Hội thoại (tiếp theo) Ngữ văn 8

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được lượt lời trong hội thoại. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Hội thoại (tiếp theo) Ngữ văn 8

1. Lượt lời trong hội thoại

- Trong hội thoại, ai cũng được nói. Mỗi lần có một người tham gia hội thoại nói được gọi là một lượt lời.

- Để giữ lịch sự, cần tôn trọng lượt lời của người khác, tránh nói tranh lượt lời, cắt lời hoặc chêm vào lời người khác.

- Nhiều khi, im lặng khi đến lượt lời của mình cũng là một cách biểu thị thái độ.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy đọc văn bản sau và cho biết mỗi nhân vật dưới đây đã sử dụng bao nhiêu lượt lời?

Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão báo ngay:

- Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

- Cụ bán rồi?

- Bán rồi? Họ vừa bắt xong.

…Tôi hỏi cho có chuyện:

- Thế nó cho bắt à?

- Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi về thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

Tôi an ủi lão:

- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hóa kiếp cho nó đấy, hóa kiếp để cho nó làm kiếp khác.

Lão chua chát bảo:

- Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!...

Tôi bùi ngùi nhìn lão bảo:

- Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?

- Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm gì cho thật sướng?

Lão cười và ho sòng sọc. Tôi nắm lấy cái vai gầy của lão, ôn tồn bảo:

- Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: Bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào... Thế là sướng.

- Vâng! Ông giáo dạy phải! Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.

Gợi ý trả lời:

- Chúng ta có thể nhận thấy lượt lời của nhân vật ông giáo trong văn bản trên là 5 lượt lời. Còn của nhân vật Lão Hạc là 6 lượt lời.

=> Họ tôn trọng nhau và quan tâm lẫn nhau.

Câu 2: Em có nhận xét gì về lượt lời trong câu văn dưới đây:

Vợ ông lão đánh cá được voi đòi tiên, cứ yêu cầu hết cái này rồi đến cái khác, ông lão đánh cá hiền lành nên trở thành nhu nhược và làm theo ý người vợ, mặc người vợ mắng:

- "Đồ ngu! Đòi một cái máng thật à? Một cái máng thì thấm vào đâu! Đi tìm lại con cá và đói một cái nhà rộng".

Gợi ý trả lời:

- Cách sử dụng lượt lời của bà vợ với chồng: "Đồ ngu".

=> Cho thấy mụ vợ không tôn trọng chồng.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được khái niệm lượt lời.

- Rèn luyện kĩ năng xác định các lượt lời trong hội thoại, biết sử dụng đúng lượt lời trong giao tiếp.

- Có ý thức sử dụng lượt lời sao cho phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.

Ngày:24/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM