đà bản sắc dân tộc, có những tìm tòi và sáng tạo mới mẻ. Ngoài ra Tản đà còn viết văn xuôi : tản văn, tuỳ bút, tự truyện và những thiên du kí viễn tưởng đặc sắc...

- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:

+ Tản Đà xuất thân là một nhà nho.

+ Vì mấy lần đi thi không đỗ nên ông đã chuyển sang sáng tác văn chương quốc ngữ rồi sớm nổi tiếng, nhất là những năm 20 của thế kỉ XX.

+ Ngoài viết thơ Tản Đà còn nổi tiếng với nhiều bài văn xuôi, tản văn, tùy bút, tự truyện…

+ Những tác phẩm tiêu biểu: Giấc mộng con, Thề non nước, Khối tình con…

- Phong cách sáng tác:

   + Thơ Tản Đà tràn đầy cảm xúc lãng mạn, lại vô cùng đậm đà bản sắc dân tộc, thơ ông có những tìm tòi và sáng tạo rất mới mẻ. Thơ Tản Đà như một gạch nối giữa thơ cổ điển và thơ hiện đại Việt Nam

1.2. Tác phẩm

- “Muốn làm thằng cuội” nằm trong “Khối tình con”- 1917.

- Thể thơ: thất ngôn bát cú đường luật.

- Bố cục: Bài thơ có bố cục hai câu đề hai câu thực hai câu luận và hai câu kết.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hai câu đầu

“ Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nửa rồi,"

- Hai câu thơ là lời tâm của tác giả với chị Hằng trong một đêm thu. Lời thơ như một tiếng than, một nỗi lòng, một tâm trạng trước cảnh đời buồn chán.

- Vì thực tại bế tắc, ngột ngạt của xã hội, cuộc sống trần thế không có niềm vui cho con người.

- Trong suy nghĩ của nhà thơ, chị Hằng ở trên cao sẽ thấy hết sự tầm thường dưới mặt đất. Đồng thời thể hiện khát vọng thoát khỏi trần gian hướng tới cái đẹp lí tưởng cao rộng.

=> Bằng ngôn ngữ thơ thân mật đến suồng sã, nhà thơ thể hiện tâm trạng bất hoà sâu sắc với xã hội đương thời.

2.2. Bốn câu thơ sau

“Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Có bầu có bạn can chi tủi,

Cùng gió cùng mây thế mới vui”

- Trong văn học, “ngông” là biểu hiện của ngòi bút có cá tính mạnh mẽ, không chịu gò ép mình trong khuôn khổ chật hẹp của lễ nghi, lề thói thông thường.

- Cặp câu 3 - 4: Lời hỏi thăm dò: cung trăng đã có ai ở đó chưa. Từ đó thể hiện một lời cầu xin được chị Hằng thả một “cành đa” xuống “nhắc” lên chơi.

- Cặp câu 5 - 6: thể hiện khát vọng thoát li trần thế, xa lánh được cái “cõi trần nhem nhuốc”; được sánh vai bầu bạn cùng người đẹp Hằng Nga và thiên nhiên mây gió của Tản Đà.

2.3. Hai câu thơ cuối

- Cái "ngông" của Tản Đà trong bài thơ tập trung chủ yếu ở câu cuối:

“Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,

Tựa nhau trông xuống thế gian cười”

- Ở đây ông tự cho mình là người ở vịn trí cao hơn tất cả, còn cuộc sống nơi trần thế chỉ là trần tục, thấp hèn, đáng cười. Ông cười tất cả. Đó chính là cái "ngông" của Tản Đà và cũng chính là ý nghĩa của cái cười trong câu thơ.

- Một hình ảnh tưởng tượng đầy ý vị và bất ngờ: đêm trung thu nhà thơ ngồi trên cung trăng , tựa vai chị Hằng cùng ngắm thế gian và “cười”.

- “Cười” ở đây có thể có cả hai ý nghĩa: vừa thoả mãn vì đã đạt được khát vọng thoát li trần thế, vừa thể hiện sự mỉa mai khinh bỉ cái cõi trần gian đáng chán ghét. Đó chính là đỉnh cao của hồn thơ lãng mạn và “ngông” của Tản Đà.

3. Tổng kết

Bài thơ Muốn làm thằng cuội của Tản Đà là tâm sự của một con người bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường, xấu xa, muốn thoát li bằng mộng tưởng lên cung trăng để bầu bạn với chị Hằng. Sức hấp dẫn của bài thơ là ở hồn thơ lãng mạn pha chút ngông nghênh đáng yêu và ở những tìm tòi đổi mới thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cổ điển.

4. Luyện tập

Câu 1. Em hãy nêu những đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ Muốn làm thằng cuội - Tản Đà.

Gợi ý làm bài:

- Cảm xúc mãnh liệt, dồi dào, phóng túng bay bổng và sâu lắng thiết tha được biểu hiện một cách tự nhiên, thoải mái, nhuần nhuỵ.

- Lời lẽ giản dị, trong sáng.

- Sức tưởng tượng phong phú, táo bạo.

- Thể thơ đường luật vẫn tuân thủ vần luật nhưng không gò bó trói buộc hồn thi sĩ, không câu nệ bởi công thức, khuân sáo tạo nên sức hấp dẫn cho bài thơ.

Câu 2. Em hãy cho biết giá trị nội dung của bài thơ Muốn làm thằng cụi - Tản Đà.

Gợi ý làm bài:

- Bài thơ chính là tâm sự của một con người bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường, muốn thoát li bằng mộng tưởng lên cung trăng bầu bạn với chị Hằng để thoát khỏi những thứ tầm thường ấy

5. Kết luận

Qua bài học các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Học sinh cảm nhận được tâm sự buồn chán thực tại; ước muốn thoát li rất “ngông” và tấm lòng yêu nước của Tản Đà.

- Sự đổi mới về ngôn ngữ, giọng điệu, ý tứ, cảm xúc trong bài thơ “ Muốn làm thằng Cuội”

- Rèn cho học sinh kĩ năng phân tích tác phẩm để thấy được tâm sự của nhà thơ Tản Đà.

- Phát hiện so sánh thấy được sự đổi mới trong hình thức thể loại văn học truyền thống.

- Giáo dục có học sinh lòng yêu nước; giáo dục ý thức thái độ đúng trong học tập.

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM