Đi đường Ngữ văn 8

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được phong thái ung dung, tự tại của Bác khi say sưa ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên trong hoàn cảnh bị từ đày. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Đi đường Ngữ văn 8

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Hồ Chí Minh (1890 - 1969) sinh ra trong một gia đình ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

- Bác là người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

- Bác không có chủ ý trở thành nhà thơ nhưng những bài thơ Bác để lại đều có giá trị về nội dung và nghệ thuật đặc sắc.

- Bác từng bị nhà tù Tưởng Giới Thạch bắt giam trong thời gian khá dài.

- Tập thơ nổi tiếng nhất của Bác phải kể đến là tập thơ "Nhật ký trong tù".

b. Tác phẩm:

- Bài thơ ra đời trong thời gian Bác Hồ bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ (từ tháng 8/ 1942 đến tháng 9/ 1943) tại Quảng Tây - Trung Quốc.

- Bố cục bài thơ có thể chia thành hai phần:

+ Phần 1: Tìm hiểu hai câu thơ đầu.

+ Phần 2: Tìm hiểu hai câu thơ cuối.

2. Đọc hiểu văn bản

2.1. Tìm hiểu hai câu thơ đầu

"Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan

Trùng san chi ngoại hựu trùng san"

- Đi đường của Bác là chuyến đi đầy gian nan, vất vả và cực khổ, nghe hai từ "đi đường" như đi thưởng ngoạn nhưng Bác đang bị tù đày.

- Tác giả đã xây dựng một con đường lên núi không hề dễ dàng, đó là con đường đầy khó khăn và gian khổ, chông gai. Vượt qua ngọn núi này, phải trèo lên ngọn núi khác cao hơn, núi non trập trùng nối tiếp nhau. Thế nhưng, khi đã đặt chân lên đỉnh núi cao nhất, ta sẽ thấy được mọi thứ ở xung quanh, khi đó mọi khó khăn sẽ trở thành nhỏ bé.

=> Nhà thơ đã xây dựng con đường nhằm chuyển tải những ý nghĩa vô cùng sâu sắc, giúp người đọc hình dung được thật ra con đường ấy chính là cuộc đời. Cuộc đời người có lắm gian nan, vất vả. Nếu có quyết tâm và lòng kiên trì vượt qua thử thách thì nhất định sẽ có được thành quả cao.

2.2. Tìm hiểu hai câu thơ cuối

"Trùng san đăng đáo cao phong hậu

Vạn lí dư đồ cố miện gian"

- Nhà thơ đã xây dựng một bức tranh với những dãy núi nối tiếp nhau không dứt, cứ đi và đi mãi, con đường đi ấy như vẽ ra trước mắt ta khung cảnh những lớp núi điệp trùng, hết lớp này đến lớp khác, trong đó con người, với tư cách là chủ thể của khung cảnh đang vượt lên những lớp núi chất chồng kia, đang đứng ở đỉnh cao ngất với niềm khoan khoái tự hào, thu vào tầm mắt cả một không gian khoáng đạt, cao rộng, cả khung cảnh gấm vóc hùng vĩ của đất nước, non sông.

- Tác giả đã diễn tả được niềm vui sướng vô cùng khi say sưa vừa đi vừa ngắm cảnh đường với thiên nhiên tươi đẹp, phần thưởng bất ngờ cho người đã trèo qua bao dãy núi vô cùng gian lao. Người đi đường khổ cực trở thành người khách ung dung say sưa ngắm cảnh đẹp.

=> Niềm hạnh phúc lớn lao của người chiến sỹ cách mạng khi cách mạng hoàn toàn thắng lợi sau bao gian khổ hy sinh.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Bài thơ có hai lớp nghĩa, nghĩa đen nói về việc đi đường núi. Nghĩa bóng ngụ ý nói về đường cách mạng, đường đời.

+ Bác nêu lên một trân lí: Con đường cách mạng là lâu dài và vô cùng gian khổ, nhưng nếu kiên trì, bền chí vượt qua gian nan thử thách thì nhất định sẽ đạt tới thắng lợi rực rỡ.

- Về nghệ thuật:

+ Bài thơ tức cảnh, ý tại ngôn ngoại.

+ Những vần thơ giống như kể chuyện để thuyết phục một chân lí đạo lí lớn, có tác dụng cổ vũ tinh thần con người vượt qua khó khăn thử thách trên đường đời để vươn tới mục đích cao đẹp.

4. Luyện tập

Câu 1: Em có nhận xét gì về nhan đề bài thơ "Đi đường"?

Gợi ý trả lời:

- “Đi đường” là nhan đề bài thơ vô cùng ngắn gọn nhưng lại là nhan đề sâu sắc và ý nghĩa, bởi vì tác giả nói “Đi đường” nhưng thực chất là bị giải đi đường, là đi đày.

- Nhan đề bài thơ gây ấn tượng ban đầu cho người đọc rằng đây có thể là câu chuyện về một chuyến đi nào đấy nhưng khi tìm hiểu bài thơ chúng ta thấy Bác không kể, không tả, nhưng chúng ta, những người đọc thơ Bác hôm nay, không thể không đặt bài thơ trong khung cảnh Bác bị giải đi triền miên giữa cảnh đói rét thiếu thốn, giữa cảnh nắng đội mưa dầm, giày dép tả tơi, 53 cây số một ngày, tay bị trói, cổ mang vòng xích -> Vậy mà, câu thơ nói đi nói lại dường như chỉ là một nhận xét, một đúc kết bình thường. 

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận về bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh.

Gợi ý trả lời:

Trong cuộc đời hoạt động, Bác đã đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Mỗi nơi, mỗi người đều giúp Bác thêm kiến thức, kinh nghiệm. Khi đã vượt qua tất cả những ngọn núi thấp để đến đỉnh ngọn cao nhất: vượt qua khó khăn lớn lao nhất thì đạt đến thành công. Hình ảnh kỳ vĩ: con người với thân hình nhỏ bé đứng trên đỉnh cao của ngọn núi vĩ đại: một bức tranh thật hào hùng; thành công ấy thật vinh quang. Vượt qua khó khăn lớn nhất sẽ thấy rõ đường đời cái gì là trắc trở, cái gì là hạnh phúc, bình yên.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Học sinh cảm nhận được tâm hồn giàu cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên và phong thái Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh thử thách trên đường.

- Nắm được ý nghĩa khái quát mang tính triết lí của hình tượng con đường và con người vượt qua những chặng đường gian khó.

- Cảm nhận được vẻ đẹp của Hồ Chí Minh ung dung, tự tại, chủ động trước mọi hoàn cảnh.

- Thấy được sự khác nhau giữa văn bản chữ Hán và văn bản dịch bài thơ (biết được giữa hai văn bản có sự khác nhau).

Ngày:15/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM