Ông đồ Ngữ văn 8

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được sự nuối tiếc của nhà thơ đối với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Từ đó, các em có thái độ trân trọng, giữ gìn hơn những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Ông đồ Ngữ văn 8

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Vũ Đình Liên (1913 - 1996). Quê: Hải Dương.

- Nhà thơ Vũ Đình Liên được biết đến là nhà giáo nhân dân Việt Nam.

- Là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào thơ mới. Thơ ông thường nặng lòng thương người và niềm hoài cổ.

- Ông đỗ Tú Tài năm 1932 từng dạy học ở các trường: Trường tư thục Thăng Long, Trường Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức để kiếm sống.

- Ông học thêm trường Luật đỗ bằng cử nhân, về sau vào làm công chức ở Nha Thương chính.

- Bài thơ Ông Đồ của ông được một nhà phê bình văn học xem là một trong mười bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới.

- Ngoài sáng tác thơ, ông còn nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy văn học.

b. Tác phẩm:

- “Ông đồ” là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của nhà thơ.

- Bố cục bài thơ có thể chia thành hai phần:

+ Phần 1: Bốn khổ thơ đầu -> Hình ảnh ông đồ.

+ Phần 2: Khổ thơ cuối -> Nỗi lòng của tác giả.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hình ảnh ông đồ

a. Hình ảnh ông đồ thời xưa:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

- Ông đồ thường xuất hiện trên phố vào mỗi dịp hoa đào nở - mùa xuân đến.

- Ông đồ: “Bày mực tàu giấy đỏ” -> viết chữ nho, viết câu đối cho những người yêu thích nét đẹp truyền thống của dân tộc.

- Hình ảnh ông đồ như hoà vào với cái vui vẻ náo nhiệt của phố xá đang đón tết. Ông được mọi người quan tâm.

- Chữ nho, câu đối là thú chơi tao nhã không thể thiếu trong ngày tết của mỗi gia đình. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu tràng pháo bánh trưng xanh” Mọi người xúm đến để thưởng thức tài nghệ của ông, thuê ông viết chữ “Tấm tắc ngợi khen tài” viết chữ đẹp của ông.

=> Ông đồ trở thành trung tâm sự chú ý, là đối tượng để mọi người ngưỡng mộ.

b. Hình ảnh ông đồ ngày nay:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

- Tác giả đã sử dụng từ "mỗi năm" nhưng từ này lại đứng sau từ "nhưng" cho thấy hình ảnh ông đồ ngày càng bị lãng quên. Số người còn chút mến yêu và kính trọng chữ nho giờ cũng mỗi năm mỗi vắng, khách quen cũng tan tác mỗi người một ngả. Để rồi một chút hy vọng nhỏ nhoi của ông đồ là góp chút tài nghệ cùng mọi người vào mỗi dịp tết đến xuân về cũng dần tan biến bởi cuộc sống mưu sinh cũng ngày càng khó khăn.

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

- Tác giả đã nhắc đến giấy đỏ nhằm tô đậm thêm sự bỏ quên của mọi người với ông đồ trong ngày Tết. Giấy đỏ là thứ giấy dùng để ông đồ viết chữ lên, đó là một thứ giấy rất mỏng manh chỉ cần một chút ẩm ướt cũng có thể phai màu. Vậy mà “Giấy đỏ buồn không thắm” - không thắm bởi lâu nay không được dùng đến nên phôi pha úa tàn theo năm tháng.

- Mực để ông đồ viết lên những dòng chữ đẹp, nhiều người tấm tắc ngợi khen. Nhưng nay “Mực đọng trong nghiên sầu” nghĩa là mực đã được mãi từ lâu, đã sẵn sàng cho bàn tay tài hoa của ông đồ để trổ tài nhưng đã đợi chờ trong vô vọng.

=> Đoạn thơ tái hiện hình ảnh ông đồ đã bị bỏ quên, ông không còn là trung tâm của sự chú ý như trước đây nữa, một mình ông ôm bút nghiên giấy mực lặng lẽ về với mảnh đất của mình. Ông đã cố bám lấy xã hội hiện đại, lũ người hiện đại chúng ta đã nhìn thấy sự cố sức của ông, đã thấy ông chới với, nhưng chúng ta đã không làm gì, để đến bây giờ quay nhìn lại, mới biết ông đã bị buông rơi tự bao giờ.

2.2. Nỗi lòng của tác giả

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

- Tác giả đã tái hiện hình ảnh ông đồ nhằm thể hiện nỗi lòng của nhà thơ với những giá trị văn hóa của dân tộc đang ngày càng mất đi. Hai câu thơ cuối tác giả đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc dâng trào, kết đọng mang chiều sâu khái quát. Từ hình ảnh ông đồ nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh những người muôn năm cũ và thi sĩ hỏi một cách xót xa: Hỏi mây hỏi trời, hỏi cuộc sống hỏi một thời đại, hỏi mà để cảm thông cho thân phận của những người muôn năm cũ đã bị thời thế khước từ.

- Câu hỏi tu từ đặt ra như một lời tự vấn, tiềm ẩn sự ngậm ngùi, xót thương. Và tất cả những gì của một thời hoàng kim giờ cũng chỉ còn 1 màu sắc nhạt phai, tê tái.

=> Nhà thơ đã kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật để khắc họa hình ảnh ông đồ với cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn lụi khiến chúng ta lại càng cảm thương, xót xa cho số phận của ông.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Nhà thơ thể hiện nỗi lòng bâng khuâng, tiếc nuối một nét đẹp truyền thống văn hoá dân tộc bị tàn phai, đó chính là nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ.

- Về nghệ thuật:

+ Ngôn ngữ bình dị mà cô đọng, đầy gợi cảm.

+ Sử dụng thành công bút pháp tả cảnh ngụ tình, ý tại ngôn ngoại.

+ Sử dụng đa dạng các thủ pháp nghệ thuật.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn cảm nhận về văn bản "Ông đồ" của Vũ Đình Liên.

Gợi ý trả lời:

Ai cũng mang trong mình tình yêu sâu nặng với quê hương, đất nước, tình yêu của Vũ Đình Liên đối với dân tộc chính là sự nuối tiếc, hoài niệm về những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Vũ Đình Liên khắc khoải với nỗi lo về sự tàn phai mai một của bản sắc văn hóa. Và với “Ông đồ”, nhà thơ đã dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người hiện đại về ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, về những vẻ đẹp, giá trị của một thời vang bóng, để ta cần một phút lắng lại lòng mình mà suy nghĩ về quê hương, về nguồn cội, về trách nhiệm của chính mình. Bài thơ ra đời khi ông đồ đã trở thành cái di tích của một thời tàn. Nho học đã bị thất sủng, người ta đua nhau chạy theo thời đại với chữ Pháp chữ Tây.

Câu 2: Qua bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên em có suy nghĩ gì về văn hóa nước nhà?

Gợi ý trả lời:

- Để một thoáng nhìn lại mình, ta tự vấn lòng, ta đã làm chi cuộc đời ta, ta đã làm gì với sự ơ hờ, vô tâm. Ta vô tư tung thả mình, ta hồn nhiên góp phần chạy đua, đánh mất bản sắc dân tộc để đến với những thú vui thời thượng, trong khi đó mới chính là những chân giá trị vĩnh hằng cho nguồn cội mỗi cá nhân.

- Bằng một nỗi niềm rất riêng, một lòng yêu văn hóa xứ sở. Vũ Đình Liên đã gọi dậy trong tâm thức bạn đọc một nét đẹp văn hóa của một thời vang bóng.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Học sinh hiểu được sự đổi thay trong đời sống xã hội và sự tiếc nuối của nhà thơ đối với những giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc đang dần bị mai một.

- Lối viết bình dị mà gợi cảm của nhà thơ trong bài thơ.

- Rèn cho học sinh kĩ năng nhận biết tác phẩm thơ lãng mạn.

- Đọc diễn cảm tác phẩm.

- Phân tích được những chi tiết nghệ thuật tiêu biểu trong tác phẩm.

- Giáo dục cho học sinh biết trân trọng những vẻ đẹp truyền thống của dân tộc, giữ bản sắc văn hoá dân tộc.

Ngày:14/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM