Tính thống nhất chủ đề của văn bản Ngữ Văn 8

Bài học dưới đây mang đến cho các em những kiến thức hữu ích về chủ đề văn bản, tính thống nhất chủ đề của văn bản. Từ đó, là cơ sở để các em phân tích cái hay, cái đẹp trong các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Tính thống nhất chủ đề của văn bản Ngữ Văn 8

1. Chủ đề của văn bản

Câu 1: Tác giả nhớ lại những kỉ niệm sâu sắc nào trong thời thơ ấu của mình?

Tác giả nhớ lại những kỉ niệm sâu sắc của tuổi thơ trong buổi tựu trường đầu tiên trong đời, khi ông được mẹ đưa đến trường học

- Sự hồi tưởng ấy gợi lên những ấn tượng gì trong lòng tác giả?

  • Sự hồi tưởng ấy gợi lên những cảm giác bàng bạc, mơn man, trong sáng, nảy nở trong lòng “như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.
  • Trên đường cùng mẹ đến trường tâm trạng hồi hộp, cảm giác mới mẻ, vừa lúng túng vừa muốn khẳng định mình.
  • Tâm trạng ngỡ ngàng, lo sợ khi đứng trước ngôi trường, nghe gọi tên mình và phải rời tay mẹ để vào lớp.
  • Đón nhận giờ học đầu tiên trong cảm giác gần gũi, thân thuộc với bạn bè, mọi vật cùng một thái độ nghiêm túc, tự tin

Câu 2: Nội dung trả lời các câu hỏi trên chính là chủ đề của văn bản Tôi đi học. Hãy phát biểu chủ đề của văn bản này.

  • Chủ đề của văn bản Tôi đi học: Những kỉ niệm sâu sắc về buổi tựu trường đầu tiên trong cuộc đời nhân vật "tôi".
  • Chủ đề của văn bản Tôi đi học: Những kỉ niệm sâu sắc về buổi tựu trường đầu tiên trong cuộc đời nhân vật "tôi".

Câu 3: Từ các nhận thức trên, em hãy cho biết: Chủ đề của văn bản là gì

⇒ Chủ đề của văn bản: Là đối tượng chính, là vấn đề chính mà văn bản biểu đạt.

2. Tính thống nhất về chủ đề của văn bản 

Câu 1: Căn cứ vào đâu em biết văn bản Tôi đi học nói lên những kỉ niệm của tác giả về buổi tựu trường đầu tiên? (Chú ý nhan đề, các từ ngữ và các câu trong văn bản viết về những kỉ niệm buổi tựu trường đầu tiên)

Căn cứ vào: 

Nhan đề: Tôi đi học

  • Các từ ngữ: kỉ niệm, buổi tựu trường, lần đầu tiên đi đến trường, sách vở, bút thước, trường Mĩ Lí, học trò, thầy, lớp, hồi trống, ông đốc trường, lớp năm, sắp hàng, bàn ghế, phấn, bảng đen, đánh vần, bài viết tập,..…
  • Các câu “Hằng năm… nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.”, “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp.”, “Trước sân trường làng Mĩ Lí … vui tươi và sáng sủa.”, “Ông đốc trường Mĩ Lí cho gọi mới đến đứng trước lớp ba.”, “Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi đi vào lớp năm.”, “Một mùi hương lạ xông lên trong lớp.”, “Nhưng tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh lên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn…” 

Câu 2: Văn bản Tôi đi học tập trung hồi tưởng lại tâm trạng bồi hồi, cảm giác bở ngỡ của nhân vật "tôi" khi cùng mẹ đến trường, khi cùng các bạn đi vào lớp. (Chú ý phân tích những cảm giác khác biệt về cùng một sự vật, sự việc trước và trong buổi tựu trường đầu tiên)

a. Hãy tìm các từ ngữ, chi tiết nêu bật cảm giác mới lạ xen lẫn bỡ ngỡ của nhân vật "tôi" khi cùng mẹ đi đến trường, khi cùng các bạn đi vào lớp (Chú ý phân tích những cảm giác khác biệt về cùng một sự vật, sự việc trước và trong buổi tựu trường đầu tiên)

Tâm trạng bồi hồi, bỡ ngỡ của nhân vật tôi: 

  • Các từ ngữ, chi tiết nêu bật ấn tượng sâu sắc về buổi tựu trường đầu tiên; cảm giác mới lạ xen lẫn bỡ ngỡ của nhân vật “tôi” khi cùng mẹ đi đến trường, khi cùng các bạn đi vào lớp và trong buổi học đầu tiên:
  • nao nức, mơn man, những cảm giác trong sáng ấy, tưng bừng rộn rã,…
  • trang trọng, đứng đắn, lo sợ vẩn vơ, bỡ ngỡ, ngập ngừng e sợ, rụt rè, chơ vơ, vụng về lúng túng, run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp, như thấy quả tim tôi ngừng đập, giật mình và lúng túng, nặng nề một cách lạ, thấy xa mẹ, …
  • Chi tiết: đánh rơi vở; con đường quen nhưng tự nhiên lại thấy lạ; cảm nhận khác nhau về ngôi trước buổi tựu trường và trong buổi tựu trường; khóc nức nở khi ông đốc trường gọi tên; hình ảnh con chim con; …

b. Tìm các từ ngữ, các chi tiết nêu bật cảm giác mới lạ xen lẫn bỡ ngỡ của nhân vật "tôi" khi cùng mẹ đến trường, khi cùng các bạn đi vào lớp (Chú ý phân tích những cảm giác khác biệt về cùng một sự vật, sự việc trước và trong buổi tựu trường đầu tiên.)

Các từ ngữ, các chi tiết nêu bật cảm giác mới lạ xen lẫn bỡ ngỡ của nhân vật "tôi" khi cùng mẹ đến trường, khi cùng các bạn đi vào lớp: 

  • “Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi…”
  • “Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa, hay dám đi từng bước nhẹ…”
  • “Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu trước”.
  • “Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp"

⇒ Tính thống nhất chủ đề văn bản: Văn bản có tính thống nhất về chủ đề khi chỉ biểu đạt chủ đề đã xác định, không rời xa hay lạc sang chủ đề khác. Để thống nhất chủ đề văn bản cần: Xác định chủ đề được thể hiện ở nhan đề, đề mục, trong quan hệ giữa các phần của văn bản và các từ ngữ then chốt thường lặp đi lặp lại.

3. Luyện tập

Câu 1: Phân tích tính thống nhất trong bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.

Gợi ý làm bài

 a. Chủ đề của bài “bánh trôi nước” đó là: Vẻ đẹp và thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

 b. Từng câu thơ thể hiện đặc điểm của đối tượng, ý nghĩa ẩn dụ:

  • “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”: Từ hình ảnh thực của chiếc bánh trôi để nói về vẻ đẹp ngoại hình người phụ nữ
  • “Bảy nổi ba chìm với nước non”: Từ cách luộc chín bánh nói về số phận nổi lênh, bấp bênh của người phụ nữ.
  • “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”: Qua cách nặn bánh thể hiện cuộc đời không được tự chủ, tự lập của người phụ nữ.
  • “Mà em vẫn giữ tấm lòng son” Từ vị ngon của bánh để nói về vẻ đẹp bên trong thủy chung, son sắt của người phụ nữ

c. Các từ ngữ được dùng ngoài nghĩa thực miêu tả về chiếc bánh trôi còn mang ý nghĩa tượng trưng có mối liên hệ, liên tưởng đến vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ.

Câu 2: 

Sau đây là một số câu lấy từ hai đoạn văn khác nhau được cố tình sắp xếp một cách lộn xộn. Hãy sắp xếp lại thành hai đoạn văn bảo đảm tính thống nhất và chủ đề.

a. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm

b. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng, dễ thấy

c. Chúng ta không thể nói tiếng Việt ta đẹp như thế nào cũng như ta không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên.

d. Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý

e. Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp

g. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp; đẹp như thế nào, đó là điều rất khó nói.

h. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

i. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn.

k. Bổn phận của chúng ta là làm sao cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. 

Gợi ý làm bài

Có thể sắp xếp thành 2 đoạn văn sau:

Đoạn 1: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

  • Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng, dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm sao cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

Đoạn 2: Vẻ đẹp của tiếng Việt

  • Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp; đẹp như thế nào, đó là điều rất khó nói. Chúng ta không thể nói tiếng Việt ta đẹp như thế nào cũng như ta không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn. Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.

4. Kết luận

Kết thúc bài học, các em cần nắm được các nội dung sau:

  •  Khái niệm chủ đề của văn bản
  • Hiểu được thế nào là tính thống nhất của chủ đề văn bản và các yêu cầu cần thực hiện để đảm bảo tính thống nhất của văn bản.
  •  Phân tích được tính thống nhất của một số văn bản qua hệ thông scacs bài luyện tập.
Ngày:21/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM