Ôn tập và kiểm tra phần Tiếng Việt (tiếp theo) Ngữ văn 8

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em củng cố lại kiến thức về kiểu câu, lựa chọn trật tự từ trong câu và hành động nói đã học. Hy vọng rằng bài học này sẽ hữu ích với các em. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Ôn tập và kiểm tra phần Tiếng Việt (tiếp theo) Ngữ văn 8

1. Các kiểu câu đã học

a. Câu nghi vấn:

- Đặc điểm hình thức:

+ Câu nghi vấn là câu: Có các từ nghi vấn: ai, gì, nào, tại sao, đâu, bao giờ, bao nhiêu, à, ư, hả, chứ, (có)… không, (đã)… chưa hoặc có từ “hay” (nối các quan hệ lựa chọn).

+ Khi viết, câu nghi vấn thường kết thúc bằng dấu chấm hỏi (?)

+ Nếu không dùng để hỏi thì có thể kết thúc bằng dấu chấm (.), dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm lửng (…)

- Chức năng chính dùng để hỏi. Ngoài ra còn dùng để cầu khiến, khẳng định, phủ định, đe dọa, bộc lộ tình cảm, cảm xúc… không yêu cầu người đối thoại trả lời.

b. Câu cầu khiến:

- Câu cầu khiến là câu có những từ cầu khiến như: hãy, đừng, chớ, đi, thôi, nào,... hay ngữ điệu cầu khiến dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo,...

- Khi viết câu cầu khiến thường kết thúc bằng dấu chấm than, nhưng khi ý câu cầu khiến không được nhấn mạnh thì có thể kết thúc bằng dấu chấm.

c. Câu cảm thán:

- Câu cảm thán là câu có các từ cảm thán: ôi, than ôi, hỡi ơi, chao ơi (ôi), trời ơi, thay, biết bao, xiết bao, biết chừng nào… dùng để bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người nói (người viết): vui, buồn, mừng, giận… Thường xuất hiện trong ngôn ngữ nói hằng ngày hay ngôn ngữ văn chương.

- Khi viết, câu cảm thán thường kết thúc bằng dấu chấm than (!).

d. Câu trần thuật:

- Câu trần thuật không có đặc điểm hình thức của các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán.

- Câu trần thuật còn dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ tình cảm, cảm xúc…(vốn là chức năng chính của những kiểu câu khác).

- Khi viết, câu trần thuật thường kết thúc bằng dấu chấm (.).

- Đôi khi nó được kết thúc bằng dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm lửng (…).

- Đây là kiểu câu cơ bản và được dùng phổ biến nhất trong giao tiếp.

e. Câu phủ định:

- Câu phủ định là câu có các từ ngữ phủ định: không, chẳng, chả, chưa, không phải (là), chẳng phải (là), đâu có phải (là), đâu (có)…

- Câu phủ định dùng để:

+ Thông báo xác nhận không có sự vật, sự việc, tính chất, quan hệ nào đó (câu phủ định miêu tả).

+ Dùng để bác bỏ một ý kiến, một nhận định (câu phủ định bác bỏ).

2. Hành động nói

- Hành động nói là hành động được thực hiện bằng lời nói nhằm mục đích nhất định.

- Dựa vào mục đích của hành động nói mà người ta đặt tên cho nó.

- Những kiểu hành động nói thường gặp: Hỏi, trình bày (báo tin, kể, tả, nêu ý kiến, dự đoán…), điều khiển (cầu khiến, đe dọa, thách thức…), hứa hẹn, bộc lộ cảm xúc.

3. Lựa chọn trật tự từ trong câu

- Trong một câu có thể có nhiều cách sắp xếp trật tự từ, mỗi cách đem lại hiệu quả diễn đạt riêng.

- Người nói (người viết) cần biết lựa chọn trật tự từ thích hợp với yêu cầu giao tiếp.

- Thể hiện thứ tự nhất định của sự vật, hiện tượng, hoạt động, đặc điểm (như sắp xếp theo thứ bậc quan trọng của sự vật, thứ tự trước sau của hoạt động, trình từ quan sát của người nói).

- Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật, hiện tượng.

- Liên kết câu này với câu khác trong văn bản.

- Đảm bảo sự hài hòa về ngữ âm của lời nói.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy đọc đoạn văn sau và phân loại những câu đã được đánh dấu theo kiểu câu phù hợp nhất:

Chắc hẳn trong lòng mỗi người dân Việt Nam luôn tự hào và luôn luôn nhớ về vị chủ tịch kính yêu trong lòng nhân dân Việt Nam đó là Bác Hồ. Hồ Chi Minh sinh năm 1890 mất năm 1969. (1) Người cả đời vì nước vì dân cho tất cả dành tặng cho nhân dân. (2) Trong buổi nói chuyện tại buổi lễ khai mạc trường Đại học nhân dân Việt Nam năm 1955 Người nói:"Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích nước, lợi nhà nhiều hơn? (3) Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh, phấn đấu đến chừng nào?... (4) "Hồ Chí Minh đã mang lại chỗ nước nhà kho tàng muôn vàn điều hay (5). Có người nói:Bác đã ra đi rồi (6). Không! (7) Bác vẫn sống,sống mãi trong lòng chúng ta là điểm sáng mãi trên bầu trời muôn ngàn tinh tú kia... (8) Ôi bác hồ là niềm tự hào của dân tộc ta (9).

Gợi ý trả lời:

- Câu nghi vấn: 4.

- Câu cầu khiến: 2, 3.

- Câu trần thuật: 1, 5, 8, 6.

- Câu phủ định: 7.

- Câu cảm thán: 9.

Câu 2: Em có nhận xét gì về hành động nói trong những câu văn sau:

(1) Tớ đã cảm thấy rất buồn khi cậu không đến buổi tiệc hôm đó.

(2) A! Mẹ đã về. Sao hôm nay mẹ về muộn thế ạ!

(3) Trên đường đi học về tôi đã thấy một vụ tai nạn giao thông rất thảm khốc.

Gợi ý trả lời:

(1) Tớ đã cảm thấy rất buồn khi cậu không đến buổi tiệc hôm đó.

-> Hành động nói dùng để bộc lộc cảm xúc cá nhân.

(2) A! Mẹ đã về. Sao hôm nay mẹ về muộn thế ạ!

-> Hành động nói dùng để hỏi "Sao hôm nay mẹ về muộn".

(3) Trên đường đi học về tôi đã thấy một vụ tai nạn giao thông rất thảm khốc.

-> Hành động nói dùng để kể lại một sự việc đã được chứng kiến.

Câu 3: Em có nhận xét gì về cách lựa trọn trật tự từ trong hai bài ca dao sau:

(1) "Ngày ngày em đứng em trông

Trông non, non ngất, trông sông, sông dài,

Trông mây, mây kéo ngang trời

Trông trăng, trăng khuyết, trông người, người xa".

(Ca dao)

(2) "Ai về Phú Thọ cùng ta,

Vui ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười.

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba".

(Ca dao)

Gợi ý trả lời:

- Cách lựa chọn trật tự từ ở bài ca dao thứ nhất nhằm nhấn mạnh sự chờ đợi của nhân vật trữ tình rất lâu qua cách sử dụng từ "trông" được lặp lại rất nhiều lần trong bài ca dao.

- Cách lựa chọn trật tự từ ở bài ca dao thứ hai nhằm nhấn mạnh mọi người nhớ đến ngày giỗ tỗ Hùng Vương mùng mười tháng ba.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hệ thống các kiến thức đã học.

- Rèn cho học sinh kĩ năng vận dụng thuần thục kiến thức Tiếng Việt đã học.

- Có ý thức thái độ đúng trong học tập, ôn luyện Tiếng Việt.

Ngày:09/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM