Bệnh xuất huyết não - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Xuất huyết não là tình trạng máu thoát khỏi thành mạch và tràn vào bên trong các nhu mô não đột ngột, gây tổn thương đến não bộ. Vậy bệnh lý này có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị nào là hiệu quả? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh xuất huyết não - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Người bệnh xuất huyết não khi không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những thương tổn vĩnh viễn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Đây là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng này.

1. Xuất huyết não là gì?

Xuất huyết não (hay xuất huyết nội sọ) là tình trạng máu thoát khỏi thành mạch và tràn vào bên trong các nhu mô não đột ngột, gây tổn thương đến não bộ và có thể đe dọa tính mạng. Tình trạng xuất huyết có thể xảy ra ở nhiều vị trí trong não bộ. Bác sĩ cần phải xác định chính xác vị trí bị chảy máu trước khi điều trị.

Xuất huyết bên trong hộp sọ nhưng ngoài nhu mô não

Não bộ có 3 lớp màng để bao bọc và bảo vệ chúng. Tình trạng xuất huyết (chảy máu) có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào giữa các màng não:

Xuất huyết ngoài màng cứng: chảy máu xảy ra giữa xương sọ và lớp màng cứng.

Xuất huyết dưới màng cứng: chảy máu xảy ra giữa màng cứng và màng nhện.

Xuất huyết dưới màng nhện: chảy máu xảy ra giữa màng nhện và màng mềm.

Xuất huyết bên trong nhu mô não

Ở bên trong nhu mô não có thể xảy ra hai loại xuất huyết:

  • Xuất huyết nội sọ: chảy máu xảy ra ở các thùy não, cầu não hay tiểu não. Tình trạng này cũng được gọi là xuất huyết não hoặc đột quỵ xuất huyết.
  • Xuất huyết não thất: chảy máu xảy ra trong các não thất – các khoang nhất định trong não có nhiệm vụ sản xuất dịch não tủy.

Khi có tình trạng xuất huyết xảy ra, oxy không được cung cấp đầy đủ đến các mô não được nuôi dưỡng bởi các mạch máu đã bị vỡ hay rò rỉ. Máu tràn ra và tích tụ tại một vị trí trong não bộ sẽ gây áp lực lên vùng não đó và không cho oxy đến.

Nếu lưu lượng máu bị gián đoạn, tình trạng thiếu oxy diễn ra trong hơn 3–4 phút sẽ làm cho các tế bào não chết vĩnh viễn. Khi đó, các chức năng liên quan đến vùng có tế bào thần kinh bị tổn thương sẽ gặp vấn đề.

2. Dấu hiệu và triệu chứng xuất huyết não

Tùy vào vị trí bị xuất huyết trên não bộ mà người bệnh có các triệu chứng xuất huyết não tương ứng. Thông thường, các biểu hiện hay gặp là:

  • Đột ngột cảm thấy ngứa ran, yếu, tê hay liệt cơ mặt, cánh tay hay chân, đặc biệt là chỉ xảy ra ở một bên cơ thể ;
  • Đau đầu (xuất huyết dưới màng nhện thường gây ra đau đầu đột ngột, dữ dội, đau như búa bổ hay sét đánh) ;
  • Buồn nôn và nôn mửa;
  • Lú lẫn, không tỉnh táo;
  • Chóng mặt, choáng váng;
  • Co giật, lên cơn động kinh;
  • Gặp khó khăn khi nuốt ;
  • Mất thị lực hoặc nhìn mờ ;
  • Mất khả năng thăng bằng và phối hợp vận động ;
  • Cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng;
  • Nói chuyện khó khăn hoặc phát âm không rõ ràng;
  • Khó đọc, viết hay hiểu những gì người khác nói ;
  • Mất ý thức, mất năng lượng hoặc hôn mê ;
  • Khó thở và nhịp tim bất thường (thường thấy ở những người bị xuất huyết ở thân não).

Khi bạn nhận thấy người thân có bất kỳ triệu chứng kỳ lạ nào nghi ngờ do xuất huyết não, hãy gọi điện thoại ngay đến số 115 hoặc đưa họ đến bệnh viện gần nhất. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp, đòi hỏi được can thiệp điều trị ngay lập tức. Dù không thường gặp bằng đột quỵ do thiếu máu não nhưng đột quỵ do xuất huyết gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.

3. Nguyên nhân xuất huyết não là gì?

Xuất huyết não có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, như:

  • Chấn thương đầu, có thể do té ngã, tai nạn giao thông, tai nạn thể thao hoặc chịu tác động lực vào đầu;
  • Tăng huyết áp vì có khả năng làm tổn thương thành mạch máu hay khiến mạch máu bị rò rỉ hoặc vỡ Xơ vữa động mạch (chất béo tạo thành mảng bám trên thành mạch);
  • Cục máu đông (huyết khối) hình thành trong mạch máu não hoặc từ một nơi khác di chuyển lên não khiến thành mạch tổn thương;
  • Vỡ túi phình mạch máu não (vị trí thành mạch bị yếu và phình ra thành một túi nhỏ chứa đầy máu) ;
  • Protein amyloid tích tụ trong các thành động mạch não (thoái hóa mạch máu não dạng bột);
  • Dị dạng động tĩnh mạch não (có những đoạn nối bất thường giữa các động mạch và tĩnh mạch ở não) ;
  • Rối loạn quá trình đông máu hoặc điều trị bằng liệu pháp chống đông máu (uống thuốc làm loãng máu) ;
  • Có khối u đè lên các mô não gây chảy máu trong não ;
  • Hút thuốc, nghiện rượu nặng hoặc sử dụng các chất kích thích khác như codein khiến cho thành mạch máu yếu đi ;
  • Các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh nở, bao gồm sản giật, bệnh mạch máu sau sinh hoặc xuất huyết não thất ở trẻ sơ sinh;
  • Các vấn đề liên quan đến sự hình thành collagen bất thường bên trong thành mạch máu có thể làm cho thành mạch yếu đi và dễ vỡ.

4. Chẩn đoán xuất huyết não

Một số người bị xuất huyết não nhưng không biểu hiện bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào khiến cho việc chẩn đoán gặp khó khăn. Để xác định được vị trí chảy máu trong não, bác sĩ cần thực hiện một số xét nghiệm, chẳng hạn như:

  • Chụp CT hoặc MRI;
  • Chọc dò tủy sống;
  • Chụp mạch máu não để tìm kiếm các mạch máu có hình dạng bất thường.

Ngoài ra, một số xét nghiệm bổ sung khác có thể được thực hiện, bao gồm:

  • Điện não đồ, chụp X-quang ngực hay xét nghiệm nước tiểu ;
  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần.

5. Điều trị bệnh xuất huyết não

Bất kỳ loại xuất huyết nào xảy ra trong hộp sọ hay não bộ đều là tình trạng cần được cấp cứu. Nếu bạn hoặc người thân bị đánh mạnh vào đầu hoặc có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ là xuất huyết não, hãy đến ngay bệnh viện gần nhất hoặc gọi đến 115. Các nhân viên y tế sẽ ngay lập tức chuyển bạn đến khu vực cấp cứu và xác định nguyên nhân gây chảy máu rồi tiến hành điều trị.

Điều trị y khoa kịp thời sẽ hạn chế tổn thương cho các tế bào não, tăng khả năng phục hồi sau xuất huyết. Đôi khi, bác sĩ sẽ đề nghị làm phẫu thuật nếu:

Máu tụ nhiều bên trong não cần phải được dẫn lưu ra ngoài ngay lập tức để giảm bớt áp lực nội sọ Phình động mạch não có thể chưa vỡ nhưng cần được can thiệp để ngăn ngừa chảy máu trong tương lai Có dị dạng động tĩnh mạch cần được loại bỏ

Không phải trường hợp nào người bệnh xuất huyết não cũng cần được phẫu thuật. Bác sĩ sẽ xem xét kích thước, nguyên nhân, vị trí xuất huyết, cũng như vài yếu tố khác trước khi đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể:

Sử dụng thuốc chống lo âu để kiểm soát huyết áp Dùng thuốc trị động kinh để kiểm soát cơn co giật Dùng một số loại thuốc khác để kiểm soát những triệu chứng khác, như thuốc giảm đau giúp giảm bớt đau đầu, thuốc làm mềm phân để tránh bị táo bón Truyền chất dinh dưỡng và bù nước qua tĩnh mạch khi cần thiết, có khi sử dụng ống nuôi thông đến dạ dày nếu bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt

Quá trình hồi phục ở người bệnh xuất huyết não

Khi được điều trị sớm và đúng cách, hầu hết người bệnh đều phục hồi tốt sau khi bị xuất huyết não. Việc phục hồi chức năng não bộ giúp người bệnh trở lại với cuộc sống bình thường. Các phương pháp giúp hỗ trợ quá trình này gồm:

Vật lý trị liệu Trị liệu ngôn ngữ Thay đổi lối sống để hạn chế nguy cơ bị xuất huyết trong tương lai

6. Phòng ngừa xuất huyết não

Bạn có thể giảm bớt nguy cơ bị xuất huyết não bằng cách:

Kiểm soát huyết áp luôn ổn định Giảm nồng độ cholesterol trong máu Giảm cân nếu đang thừa cân, béo phì Hạn chế tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh Tập luyện thể dục thường xuyên, đều đặn Kiểm soát tốt lượng đường trong máu nếu mắc bệnh đái tháo đường Mang đồ bảo hộ nếu tham gia vào các hoạt động thể chất có nguy cơ gây chấn thương, tránh để chấn thương đến vùng đầu Thay đổi lối sống lành mạnh hơn đế giảm thiểu tai biến mạch máu não

Những người từng bị xuất huyết não hay đột quỵ sẽ tăng thêm 25% khả năng bị lại tình trạng đó trong tương lai. Do đó, bạn cần chú ý chăm sóc sức khỏe thật tốt và thực hiện các biện pháp bảo vệ não bộ.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về bệnh xuất huyết não, sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:18/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM