Bệnh giang mai thần kinh - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Giang mai thần kinh là một biến chứng của giang mai nếu bệnh không được điều trị. Đây là tình trạng nhiễm trùng ở hệ thần kinh. Để hiểu rõ hơn về cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh giang mai thần kinh - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh giang mai thần kinh là gì?

Giang mai thần kinh là một biến chứng của giang mai nếu bệnh không được điều trị. Đây là tình trạng nhiễm trùng ở hệ thần kinh, đặc biệt là não và tủy sống và đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Các dạng giang mai thần kinh

Giang mai thần kinh gồm có 5 loại:

Giang mai thần kinh không có triệu chứng

Đây là dạng giang mai thần kinh phổ biến nhất, thường xảy ra trước khi các triệu chứng giang mai xuất hiện. Khi mắc dạng này, bạn sẽ không cảm thấy bất thường hay có các dấu hiệu về bệnh thần kinh.

Giang mai thần kinh màng não

Tình trạng này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào từ vài tuần đến vài năm sau khi người bệnh nhiễm giang mai. Các triệu chứng bao gồm:

  • Buồn nôn ;
  • Nôn ;
  • Cứng cổ ;
  • Đau đầu.

Bệnh cũng khiến bạn mất thị lực hoặc thính lực.

Giang mai thần kinh mạch máu màng não

Đây là một dạng giang mai thần kinh màng não nghiêm trọng. Người mắc bệnh này thường có ít nhất một cơn đột quỵ.

Khoảng 10 – 12% người mắc giang mai thần kinh sẽ phát triển dạng bệnh này. Cơn đột quỵ có thể xảy ra trong những tháng đầu hoặc một vài năm sau khi người bệnh nhiễm giang mai.

Liệt tổng quát ở người mất trí

Loại bệnh này có thể xuất hiện sau một khoảng thời gian rất dài từ khi bạn nhiễm giang mai. Tuy nhiên, ngày nay liệt tổng quát ở người mất trí rất hiếm nhờ vào những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bệnh có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Rối loạn nhân cách Paranoia ;
  • Tâm trạng thay đổi thất thường ;
  • Gặp khó khăn về cảm xúc ;
  • Thay đổi tính cách ;
  • Yếu cơ ;
  • Mất khả năng sử dụng đúng từ ngữ.

Bệnh có thể tiến triển thành chứng mất trí nhớ.

Bệnh tabet

Dạng bệnh giang mai thần kinh này cũng rất hiếm, ảnh hưởng đến cột sống sau 20 năm nhiễm giang mai. Các triệu chứng bệnh bao gồm:

Gặp khó khăn khi giữ thăng bằng Mất khả năng phối hợp của cơ thể Các hoạt động sinh lý không tự chủ (đi nặng hoặc đi nhẹ) Dáng đi bất thường Vấn đề thị lực Đau ở bụng, cánh tay hoặc chân

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng giang mai thần kinh là gì?

Các triệu chứng giang mai thần kinh thường ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Tùy vào loại bệnh, bạn sẽ có một số triệu chứng như:

  • Dáng đi bất thường hoặc không thể đi lại;
  • Tê chân và ngón chân ;
  • Gặp vấn đề về suy nghĩ, như thường nhầm lẫn hoặc khó tập trung;
  • Các vấn đề tâm thần, như trầm cảm và cáu kỉnh;
  • Đau đầu, co giật hoặc cứng cổ ;
  • Tiểu không tự chủ ;
  • Cơ thể run hoặc yếu ;
  • Các vấn đề thị lực, thậm chí mù lòa.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây giang mai thần kinh là gì?

Giang mai thần kinh là biến chứng của giang mai, do đó nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn giang mai Treponema pallidum.

Giang mai thần kinh thường xuất hiện khoảng 10-20 năm sau khi người bệnh nhiễm giang mai. Tuy nhiên, không phải ai bị giang mai cũng có biến chứng này.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán giang mai thần kinh?

Bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh, như:

Khám sức khỏe

Đầu tiên, bác sĩ có thể kiểm tra phản xạ cơ bình thường của bạn và xác định xem có bất kỳ cơ bắp nào bị teo (mất mô cơ) không.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ phát hiện giang mai thần kinh giai đoạn giữa. Nhiều xét nghiệm máu sẽ cho thấy bác sĩ biết bạn từng hay đang mắc bệnh giang mai.

Chọc dò tủy sống

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị bệnh giang mai thần kinh giai đoạn cuối, họ cũng sẽ yêu cầu chọc dò tủy sống. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu dịch xung quanh não và tủy sống của bạn để xác định mức độ nhiễm trùng và lên kế hoạch điều trị.

Xét nghiệm hình ảnh

Bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT và MRI để quan sát tủy sống, não và thân não, từ đó có thể chẩn đoán về giang mai thần kinh.

Những phương pháp nào giúp điều trị giang mai thần kinh?

Để điều trị bệnh giang mai và giang mai thần kinh, bác sĩ thường chỉ định kháng sinh penicillin dạng uống hoặc tiêm. Phác đồ điều trị thông thường kéo dài 10 – 14 ngày. Các kháng sinh probenecid và ceftriaxone thường được sử dụng cùng với penicillin. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, bạn có thể cần phải ở lại bệnh viện trong khi được điều trị.

Trong quá trình hồi phục, bạn sẽ cần xét nghiệm máu sau 3 và 6 tháng điều trị. Sau đó, bạn nên xét nghiệm máu mỗi năm trong 3 năm đầu sau khi điều trị. Bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi mức dịch não tủy bằng chọc dò tủy sống 6 tháng một lần.

Giang mai thần kinh đặc biệt phổ biến ở những người nhiễm HIV do các vết loét giang mai làm cho việc nhiễm HIV dễ dàng hơn. Xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum tương tác với HIV và khiến việc điều trị giang mai khó khăn hơn.

Những người mắc bệnh giang mai thần kinh và HIV thường cần tiêm penicillin nhiều hơn và có cơ hội phục hồi hoàn toàn thấp hơn.

5. Phòng ngừa

Làm sao để phòng ngừa giang mai thần kinh?

Giang mai thần kinh là biến chứng của giang mai. Do đó, để phòng ngừa bệnh, bạn cần phòng tránh giang mai.

Vì bệnh giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục nên cách tốt nhất là bạn cần quan hệ tình dục an toàn, chẳng hạn như sử dụng bao cao su.

Người bệnh thường không biết bản thân bị nhiễm giang mai vì các triệu chứng có thể ẩn trong nhiều năm. Một vết loét ban đầu hoặc vết loét tại vị trí nhiễm trùng có thể xuất hiện một vài tuần hoặc vài tháng sau khi mắc bệnh. Mặc dù những vết loét sẽ tự lành, nhưng bệnh vẫn còn. Sau đó, những đốm sần sùi, không ngứa, màu nâu đỏ sẽ xuất hiện ở vị trí nhiễm trùng hoặc ở một bộ phận khác của cơ thể.

Nếu bạn thường quan hệ tình dục không an toàn và có nhiều bạn tình, hãy thường xuyên đi xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu mắc bệnh giang mai, bạn có thể truyền bệnh cho người khác, bao gồm thai nhi.

Các triệu chứng khác của bệnh giang mai bao gồm:

  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Đau đầu ;
  • Rụng tóc;
  • Giảm cân ;
  • Mệt mỏi ;
  • Đau cơ

Đến gặp bác sĩ để được kiểm tra nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Càng được chẩn đoán sớm, bạn càng có nhiều cơ hội tránh được bệnh giang mai thần kinh.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh giang mai thần kinh, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:23/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM