Bệnh chấn thương sọ não - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Chấn thương sọ não thường bắt nguồn từ các loại chấn thương về não. Các triệu chứng có thể gồm đau đầu, rối loạn hành vi, chóng mặt, ù tai, mệt mỏi... Để hiểu rõ hơn về bệnh chấn thương sọ não, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh chấn thương sọ não - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Chấn thương sọ não là gì?

Chấn thương sọ não thường bắt nguồn từ các loại chấn thương về não bao gồm chảy máu, chấn động mạnh (rung động não hoặc não bị bầm). Những chấn thương này được phân loại theo mức độ nghiêm trọng hoặc loại chấn thương (ví dụ như chấn thương đóng hay mở). Ngoài ra, chấn thương cũng được phân loại theo mức độ gây nứt xương sọ, tổn thương bên trong não hoặc vị trí gây chảy máu.

Trong cuộc đời mỗi người, hầu hết ai cũng có chấn thương nhẹ ở đầu. Tuy nhiên, những chấn thương nặng ở đầu gây tổn thương sọ não (TBI) sẽ biến chứng sang những bệnh nặng hơn hoặc thậm chí tử vong.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương sọ não là gì?

Các triệu chứng của chấn thương não phụ thuộc vào loại chấn thương và mức độ nghiêm trọng của chấn thương đó. Triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc phát triển chậm. Những người bị chấn thương sọ não nhẹ có thể còn hoặc mất ý thức trong một thời gian ngắn.

Các triệu chứng liên quan khác có thể bao gồm đau đầu, rối loạn hành vi, cảm giác choáng váng, chóng mặt, hoa mắt, ù tai và mệt mỏi. Bệnh nhân còn có thể bị rối loạn giấc ngủ và cảm xúc, gặp rắc rối với trí nhớ, sự tập trung, chú ý, hay suy nghĩ.

Chấn thương sọ não loại vừa hoặc nặng cũng có thể gây ra nhức đầu dữ dội, nôn mửa, buồn nôn, co giật, không có khả năng thức dậy, giãn đồng tử, và nói lắp. Bên cạnh đó, suy nhược nặng hay tê liệt, mất phối hợp, tăng sự nhầm lẫn hay cảm giác bồn chồn, kích động cũng có thể xảy ra.

Bạn có thể gặp các biểu hiện và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn bị chấn thương đầu, sau đó cảm thấy khó chịu hoặc xuất hiện những thay đổi về hành vi bản thân thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Ngoài ra, nếu bị chấn thương trong thời gian gần đây, bạn hãy lập tức đến bệnh viện để được kiểm tra và thăm khám.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra chấn thương sọ não?

Chấn thương sọ não có thể xảy ra do đầu bị đập mạnh đột ngột hoặc khi có vật gì đó đâm vào trong não. Nguyên nhân thường gặp là do chấn thương đầu, tai nạn xe cộ, té ngã, bị hành hung hoặc do luyện tập thể thao. Những chấn thương sâu bên trong có thể do súng đạn hoặc các vật dụng khác như dao hoặc những mẩu xương trong đầu.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải chấn thương sọ não?

Chấn thương não thường gặp ở người dưới 35 tuổi và ở người cao tuổi. Ngoài ra, tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp đôi nữ giới. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc chấn thương sọ não?

Tuổi tác chính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chấn thương sọ não. Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh đến 4 tuổi; Thanh niên, đặc biệt là những người ở độ tuổi từ 15 và 24; Người già 75 tuổi trở lên.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chấn thương sọ não?

Các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng (đặc biệt là thông qua chuyển động mắt và đồng tử) cùng với kiểm tra cơ bản (kiểm tra đường hô hấp, tuần hoàn) để đưa ra chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, thang điểm Glasgow (phạm vi là từ 3-15) sẽ được sử dụng để quyết định mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não. Chụp cắt lớp vi tính (CT) được áp dụng nhằm đưa đánh giá ban đầu cho chấn thương sọ não vừa và nặng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị chấn thương sọ não?

Với những chấn thương nhẹ, có thể chỉ cần quan sát và điều trị làm mất triệu chứng (ví dụ, uống thuốc giảm đau nếu nhức đầu).

Trong 24 giờ đầu khi bị chấn thương, nên đánh thức bệnh nhân mỗi 2 giờ để kiểm tra các dấu hiệu của chấn thương thứ cấp. Nâng cao đầu và dùng thuốc an thần có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh.

Khi áp lực trong sọ não tăng và sưng não, người bệnh sẽ được theo dõi các chức năng và truyền mannitol tĩnh mạch. Nếu bị chảy máu nhiều hoặc nặng có thể cần phải nhờ đến phẫu thuật can thiệp (ví dụ, thủ thuật mở hộp sọ để loại bỏ các cục máu đông). Tiến trình làm sạch vết thương mở và rửa các tổn thương bên trong là cần thiết để giúp giảm khả năng nhiễm trùng.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của chấn thương sọ não?

Bạn có thể giảm nguy cơ bị chấn thương não nếu bạn thực hiện những thói quen sinh hoạt sau đây:

Mang trang thiết bị an toàn khi tham gia giao thông và các môn thể thao (ví dụ như đạp xe, trượt ván hay chơi thể thao đối kháng); Tuân theo tín hiệu giao thông; Nếu gia đình có trẻ nhỏ bị chấn thương vùng não, đảm bảo rằng trẻ được chăm sóc y tế và luôn được theo dõi sau khi bị chấn thương đầu, đặc biệt là sau chấn động mạnh; Không sử dụng các chất có cồn khi tham gia giao thông để tránh tai nạn giao thông.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị phát sinh nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh chấn thương sọ não, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:27/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM