Tổng kết phần văn (tiếp theo - tiết 2) Ngữ văn 8

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được những tác phẩm văn học đã học trong chương trình Ngữ văn 8 học kì 2. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tổng kết phần văn (tiếp theo - tiết 2) Ngữ văn 8

1. Nội dung bài học

- Nắm được khái niệm và đặc điểm của văn bản nghị luận.

- Chỉ ra những những luận điểm, luận cứ trong một văn bản nghị luận cụ thể theo sự hướng dẫn của thầy/ cô giáo.

- Lưu ý đặc biệt đến tác phẩm "Nước Đại Việt ta".

- Viết được bài văn nghị luận về một tác phẩm đã học.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy chọn một tác phẩm bất kì trong chương trình Ngữ văn 8 học kì 2 và viết bài văn nêu cảm nghĩ.

Gợi ý trả lời:

Chọn tác phẩm "Ngắm trăng" của nhà thơ Hồ Chí Minh:

Trăng vốn là người bạn tâm tình, là nguồn cảm hứng dạt dào, bất tận của thi sĩ muôn đời. Trong thơ đông tây kim cổ đã có biết bao bài thơ hay viết về trăng, để lại ấn tượng không phai trong trái tim người đọc. Một trong những tác giả viết nhiều về trăng là Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời cách mạng gian truân và vẻ vang của Bác, Bác luôn coi trăng là tri âm, tri kỉ.

Bài thơ Ngắm trăng (Vọng nguyệt) ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt là chốn lao tù tăm tối của chế độ Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc, vào khoảng những năm bốn mươi hai, bốn mươi ba của thế kỉ XX. Người tù thi sĩ tay bị xích, chân bị cùm, thân thể đọa đày nơi ngục lạnh mà tâm hồn vẫn lâng lâng, thanh thản, say mê thưởng thức vẻ đẹp của đêm trăng sáng.

"Mở đầu bài thơ là một thực trạng:

Trong tù không rượu cũng không hoa"

Nhưng đối lập với cảnh trong lao tù, ở bên ngoài là một đêm trăng đẹp (lương tiêu). Thế là một câu hỏi như một bài toán được đặt ra một cách rất tự nhiên: Đối thử lương tiêu nại nhược hà?, nghĩa là trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào? Ngắm trăng thường phải có rượu và hoa. Đó là những thứ vốn để tạo thi hứng cho tâm hồn thi sĩ. Xưa nay, uống rượu ngắm trăng, thưởng thức hoa là chuyện thường tình. Nhưng ở đây trong lao tù này làm sao có rượu có hoa để thưởng thức ánh trăng. Câu hỏi tự nhiên ấy cho thấy lòng yêu thiên nhiên say đắm và khát khao được thưởng thức cái đẹp của Bác. Câu thơ thứ hai dịch là Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ đã bỏ mất câu hỏi nên làm mất đi cảm giác băn khoăn của nhân vật trữ tình. Đọc lại câu thơ Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ, ta thấy là một câu hỏi băn khoăn với người đọc, nhưng đối với Bác là một câu hỏi tu từ để nhấn mạnh cách giải quyết tối ưu của mình. Ánh trăng thanh khiết, vời vợi kia như thúc giục, như mời gọi thi nhân hãy ra ngoài chốn tự do mà giao hòa, chia sẻ. Thế là mặc thiếu thốn vật chất, mặc cho bốn bức tường giam chật hẹp, mặc cho song sắt của cửa sổ nhà tù, tất cả không ngăn được cảm xúc mênh mông của Bác. Bác thả hồn theo ánh trăng và gửi gắm vào đó khát vọng tự do khôn nguôi của mình. Câu thơ như một lời thì thầm tâm sự.

"Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”

Sự tự ý thức về cảnh ngộ đã tạo cho tư thế ngắm trăng của người tù một ý nghĩa sâu sắc hơn các cuộc ngắm trăng, thưởng trăng thường tình. Qua song sắt nhà tù, Bác ngắm vầng trăng đẹp. Người tù ngắm trăng với tất cả tình yêu trăng, với một tâm thế “vượt ngục” đích thực? Song sắt nhà tù không thể nào giam hãm được tinh thần người tù có bản lĩnh phi thường như Bác.

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

Ta thấy: “Nhân, Nguyệt” rồi lại “Nguyệt, Thi gia” ở hai đầu câu thơ và cái song sắt nhà tù chắn ở giữa. Trăng và người tù tâm sự với nhau qua cái song sắt nhà tù đáng sợ ấy. Khoảnh khắc giao cảm giữa thiên nhiên và con người xuất hiện một sự hóa thân kỳ diệu: “Tù nhân” đã biến thành thi gia. Lời thơ đẹp đầy ý vị. Nó biểu hiện một tư thế ngắm trăng hiếm thấy. Tư thế ấy chính là phong thái ung dung, tự tại, lạc quan yêu đời, yêu tự do. “Ngắm trăng” là một bài thơ trữ tình đặc sắc. Bài thơ không hề có một chữ “thép” nào mà vẫn sáng ngời chất “thép”. Trong gian khổ tù đày, tâm hồn Bác vẫn có những giây phút thảnh thơi, tự do ngắm trăng, thưởng trăng.

Suốt bài thơ, không có một âm thanh, một tiếng động nào dù là nhỏ. Sự im lặng tuyệt đối ấy tôn lên cái sâu thẳm của hồn người, hồn tạo vật. Người ngắm trăng, trăng ngắm người trong lặng lẽ. Không nói mà nói bao điều. Giữa bao bài thơ trăng, bài "Ngắm trăng" của Hồ Chí Minh mang vẻ đẹp giản dị mà khác lạ. Bốn câu, hai mươi tám chữ, ngắn gọn là vậy mà hàm chứa tuyệt vời sâu sắc về đạo đức, phẩm giá và phong cách của một con người chân chính.

(Sưu tầm)

Câu 2: Em hãy viết bài văn nghị luận về văn bản "Nước Đại Việt ta".

Gợi ý trả lời:

Nguyễn Trãi là một nhà thơ trữ tình, một nhà văn chính luận, một anh hùng dân tộc và là một danh nhân văn hóa nổi tiếng trên thế giới. Tên tuổi Nguyễn Trãi gắn liền với cuộc chiến đấu vĩ đại trong công cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở thế kỉ XV. Sau khi kết thúc thắng lợi, thừa lệnh vua Lê Thái Tổ, ông đã viết nên bài "Bình Ngô đại cáo" (Tuyên bố rộng rãi về việc dẹp yên giặc Ngô). Tác phẩm không những là văn kiện lịch sử quí giá, tổng kết quá trình đấu tranh gian khổ của quân dân ta trong cuộc chiến chống quân Minh mà văn bản còn được coi như một bản Tuyên ngôn độc lập, một "áng thiên cổ hùng văn" của dân tộc ta. Đoạn trích "Nước Đại Việt ta" trích trong "Bình Ngô đại cáo" là một trong những đoạn trích nằm ở phần mở đầu của tác phẩm, đã cho thấy sự phát triển vượt bậc về mặt tư tưởng yêu nước của dân tộc ta ở thế kỉ XV.

Tháng 12 - 1427, giặc Minh thua trận, rút quân về nước. Tháng 1 - 1428, Nguyễn Trãi thay vua Lê viết bài "Bình Ngô đại Cáo". Bài thơ được viết theo thể cáo - một thể văn cổ, có tính chất quan phuong, hành chính, dành cho vua chúa hoặc thủ lĩnh viết, nhằm trình bày một chủ trương, công bố kết quả một sự nghiệp trọng đại cho toàn dân được biết. Về hình thức, Cáo thường được viết theo lối văn biền ngẫu, có tính chất hùng biện nên lời lẽ đánh thép, lí luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ, logic, mạch lạc. Bố cục bài cáo gồm bốn phần thì đoạn trích "Nước Đại Việt ta" nằm ở phần đầu có vai trò: nêu luận đề chính nghĩa của cuộc kháng chiến.

Đối với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa chính là làm cho nhân dân có cuộc sống được yên ổn, hạnh phúc, và để làm được điều đó cần phải diệt giặc tàn bạo. Trong bối cảnh nước ta lúc bấy giờ, trừ bạo ở đây chính là đánh tan quân Minh. Hai mặt này gắn bó chặt chẽ, khăng khít với nhau, không trừ được bạo ngược chắc chắn sẽ không thể đem đến cuộc sống yên ổn cho nhân dân. Đây chính là nguyên lí cơ bản, làm cơ sở để Nguyễn Trãi triển khai toàn bộ luận đề phía sau.

Các yếu tố được Nguyễn Trãi đưa ra để khẳng định chủ quyền dân tộc hết sức đa dạng và có chiều sâu. Nếu như ở bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên Nam quốc sơn hà, mới chỉ dừng lại khẳng định trên hai phương diện là chủ quyền và lãnh thổ, thì đến đây Nguyễn Trãi đã đưa thêm các yêu tố khác: phong tục, tập quán, lịch sử và chế độ riêng. Những yếu tố được bổ sung thuộc về chiều sâu văn hóa mà phải mất hàng nghìn năm bồi đắp và sang lọc mới có được. Với những yếu tố đó, Nguyễn Trãi đã hoàn chỉnh quan niệm về quốc gia, dân tộc, đây là một bước chuyển mình lớn, sâu sắc hơn so với bản tuyên ngôn trước đó. Qua đây, ta thấy được nhận thức sâu sắc, đúng đắn của Nguyễn Trãi đối với vấn đề chủ quyền của nước nhà.

Trong đoạn thơ trên, bản tuyên ngôn có sức thuyết phục rất lớn đối với người đọc khi Nguyễn Trãi đã sử dụng linh hoạt các từ ngữ mang tính chất hiển nhiên, sẵn có: từ nghe, vốn xưng, đã lâu, đã chia,… để khẳng định sự tồn tại độc lập của đất nớớc. Ông còn sưử dụng linh hoạt biện pháp so sánh, so sánh các triều đại của ta với các triều đại Trung Quốc. Ngoài ra còn kết hợp với giọng văn đanh thép, dõng dạc càng khẳng định hơn nữa ý thức về độc lập, chủ quyền của dân tộc.

Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi chính là ở chỗ kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn. Qua đoạn trích trên, ta càng thấy được Nguyễn Trãi đã lập luận một cách chặt chẽ và chứng cứ hùng hồn, nêu lên được hào khí dân tộc, khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Đại Việt ta.

(Sưu tầm)

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học.

- Biết cách sắp xếp các luận điểm, luận cứ một cách khoa học.

- Có ý thức học tập bộ môn.

Ngày:10/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM