Hội chứng hôn mê - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hôn mê là tình trạng bất tỉnh kéo dài, xảy ra khi một phần não bị tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn bởi nhiều nguyên nhân. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì? Làm cách nào để chữa trị bệnh hiệu quả? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn.

Hội chứng hôn mê - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Hôn mê là gì?

Hôn mê là tình trạng bất tỉnh kéo dài, xảy ra khi một phần não bị tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Người bị hôn mê không thể thức dậy và không có phản ứng với môi trường xung quanh. Họ cũng không phản ứng với cơn đau, ánh sáng và âm thanh theo cách thông thường.

Mặc dù người bệnh không thể thức dậy, nhưng cơ thể người bệnh vẫn tuân theo cơ chế ngủ bình thường. Các chức năng tự động, như thở và lưu thông máu, vẫn hoạt động nhưng khả năng tư duy sẽ bị ngưng.

Theo Viện Quốc gia về Rối loạn thần kinh và Đột quỵ (NINDS), người bệnh đôi khi có thể nhăn mặt, cười hoặc khóc như một phản xạ.

Hôn mê có thể xảy ra vì nhiều lý do, chẳng hạn như nhiễm độc, bệnh hoặc nhiễm trùng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (CNS), chấn thương nghiêm trọng, giảm oxy máu hoặc thiếu oxy.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ tiêm thuốc để người bệnh hôn mê nhằm tránh cơn đau trong quá trình chữa bệnh hoặc bảo tồn chức năng não tốt hơn sau một chấn thương não.

Thông thường, tình trạng hôn mê sẽ không kéo dài hơn một vài tuần. Nếu tình trạng của bệnh nhân không thay đổi sau thời gian dài, bác sĩ sẽ xác định đây là trạng thái sống thực vật.

2. Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng hôn mê là gì?

Khi hôn mê, người bệnh không thể giao tiếp, vì vậy bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng thông qua các dấu hiệu bên ngoài, bao gồm:

  • Mắt nhắm;
  • Các chi không phản ứng hoặc tự di chuyển, ngoại trừ các cử động phản xạ;
  • Thiếu phản ứng với các kích thích đau, ngoại trừ các cử động phản xạ.

Tùy thuộc vào nguyên nhân, thời gian để các triệu chứng trên xuất hiện và kéo dài sẽ khác nhau.

Thông thường, trước khi hôn mê, người bệnh sẽ bị hạ đường huyết nghiêm trọng hoặc tăng carbon dioxide huyết. Nếu không điều trị kịp thời, khả năng suy nghĩ rõ ràng của họ sẽ giảm dần và cuối cùng dẫn đến mất ý thức.

Nếu hôn mê do chấn thương nặng ở não hoặc xuất huyết dưới màng nhện, các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột.

Bất cứ ai ở cùng với người bệnh nên cố gắng nhớ những gì xảy ra ngay trước khi họ bắt đầu hôn mê vì thông tin này sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân cơ bản và đưa ra ý tưởng tốt hơn về việc áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

Người bệnh có thể nghe hoặc suy nghĩ khi đang hôn mê không?

Có một số bằng chứng cho thấy người bệnh có thể nghe và hiểu trong khi hôn mê.

Năm 2011, các nhà khoa học thần kinh sử dụng công nghệ quét fMRI để quan sát hoạt động não của một người đàn ông đã hôn mê 12 năm do tai nạn giao thông. Khi họ yêu cầu người này tưởng tượng anh ta đang chơi tennis hoặc đi bộ quanh nhà, hoạt động não phản ánh rằng người bệnh thực sự đang nghĩ đến làm những việc này.

Nhờ những tiến bộ trong khoa học, các chuyên gia có thể hiểu rõ hơn những điều mà người bệnh đang trải qua khi hôn mê. Các nhà khoa học tin rằng có 15-20% người sống thực vật có thể suy nghĩ tỉnh táo. Do đó, người thân và bạn bè có thể tâm sự với người hôn mê như bình thường khi đến thăm họ.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc kích thích các giác quan như xúc giác, khứu giác, âm thanh và thị giác có thể giúp người bệnh phục hồi. Vì vậy, bạn có thể xịt nước hoa hoặc nắm tay người bệnh trong lúc nói chuyện sẽ giúp họ có khả năng tỉnh dậy.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây hôn mê là gì?

Hôn mê gây ra bởi tổn thương não, đặc biệt là bán cầu não hai bên khuếch tán hệ lưới hoạt hóa thần kinh – khu vực kiểm soát kích thích và nhận thức. Tổn thương khu vực này có thể do chấn thương đầu, mất oxy, chảy máu hoặc áp lực trong não, nhiễm trùng, các vấn đề trao đổi chất và các yếu tố độc hại, cụ thể hơn là:

  • Chấn thương sọ não, chẳng hạn như những tai nạn do tai nạn giao thông hoặc đánh nhau dữ dội;
  • Đột quỵ (giảm lượng máu cung cấp đến não) ;
  • Khối u trong não hoặc thân não;
  • Thiếu oxy lên não sau khi người bệnh được cứu thoát khỏi đuối nước hoặc nhồi máu cơ tim;
  • Bệnh tiểu đường khiến lượng đường trong máu quá cao (tăng đường huyết) hoặc quá thấp (hạ đường huyết) và có thể dẫn đến sưng trong não;
  • Nghiện rượu hoặc chất gây nghiện;
  • Ngộ độc carbon monoxide ;
  • Tích tụ độc tố trong cơ thể, chẳng hạn như amoniac, urê hoặc carbon dioxide;
  • Ngộ độc kim loại nặng như chì;
  • Nhiễm trùng như viêm màng não hoặc viêm não;
  • Co giật lặp đi lặp lại;
  • Mất cân bằng điện giải.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật nào giúp chẩn đoán hôn mê?

Kiểm tra bệnh sử

Bác sĩ sẽ hỏi bạn bè, người thân hoặc nhân chứng khi bạn hôn mê để có thông tin chẩn đoán bệnh:

Hôn mê hoặc các triệu chứng bắt đầu chậm hay đột ngột? Người bệnh có vấn đề nào về thị lực, chóng mặt, choáng váng hoặc tê liệt trước khi hôn mê không? Bệnh nhân có bị tiểu đường, tiền sử co giật, đột quỵ hay các tình trạng sức khỏe khác không? Người bệnh đã sử dụng những loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào?

Kiểm tra thực thể

Mục đích của kiểm tra thực thể là để xem kích thước đồng tử và phản xạ của người bệnh – cách họ phản ứng với cơn đau. Bác sĩ cũng có thể phun nước rất lạnh hoặc nước ấm vào ống tai để kích hoạt các chuyển động mắt phản xạ. Các phản ứng của người bệnh sẽ khác nhau tùy theo nguyên nhân gây hôn mê.

Xét nghiệm máu

Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để xác định:

  • Công thức máu;
  • Dấu hiệu ngộ độc carbon monoxide ;
  • Dấu hiệu sử dụng các chất gây nghiện;
  • Mức độ điện giải;
  • Nồng độ glucose ;
  • Chức năng gan.

Chọc dò tủy sống

Thủ thuật này có thể kiểm tra bất kỳ nhiễm trùng hoặc rối loạn của hệ thần kinh trung ương. Bác sĩ chèn một cây kim vào ống sống của bệnh nhân và lấy mẫu dịch để gửi đi xét nghiệm.

Chụp não

Những phương pháp này sẽ giúp bác sĩ xác định vị trí các chấn thương hoặc tổn thương não. Chụp CT, CAT hoặc MRI sẽ giúp kiểm tra tắc nghẽn hoặc các bất thường khác trong não. Ngoài ra, điện não đồ (EEG) sẽ đo hoạt động điện trong não.

Thang điểm hôn mê Glasgow

Thang điểm hôn mê Glasgow có thể được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tổn thương não sau chấn thương đầu.

Số điểm sẽ được chấm dựa theo phản ứng bằng lời nói, phản ứng vật lý và cách người bệnh có thể mở mắt dễ dàng.

Mắt: thang điểm từ 1 – 4

1: không mở mắt

2: người bệnh mở mắt khi bị đau

3: mở mắt và trả lời được

4: mở mắt như bình thường, không có cố gắng

Lời nói: thang điểm từ 1 – 5

1: không phát ra âm thanh

2: có lẩm bẩm nhưng không nghe được

3: lời nói không rõ ràng, từ ngữ không phù hợp

4: nói nhưng bị nhầm lẫn

5: giao tiếp bình thường

Phản xạ vận động hoặc vật lý: thang điểm từ 1 – 6

1: không đáp ứng với đau

2: tư thế duỗi cứng mất não khi gây đau

3: phản ứng bất thường khi đau

4: rụt chi lại khi gây đau

5: có thể xác định được vị trí gây đau

6: có thể làm theo mệnh lệnh

Nếu tổng điểm từ 8 trở xuống, bác sĩ sẽ xác định tình trạng hôn mê. Nếu điểm từ 9 – 12, tình trạng ở mức độ trung bình. Nếu điểm từ 13 trở lên, mức suy giảm ý thức không đáng kể.

Những phương pháp nào giúp điều trị hôn mê?

Hôn mê là một tình trạng khẩn cấp cần được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ sẽ đảm bảo nhịp thở và tuần hoàn của người bệnh để tối đa hóa lượng oxy đến não.

Một bác sĩ có thể chỉ định glucose hoặc kháng sinh ngay cả khi chưa có kết quả xét nghiệm máu nếu người bệnh bị sốc do tiểu đường hoặc nhiễm trùng não.

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản của tình trạng hôn mê, ví dụ như suy thận, bệnh gan, tiểu đường, ngộ độc…

Nếu có sưng não, người bệnh có thể cần làm phẫu thuật để giảm áp lực.

5. Tiên lượng

Tiên lượng cho người bị hôn mê như thế nào?

Nếu nguyên nhân gây tình trạng hôn mê có thể được điều trị thành công, người bệnh cuối cùng có thể tỉnh lại mà không có tổn thương vĩnh viễn nào. Lúc đầu họ có thể bị nhầm lẫn, nhưng sau đó thường sẽ nhớ những gì đã xảy ra trước khi hôn mê và tiếp tục cuộc sống bình thường. Hầu hết người bệnh sẽ cần thực hiện vật lý trị liệu.

Nếu bị tổn thương não, người bệnh sẽ bị suy yếu lâu dài. Khi thức dậy, họ sẽ không nhớ những gì đã xảy ra và có thể cần học lại các kỹ năng cơ bản. Tuy nhiên, với các biện pháp hỗ trợ, chẳng hạn như liệu pháp vật lý và nghề nghiệp, nhiều người có thể có cuộc sống như những người bình thường.

Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ không bao giờ tỉnh dậy.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh viêm hôn mê, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:12/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM