Luyện nói: Thuyết minh về một thứ đồ dùng Ngữ văn 8

Bài học Luyện nói: Thuyết minh về một thứ đồ dùng Ngữ văn 8 tập 1 giúp các em rèn luyện kĩ năng tự tin nói trước đám đông, đồng thời trau dồi vốn từ để làm một bài văn thuyết minh hay. eLib đã biên soạn nội dung bài học này một cách đầy đủ và chi tiết nhất, mời các em tham khảo. Chúc các em học tập tốt!

Luyện nói: Thuyết minh về một thứ đồ dùng Ngữ văn 8

1. Ôn tập lý thuyết

- Đặc điểm chung của văn bản thuyết minh:

+ Thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, cung cấp tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân của sự vật hiện tượng trong tự nhiên, xã hội bằng cách trình bày, giới thiệu, giải thích.

+ Tri thức trong văn bản thuyết minh đòi hỏi khách quan, xác thực, hữu ích cho con người.

+ Văn bản thuyết minh cần được trình bày chính xác, rõ ràng, chặt chẽ và hấp dẫn.

- Phương pháp thuyết minh:

+ Muốn có tri thức để làm tốt bài văn thuyết minh, người viết phải quan sát, tìm hiểu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nhất là phải nắm bắt được bản chất, đặc trưng của chúng, để tránh sa vào trình bày các biểu hiện không tiêu biểu, không quan trọng.

+ Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục, dễ hiểu, sáng rõ, người ta có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh như: nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân tích, phân loại...

- Cách làm bài văn thuyết minh:

+ Để làm bài văn thuyết minh, cần tìm hiểu kĩ đối tượng thuyết minh, xác định rõ phạm vi tri thức về đối tượng đó; sử dụng phương pháp thuyết minh thích hợp, ngôn từ chính xác, dễ hiểu.

+ Bố cục bài văn thuyết minh thường có ba phần:

  • Mở bài: giới thiệu đối tượng thuyết minh.

  • Thân bài: trình bày cấu tạo, các đặc điểm, lợi ích,... của đối tượng.

  • Kết bài: bày tỏ thái độ đối với đối tượng.

2. Luyện tập

Câu 1. Thuyết minh về một đồ dùng học tập mà em yêu thích nhất.

Gợi ý làm bài:

Suốt quãng đời cắp sách tới trường, người học sinh luôn bầu bạn với sách, vở, bút, thước,... và coi đó là những vật dụng không thể thiếu được. Trong số những dụng cụ học tập ấy thì vật dụng để đựng các thứ kể trên chính là chiếc cặp - một vật đã gắn bó với tôi nhiều năm và chắc trong tương lai sẽ còn hữu ích với tôi lắm!

Cặp sách được sử dụng nhiều trong quá trình học tập cũng như trong đời sống. Chắc chắn một điều rằng, cặp sách có thể được đưa vào danh sách hàng loạt những phát minh quan trọng của loài người. Việc phát minh ra cặp sách là do người Mỹ nghĩ ra vào năm 1988.

Về cấu tạo, bên ngoài, ta dễ thấy nhất: nắp cặp, quai xách, kẹp nắp cặp, một số cặp có quai đeo, một số khác có bánh xe nhỏ được dùng để kéo trên đường,... Cấu tạo bên trong, có thể có một hoặc nhiều ngăn dùng để đựng tập sách, đồ dùng học tập, áo mưa, có thể có ngăn đựng ví tiền hay cả đồ ăn, nước uống nữa,...

Về quy trình, cho dù quy trình làm ra chiếc cặp như thế nào đi nữa thì nó cũng chỉ có những công đoạn chính gồm: lựa chọn chất liệu, xử lí, khâu may, ghép nối. Chất liệu thì có rất nhiều loại cho phù hợp với yêu cầu của người dùng: vải nỉ, vải bố, da cá sấu, gải da,... Dù làm bằng chất liệu gì thì cặp cũng phải chắc, vì nó phải khiêng vác rất nặng các tập sách. Kèm theo đó, kiểu dáng cặp cũng phải phù hợp, ví dụ như con trai thì thường đeo cặp có quai sang một bên cho có khí phách, năng động. Con gái mặc áo dài thì ôm cặp trước ngực để có vẻ dịu dàng, thùy mị. Con nít thì đeo cặp ra sau lưng để dễ dàng chạy nhảy, vui đùa. Cùng với màu sắc, hiện đang thịnh hành rất nhiều loại cặp với nhiều màu sắc, hình ảnh đa dạng, phong phú, bắt mắt phù hợp cho từng lứa tuổi.

Một số lời khuyên về việc sử dụng cặp cho đúng cách: chiếc cặp khi đeo không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể của mình. Nên xếp những đồ vật nặng nhất vào phần trong của cặp (phần tiếp giáp với lưng). Xếp sách vở và đồ dùng học tập sao cho chúng không bị xô lệch. Chắc chắn rằng những vật dụng để trong cặp đều càn thiết cho các hoạt động trong ngày. Đối với cặp hai quai, chúng ta không nên đeo lủng lẳng một quai, dễ cong vẹo người. Đối với cặp chỉ có một quai, nên thay đổi vai đeo để tránh cong vẹo người. Khi mua cặp, nên chọn loại quai đeo có độn bông, mút hoặc vải,...

Ngày nay, có rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Miti, Samsonite, Tian Ling, Ling Hao,... phổ biến ở khắp mọi nơi như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Nhưng cho dù chúng đẹp đến đâu, bền cỡ nào đi chăng nữa, cũng từ từ theo thời gian mà hỏng dần đi nếu như chúng ta không biết cách bảo quản nó, chẳng hạn như quăng chúng ình ình mỗi khi gặp chuyện bực mình hoặc ham vui mà quăng nó đi. Thế nên, chúng ta không nên quăng cặp bừa bãi, mạnh tay, thường xuyên lau chùi cặp cho sạch sẽ.

Nói tóm lại, cặp sách là một vật dụng rất cần thiết trong việc học tập và cả trong đời sống của chúng ta. Nếu chúng ta sử dụng đúng cách, nó sẽ mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích và có thể được coi là người bạn luôn luôn đồng hành với mỗi chúng ta. Đặc biệt là đối với học sinh- chủ nhân tương lai của đất nước.

Câu 2. Để làm tốt một bài văn thuyết minh em cần phải làm gì?

Gợi ý làm bài:

- Phải đọc kĩ đề, tránh lạc đề, cần tìm hiểu kĩ đối tượng thuyết minh, xác định rõ phạm vi tri thức về đối tượng đó; sử dụng phương pháp thuyết minh thích hợp, ngôn từ chính xác, dễ hiểu.

- Lập dàn ý: gồm ba phần:

  • Mở bài: giới thiệu đối tượng thuyết minh.

  • Thân bài: trình bày cấu tạo, các đặc điểm, lợi ích,... của đối tượng.

  • Kết bài: bày tỏ thái độ đối với đối tượng.

3. Kết luận

Qua bài học các em nắm một số nội dung chính sau:

- Biết cách quan sát và nắm được đặc điểm cấu tạo , công dụng của những vật dụng gần gũi với bản thân.

- Rèn kĩ năng tạo lập văn bản thuyết minh.

- Sử dụng ngôn ngữ dạng nói trình bày chủ động về một thứ đồ dùng trước tập thể lớp.

- Có ý thức chuẩn bị bài luyện nói, tập nói trước tập thể. Có ý thức thái độ đúng đắn, nghiêm túc trong học tập.

Ngày:15/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM