Bệnh viêm màng não mô cầu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm màng não mô cầu là tình trạng viêm màng bao quanh não và tủy sống. Viêm màng não rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong trong khoảng thời gian rất ngắn sau vài giờ. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì? Làm cách nào để chữa trị bệnh hiệu quả? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh viêm màng não mô cầu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm màng não mô cầu là bệnh gì?

Viêm màng não mô cầu là tình trạng viêm màng bao quanh não và tủy sống. Viêm màng não rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong trong khoảng thời gian rất ngắn sau vài giờ. Trong khi hầu hết bệnh nhân bị bệnh viêm màng não khi chữa khỏi đều có thể hồi phục nhưng bệnh có thể gây ra các thương tật vĩnh viễn ở bệnh nhân như tổn thương não, mất thính lực và học tập kém. Có rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây ra viêm màng não.

Theo Viện nghiên cứu quốc gia về các rối loạn thần kinh và đột quỵ Mỹ (NINDS), nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong từ 10-15% số trường hợp, kể cả đã được điều trị. 10-15% các trường hợp còn lại sẽ để lại những tổn thương vĩnh viễn về não bộ hoặc các hậu quả, di chứng nặng nề không mong muốn khác.

Những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh là do khuẩn Streptococcus pneumoniae, Streptococcus nhóm B, Neisseria meningitidis, Haemophilus influenzae và Listeria monocytogenes. Trong đó, viêm màng não do Neisseria meningitidis gây ra còn được gọi là viêm màng não mô cầu.

Một số người có vi khuẩn gây viêm màng não mô cầu ở  họng mà không gây bệnh nhưng họ có thể làm lan truyền vi khuẩn cho người khác và người đó mắc bệnh

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não mô cầu?

Các triệu chứng của viêm màng não mô cầu thay đổi theo từng ca bệnh. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh là:

Cảm giác không khỏe; Đột ngột sốt cao; Nhức đầu dữ dội, dai dẳng; Cứng cổ; Buồn nôn hoặc nôn ói; Khó chịu khi gặp ánh sáng trắng; Buồn ngủ hay khó đánh thức; Đau khớp; Lú lẫn hay thay đổi tâm tính; Phát ban đỏ hay tía ở da là triệu chứng rất quan trọng. Nếu nó không mất khi bạn ấn vào thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm độc máu cần đi cấp cứu gấp.

Các triệu chứng khác của viêm màng não ở trẻ nhỏ là:

Thóp phình ; Khóc rên rĩ, dai dẳng; Dễ kích thích; Thở nhanh, gấp; Ngủ gà; Ban da chuyển sang màu xanh hay xám; Tay chân lạnh; Co giật.

Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra viêm màng não mô cầu?

Vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra viêm màng não mô cầu. Vi khuẩn não mô cầu có thể gây viêm bất cứ nơi nào của cơ thể như da, đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp, nhưng khi vi khuẩn lan truyền qua máu tới hệ thần kinh nó gây viêm màng não. Vi khuẩn có thể vào trực tiếp hệ thần kinh sau khi bị chấn thương, phẫu thuật hoặc nhiễm trùng vùng đầu.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh viêm não mô cầu?

Viêm màng não mô cầu là bệnh hiếm gặp nhưng là bệnh nghiêm trọng có thể xuất hiện ở bất cứ ai ở mọi lứa tuổi.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm màng não mô cầu?

Nguy cơ bị viêm màng não mô cầu tăng lên nếu một người tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh, nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh này thường hay xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Bạn hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm màng não mô cầu?

Nếu nghi ngờ bị bệnh viêm màng não bác sĩ sẽ lấy mẫu máu hay dịch não tủy (chất lỏng quanh tủy sống) của bệnh nhân và gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra. Bác sĩ cần biết nguyên nhân cụ thể gây bệnh viêm màng não để giúp bác sĩ biết cách điều trị bệnh và tiên lượng bệnh xấu hay tốt. Trong trường hợp viêm màng não mô cầu, thuốc kháng sinh sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng và giảm khả năng lây nhiễm đến người khác (tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh).

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm màng não mô cầu?

Viêm màng não mô cầu có thể được điều trị bằng các loại kháng sinh. Bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm màng não mô cầu?

Viêm màng não mô cầu có thể ngăn ngừa bằng tiêm vắc xin. Hiện nay, vắc xin là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất, vì vậy, bạn và gia đình cần theo dõi lịch tiêm chủng vắc xin thường xuyên, nhất là cho trẻ nhỏ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về bệnh viêm màng não mô cầu sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:12/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM