Bệnh viêm dây thần kinh thị giác - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng viêm dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác gây đau và mất thị lực tạm thời một bên mắt. Hầu hết những người có một lần duy nhất bị bệnh đều khôi phục thị lực bình thường. Điều trị bằng thuốc steroid giúp tăng tốc độ phục hồi thị lực sau khi mắc bệnh. Dưới đây là bài viết chi tiết về bệnh, mời các bạn tham khảo!

Bệnh viêm dây thần kinh thị giác - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng viêm gây tổn thương dây thần kinh thị giác – bó sợi thần kinh truyền thông tin hình ảnh từ mắt đến não. Đau và mất thị lực tạm thời một bên mắt là triệu chứng phổ biến của bệnh này.

Viêm dây thần kinh thị giác có liên quan đến bệnh đa xơ cứng (MS), một căn bệnh gây viêm và tổn thương dây thần kinh trong não và tủy sống. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh đa xơ cứng hoặc có thể xảy ra sau này trong quá trình mắc bệnh đa xơ cứng. Bên cạnh bệnh đa xơ cứng, viêm dây thần kinh thị giác có thể xảy ra do các bệnh nhiễm trùng hoặc các bệnh tự miễn dịch khác như lupus.

Hầu hết những người có một lần duy nhất bị bệnh đều khôi phục thị lực bình thường. Điều trị bằng thuốc steroid giúp tăng tốc độ phục hồi thị lực sau khi mắc bệnh.

2. Triệu chứng

Các triệu chứng phổ biến là:

  • Đau. Hầu hết những người bị viêm dây thần kinh thị giác có triệu chứng đau mắt, đau tăng lên khi chuyển động mắt. Đôi khi, bạn sẽ có cảm giác đau âm ỉ phía sau mắt.
  • Mất thị lực ở một mắt. Hầu hết các bệnh nhân đều bị giảm thị lực tạm thời ở các mức độ khác nhau. Giảm thị lực đáng kể thường phát triển sau vài giờ hoặc vài ngày, sau đó thị lực phục hồi dần trong vài tuần đến vài tháng. Giảm thị lực vĩnh viễn xảy ra ở một số trường hợp.
  • Giảm tầm nhìn. Giảm tầm nhìn có thể xảy ra ở mọi hình thái.
  • Mất cảm nhận màu sắc. Viêm dây thần kinh thị giác thường ảnh hưởng đến việc nhận biết màu sắc. Màu sắc trở nên ít sống động hơn bình thường.
  • Ánh sáng nhấp nháy. Một số người bị bệnh có thể nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy hoặc chớp sáng khi chuyển động mắt.

Viêm dây thần kinh thị giác thường ảnh hưởng đến một bên mắt.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Bạn phát triển các triệu chứng mới như đau mắt hoặc thay đổi thị lực.
  • Triệu chứng nặng hơn hoặc không cải thiện với điều trị.
  • Bạn có triệu chứng bất thường, bao gồm tê hay yếu một hoặc nhiều tay chân, có thể là dấu hiệu của một rối loạn thần kinh.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của bệnh chưa rõ. Hầu hết các trường hợp là vô căn, có nghĩa không tìm ra nguyên nhân. Nguyên nhân phổ biến nhất được biết đến là bệnh đa xơ cứng. Trong thực tế, viêm dây thần kinh thị giác thường là triệu chứng đầu tiên của đa xơ cứng. Viêm dây thần kinh thị giác cũng có thể là do nhiễm trùng hoặc một phản ứng viêm của hệ miễn dịch.

Các bệnh thần kinh có thể gây viêm dây thần kinh thị giác bao gồm:

  • Đa xơ cứng;
  • Viêm tủy – thị thần kinh;
  • Bệnh Schilder (một tình trạng tổn thương mãn tính bao myelin của dây thần kinh bắt đầu từ thời thơ ấu).

Các bệnh nhiễm trùng có thể gây ra viêm dây thần kinh thị giác bao gồm:

  • Quai bị;
  • Sởi;
  • Lao;
  • Bệnh Lyme;
  • Viêm não do virus;
  • Viêm xoang;
  • Viêm màng não;
  • Bệnh zona.

Các nguyên nhân khác gây ra viêm dây thần kinh thị giác bao gồm:

  • Sarcoidosis, một căn bệnh gây viêm các mô và các cơ quan khác nhau ;
  • Hội chứng Guillain-Barré, một căn bệnh gây ra do hệ thống miễn dịch tấn công hệ thần kinh;
  • Phản ứng sau tiêm chủng, một phản ứng miễn dịch xảy ra sau khi tiêm chủng ;
  • Một số hóa chất hoặc thuốc.

4. Nguy cơ mắc phải

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ mắc viêm dây thần kinh thị giác như:

  • Tuổi. Viêm dây thần kinh thị giác ảnh hưởng thường xuyên nhất đến người lớn tuổi từ 20-40.
  • Giới tính. Nữ giới có nhiều khả năng bị viêm dây thần kinh thị giác hơn nam giới.
  • Chủng tộc. Viêm dây thần kinh thị giác hay xảy ra ở người da trắng hơn là người da đen.
  • Đột biến gen. Một số đột biến gen có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm dây thần kinh thị giác hoặc đa xơ cứng.

5. Chẩn đoán & điều trị

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm dây thần kinh thị giác?

Khám lâm sàng, các triệu chứng và bệnh sử là cơ sở để chẩn đoán viêm dây thần kinh thị giác. Để đảm bảo điều trị đúng, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây viêm dây thần kinh thị giác.

Do mối quan hệ chặt chẽ giữa viêm dây thần kinh thị giác và đa xơ cứng, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm sau đây:

  • Chụp cắt lớp quang học (OCT) cho thấy hình ảnh các dây thần kinh ở mặt sau của mắt ;
  • Chụp MRI não là dùng một từ trường mạnh kết hợp với sóng radio để tạo ra một hình ảnh chi tiết của não;
  • Chụp CT cho thấy hình ảnh X-quang cắt ngang của bộ não hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm dây thần kinh thị giác?

Hầu hết các trường hợp viêm dây thần kinh thị giác đều tự phục hồi mà không cần điều trị. Nếu viêm dây thần kinh thị giác do một tình trạng khác gây ra, điều trị tình trạng đó thường sẽ giải quyết viêm dây thần kinh thị giác.

Các phương pháp điều trị viêm dây thần kinh thị giác bao gồm:

  • Truyền tĩnh mạch methylprednisolone (IVMP) ;
  • Truyền tĩnh mạch immunoglobulin (IVIG) ;
  • Tiêm interferon (Theo nghiên cứu của các Tiến sĩ thuộc Trung tâm Khoa học Nhãn khoa, Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ)

Sử dụng corticosteroid như IVMP có thể có tác dụng phụ. Tác dụng phụ hiếm gặp của IVMP bao gồm trầm cảm nặng và viêm tụy.

Tác dụng phụ thường gặp của điều trị steroid bao gồm:

  • Rối loạn giấc ngủ;
  • Tâm trạng thay đổi nhẹ;
  • Dạ dày khó chịu.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh viêm dây thần kinh thị giác, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM