Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục Ngữ văn 8

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em thấy được tài năng của tác giả Mô-li-e trong việc xây dựng lớp kịch sinh động và khắc họa tính cách nhân vật vô cùng nực cười. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục Ngữ văn 8

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả: 

- Mô-li-e (1622 - 1673) là nhà soạn kịch lớn của pháp, đồng thời là diễn viên thường đóng các vai chính trong một số vở kịch của chính mình.

- Thời trẻ, học ở Cléc-mông rồi học luật, thường lui tới các nhóm văn nghệ sĩ và chịu ảnh hưởng của triết học Đề-các và triết học Ga-xăng-đi.

- Ông cùng nhóm của nghệ sĩ Ma-đơn-len Bê-gia thành lập một đoàn kịch, ra mắt công chúng 1644.

- Thất bại ở Pa-ri, đoàn kịch đóng cửa; một thời gian sau, đi diễn ở các tỉnh nhỏ trong 13 năm trời. Mô-li-e thay Bê-gia phụ trách đoàn kịch, đồng thời đóng kịch và viết vở. 

b. Tác phẩm:

- Trích trong vở kịch năm hồi: “Trưởng giả học làm sang” (1670).

- Đoạn trích là lớp kịch kết thúc hồi II.

- Vở kịch nói về Ông giuốc đanh một nhà buôn giàu có nhưng dốt nát quê kệch học đòi làm sang.

- Bố cục được tìm hiểu theo mạch truyện như hai phần sau:

+ Phần 1: Ông Giuốc-đanh và phó may.

+ Phần 2: Ông Giuốc-đanh và tốp thợ phụ.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Ông Giuốc-đanh và phó may

- Vở kịch mở đầu bằng một không gian và hoàn cảnh đặc biệt để tạo nên tiếng cười cho người đọc, chúng ta sẽ thấy mở đầu vở kịch là tại không gian phòng khách nhà ông Giuốc-đanh bác phó may mang bộ lễ phục đến. Có bốn nhân vật là ông Giuốc đanh, bác phó may, tay thợ phụ, gia nhân của giuốc đanh. Đối thoại chính: ông Giuốc- đanh và phó may.

- Chuyện xoay bộ trang phục mới của ông Giuốc-đanh (bộ lễ phục, đôi bít tất, giày, bộ tóc giả và lông đính mũ…). Chủ yếu là bộ lễ phục.

- Chiếc áo mà phó may làm cho ông Giuốc-đanh đã tạo nên được tiếng cười cho người đọc, đó là chiếc áo được may có bông hoa ngược lầ do có thể do sơ xuất cũng có thể là cố tình mà phó may đã may chiếc áo hoa ngược khiến Giuốc-đanh thành trò cười. Ông Giuốc-đanh chưa phải mất hết tỉnh táo, vẫn nhận ra chiếc áo ngược hoa.

- Phó may vụng chèo khéo chống bịa ra lí lẽ thuyết phục khiến ông Giuốc-đanh hài lòng. Giuốc-đanh phát hiện phó may ăn bớt vải. Phó may lảng sang chuyện khác, nhắc Giuốc-đanh mặc thử áo, đánh vào tâm lí.

=> Đoạn văn được tác giả xây dựng tình huống độc đáo, đầy kịch tính, tạo nên tiếng cười mỉa mai cho người đọc, ngoài ra chúng ta thấy trong đoạn văn có nhân vật phó may đang ở thế bị động sang chủ động, tiếp đến ông Giuốc-đanh phát hiện ra phó may ăn bớt vải chuyển sang chủ động. Phó may chống trả yếu ớt. Nhưng ông ta đã đảo ngược tình huống bằng một nước cờ cao tay đánh vào tâm lí trưởng giả học làm sang của ông Giuốc-đanh.

2.2. Ông Giuốc-đanh và tốp thợ phụ

- Sau khi tái hiện tình huống kịch tính với chiếc áo có bông hoa may ngược thì tác giả tiếp tục hướng đến khắc họa tính cách của ông Giuốc-đanh một cách tinh tế bằng cách tác giả đã chuyển cảnh hết sức tự nhiên và khéo léo bằng việc ông Giuốc-đanh mặc lễ phục xong là được tốp thợ phụ tôn xưng khiến ông ta tưởng mặc lễ phục vào là thành quý phái.

- Chúng nắm được điểm yếu để nịnh hót, tâng bốc nhằm moi tiền, phép tăng tiến trong lời tâng bốc. Sự học đòi làm sang càng ngày càng mãnh liệt (sẵn sàng cho hết tiền để được sang hão).

- Khán giả cười sự ngu dốt khiến phó may lợi dụng kiếm chác (tất chật, giày chật, ăn bớt vải …). Cười ông ngớ ngẩn mặc áo ngược hoa mà tưởng mình sang trong quý phái , cười ông ta bỏ tiền để mua danh hão.

=> Qua văn bản tác giả muốn phê phán, châm biếm, mỉa mai với tầng lớp giai cấp tư sản thời đó qua nhân vật đại diện là ông Giuốc-đanh, hình ảnh ông Giuốc-đanh, thích học đòi, mua danh hão mâu thuẫn với sự dốt nát, bị người khác lợi dụng, kiếm chác. Giuốc-đanh mặc lễ phục thật hài trên sân khấu.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Vở hài kịch "Trưởng giả học làm sang" mang lại những ý nghĩa vô cùng sâu sắc cho bạn đọc, đồng thời vở kịch này còn không chỉ mang tính chất giải trí mà còn qua đó phê phán những con người đã dốt còn học đòi làm sang, tạo nên những tiếng cười đáng suy ngẫm.

- Về nghệ thuật:

+ Ngôn ngữ gây cười.

+ Tình huống tạo được kịch tính cho người đọc.

+ Khắc họa thành công tính cách nhân vật.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản "Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục"

Gợi ý trả lời:

Văn bản "Trưởng giả học làm sang" nhằm giúp người đọc thấy được tình huống nực cười của một nhân vật học làm sang, qua đó tác giả muốn phê phán những giai cấp tư sản thời bấy giờ, đây còn là một vở hài kịch có năm hồi, có xen màn ca múa phụ họa nên gọi là vũ khúc hài kịch. Bên cạnh đó, chúng ta thấy rất rõ đoạn trích "Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục" là lớp kịch kết thúc hồi II, nhân vật trung tâm của vở kịch là ông Giuốc-đanh, tuổi ngoài bốn mươi, con một nhà buôn giàu có, tuy dốt nát thô kệch, nhưng ông muốn học đòi làm sang. Nhiều kẻ lợi dụng tính cách đó, săn đón, nịnh hót ông để moi tiền. Xuyên suốt trong toàn bộ văn bản hình ảnh đặc sắc là cảnh ông Giuốc-đanh mặc lễ phục là một biểu hiện của thói học đòi lối ăn mặc sang trọng của quý tộc. Lão ta đã bị bọn thợ may lợi dụng. Tác giả đã khắc họa sinh động, tài tình, làm nổi bật tính cách lố lăng của một gã trọc phú thừa tiền rửng mỡ. Chân dung hài hước của Giuốc-đanh đã gây ra những trận cười sảng khoái cho khán giả. Màn kịch là sự châm biếm, đả kích và phê phán mạnh mẽ của Mô-li-e đối với giai cấp tư sản đương thời.

Câu 2: Tác giả Mô-li-e đã tạo ra cái hài bằng cách nào?

Gợi ý trả lời:

- Sự chênh lệch, mất cân xứng giữa nội dung và hình thức, giữa cái bên trong và bên ngoài là nguyên tắc cơ bản để nhà văn tạo ra cái hài. Ở lớp kịch này cũng vậy, Mô-li-e đã xây dựng một nhân vật hài kịch bất hủ khi tạo ra sự khập khiễng, bất hoà giữa cái ngu dốt, ngớ ngẩn và cái sang trọng học đòi ở nhân vật ông Giuốc-đanh. 

- Tác giả đã tạo ra rất nhiều những tình huống gây cười trong truyện nhằm làm tăng thêm kịch tính cho truyện, cụ thể cười ở bộ lễ phục với những bông hoa ngược, tiền thưởng cho những tiếng tôn xưng quý phái, vẻ vênh váo rởm hợm của ông Giuốc-đanh khi mặc lễ phục cũng như khi được tôn xưng... qua đó nhà văn chế giễu thói học đòi làm sang vẫn thường thấy trong xã hội.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Học sinh hiểu được tiếng cười chế giễu thói “Trưởng giả học làm sang”.

- Hiểu được tài năng của Mô-li-e.

- Rèn luyện kĩ năng đọc phân vai kịch bản văn học.

- Phân tích mâu thuẫn kịch và tính cách nhân vật kịch.

Ngày:06/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM