Thuốc Tiotropium bromide - Điều trị hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Thuốc Tiotropium bromide được sử dụng để điều trị các bệnh phổi như hen suyễn và COPD (viêm phế quản, khí phế thũng). Cùng eLib.VN tìm hiểu về tác dụng, công dụng, liều dùng cũng như một số lưu ý cảnh báo của thuốc nhé.

Thuốc Tiotropium bromide - Điều trị hen,  bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Tên gốc: tiotropium bromide

Phân nhóm: thuốc trị hen & bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

1. Tác dụng

Tác dụng của tiotropium bromide là gì?

Tiotropium bromide được sử dụng để điều trị các bệnh phổi như hen suyễn và COPD (viêm phế quản, khí phế thũng). Thuốc phải được sử dụng thường xuyên để ngăn thở khò khè và khó thở. Thuốc hoạt động bằng cách thư giãn các cơ xung quanh đường hô hấp để chúng mở ra và giúp thở dễ dàng hơn. Tiotropium thuộc về một loại thuốc được gọi là kháng cholinergic.

Thuốc này phải được sử dụng thường xuyên để có hiệu quả. Thuốc không hoạt động ngay lập tức và không nên được sử dụng để làm giảm các vấn đề hô hấp đột ngột. Nếu thở khò khè đột ngột xảy ra, bạn hãy sử dụng ống hít nhanh (như albuterol, còn được gọi là salbutamol ở một số nước) theo quy định.

2. Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc tiotropium bromide cho người lớn như thế nào?

Liều thông thường cho người lớn bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Dạng bột hít, viên nang

Bạn dùng 18mcg (2 lần hít), 1 lần/ngày.

Dung dịch hít

Bạn dùng 5mcg (2 lần hít), 1 lần/ngày.

Liều thông thường cho người lớn bị bệnh hen suyễn

Liều duy trì

Bạn dùng 2,5mcg (2 lần hít, mỗi lần 1,25mcg), 1 lần/ngày.

Liều dùng thuốc tiotropium bromide cho trẻ em như thế nào?

Liều thông thường cho trẻ em bị bệnh hen suyễn

Liều duy trì: bạn cho trẻ dùng 2,5mcg (2 lần hít, mỗi lần 1,25mcg), 1 lần/ngày.

Thận trọng: an toàn và hiệu quả của thuốc chưa được thiết lập ở những bệnh nhi dưới 12 tuổi.

3. Cách dùng

Bạn nên dùng tiotropium bromide như thế nào?

Bạn nên thực hiện đúng theo các hướng dẫn, xịt thử thuốc trong không khí để kiểm tra ống xịt nếu đây là lần đầu tiên hoặc sau một thời gian không sử dụng. Bạn xịt thuốc tiotropium bromide vào miệng, thường là 2 lần/ngày, không xịt quá 2 lần trong 24 giờ hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn không nên để thuốc dính vào mắt và nên rửa miệng sau khi sử dụng ống hít để ngăn ngừa khô/kích ứng miệng/cổ họng.

Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc hít khác cùng một lúc, khoảng cách sử dụng các loại thuốc nên là 1 phút.

Bạn hãy vệ sinh ống ngậm ít nhất 1 lần/tuần hoặc theo chỉ dẫn.

Bạn nên sử dụng thuốc này thường xuyên và cùng một lúc mỗi ngày để nhận được nhiều tác dụng nhất từ thuốc. Không tăng liều, sử dụng thường xuyên hoặc lâu hơn chỉ định của bác sĩ.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, bạn hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Bạn không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.

4. Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng tiotropium bromide?

Khô miệng và chóng mặt có thể xảy ra. Nếu một trong những triệu chứng này kéo dài hoặc nặng hơn, bạn hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ ngay lập tức.

Hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm khó đi tiểu, tiểu buốt.

Thuốc này hiếm khi gây các vấn đề về hô hấp đột ngột/nghiêm trọng ngay sau khi sử dụng. Nếu bạn bị khó thở đột ngột, hãy sử dụng ống hít nhanh chóng và gọi cấp cứu ngay lập tức.

Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ rất nghiêm trọng nào, bao gồm đau mắt/sưng/đỏ, thay đổi thị lực (như nhìn thấy cầu vồng xung quanh đèn vào ban đêm, mờ mắt).

Phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng đối với thuốc này là rất hiếm. Tuy nhiên, gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm phát ban, ngứa/sưng (đặc biệt là mặt/lưỡi/cổ họng), chóng mặt nặng, khó thở.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

5. Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng tiotropium bromide, bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

Bạn dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc hoặc ipratropium, atropine, các dị ứng khác. Trước khi sử dụng thuốc này, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết bệnh sử của bạn, đặc biệt là bệnh tăng nhãn áp (góc đóng), khó đi tiểu, tuyến tiền liệt phì đại, bệnh thận. Thuốc này có thể khiến bạn chóng mặt hoặc làm mờ mắt. Uống cùng rượu hoặc cần sa có thể khiến bạn chóng mặt hơn. Bạn không nên lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ điều gì cần sự tỉnh táo cho đến khi bạn có thể làm điều đó một cách an toàn. Hạn chế đồ uống có cồn và bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng cần sa. Trước khi phẫu thuật, bạn hãy nói cho bác sĩ hoặc nha sĩ về tất cả các sản phẩm bạn sử dụng (bao gồm thuốc theo toa, thuốc không kê toa và các sản phẩm thảo dược). Đàn ông lớn tuổi có thể có nhiều rủi ro khó đi tiểu hơn khi dùng thuốc này. Trong thời kỳ mang thai, thuốc này chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết. Bạn nên thảo luận về những rủi ro và lợi ích với bác sĩ. Chưa có thông tin liệu thuốc này có đi vào sữa mẹ hay không. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con bú.

6. Tương tác thuốc

Thuốc tiotropium bromide có thể tương tác với những thuốc nào?

Một số thuốc có thể tương tác với thuốc này bao gồm các thuốc kháng cholinergic khác (như ipratropium, atropine).

Thuốc tiotropium bromide có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược, thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Tiotropium bromide có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến tiotropium bromide?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

7. Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản tiotropium bromide như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

8. Dạng bào chế 

Tiotropium bromide có những dạng và hàm lượng nào?

Tiotropium bromide có ở dạng:

Dung dịch hít Bột hít

Trên đây là những thông tin cơ bản của thuốc Tiotropium bromide, eLib.VN không đưa ra bất kì chuẩn đoán cũng như lời khuyên khám chữa bệnh lý, bài viết của eLib.VN chỉ mang tính chất tham khảo giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cách sử dụng thuốc an toàn nhất.

Ngày:08/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM