Bệnh bong gân mắt cá chân - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tình trạng bị bong gân mắt cá chân thường nhẹ và tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách thì sẽ dễ bị tái phát. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh bong gân mắt cá chân, mời các bạn tham khảo!

Bệnh bong gân mắt cá chân - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bong gân mắt cá chân – hay trật mắt cá chân – là vị trí tổn thương thuộc xương cổ chân và đây cũng là vị trí bong gân thường xảy ra nhất. Cơ chế chấn thương thường gặp là do té ngã và lật bàn chân vào trong, gây trật mắt cá ngoài. Bong gân mắt cá chân thường nhẹ và tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị và giữ gìn đúng cách, bong gân mắt cá chân rất dễ bị tái phát, ngay cả khi chấn thương rất nhẹ.

1. Tìm hiểu chung

Bong gân mắt cá chân là bệnh gì?

Dây chằng là những sợi collagen khỏe gắn chặt và kết nối các xương với nhau. Bong gân xảy ra khi những dây chằng này bị xoắn và rách, thường do lực tác động quá mạnh lên khớp. Mức độ chấn thương từ nhẹ đến nặng sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương của dây chằng.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bong gân mắt cá chân là gì?

Những triệu chứng phổ biến bao gồm:

Đau; Sưng; Bầm tím; Khớp lỏng lẻo; Không thể chịu sức nặng ở mắt cá chân bị bong gân; Da đổi màu; Cứng khớp.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Không chỉ có bong gân mà còn có những dạng chấn thương khác làm tổn thương đến mắt cá chân. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Những nguyên nhân nào gây ra bệnh  bong gân mắt cá chân?

Bàn chân bạn có thể bất ngờ căng ra bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm:

Vận động trên các bề mặt gồ ghề; Bị té và trật mắt cá; Khi chơi thể thao, ai đó có thể đạp lên chân bạn khi đang chạy, khiến bàn chân bị vặn sang một bên.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh bong gân mắt cá chân?

Bong gân là dạng chấn thương rất phổ biến ở mọi độ tuổi và có khả năng xảy ra khi bạn hoạt động. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh bong gân mắt cá chân?

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây bong gân bao gồm:

Từng bị bong gân nghiêm trọng trong quá khứ; Yếu cơ; Chơi những môn thể thao thường phải xoay chân như chạy việt dã, bóng rổ, tennis, bóng bầu dục và bóng đá.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ. 

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh bong gân mắt cá chân?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bong gân qua khám lâm sàng bàn chân và mắt cá chân. Bác sĩ sẽ di chuyển khớp mắt cá theo nhiều hướng để kiểm tra biên độ chuyển động của khớp. Quá trình khám này sẽ gây đau và không thoải mái.

Sau đó bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh để có những đánh giá chính xác hơn về xương và các mô mềm. Bao gồm:

X-quang: cung cấp hình ảnh giúp bác sĩ đánh giá tình trạng xương được tốt hơn; MRI: nếu bác sĩ nghi ngờ nứt xương, tổn thương dây chằng nghiêm trọng hoặc tổn thương bề mặt khớp mắt cá sẽ chỉ định chụp MRI; Chụp CT: sự kết hợp những hình ảnh X-quang từ nhiều góc độ khác nhau bằng máy tính để tạo ra những hình ảnh mặt cắt cho thấy chi tiết hơn bên trong cơ thể bao gồm xương và khớp.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh bong gân mắt cá chân?

Bác sĩ thường không chỉ định phẫu thuật trong phần lớn các trường hợp bong gân. Cách điều trị còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Nếu chỉ là bong gân nhẹ, bạn sẽ nhận được một vài chỉ dẫn để chăm sóc chấn thương tại nhà.

Bạn nên thực hiện theo những chỉ dẫn dưới đây càng sớm càng tốt sau khi bạn bị rách dây chằng, bao gồm:

Để mắt cá chân được nghỉ ngơi. Bạn có thể sẽ cần nạng để tránh tác động nặng lên vùng chấn thương trong vòng 48 giờ; Hãy chườm đá ngay lập tức để giảm sưng. Chườm khoảng 20 đến 30 phút và chườm nhiều lần trong 48 giờ đầu tiên; Băng bó, băng thun sẽ giúp cố định và hỗ trợ mắt cá chân bị chấn thương; Nằm kê chân cao hơn ngực thường xuyên trong 48 giờ đầu.

Điều trị bệnh bằng thuốc

Trong phần lớn các trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc giảm đau như ibuprofen, naproxen hay acetaminophen để kiểm soát cơn đau và giảm sưng.

Điều trị bệnh bằng liệu pháp vật lý.

Khi chỗ sưng đã đỡ, bạn sẽ cần thực hiện một số bài tập để tránh cứng khớp, tăng sức mạnh mắt cá chân và ngăn chặn các vấn đề kinh niên về mắt cá. Các liệu pháp đều có những bài tập riêng nhằm giúp rèn luyện sự cân bằng và ổn định.

Hiếm khi bạn phải điều trị bằng phẫu thuật đối với trường hợp bong gân. Bác sĩ sẽ chỉ tiến hành phẫu thuật nếu các phương pháp điều trị trên không có tác dụng. Dựa vào mức độ nghiêm trọng và hoạt động của bạn, bác sĩ sẽ lựa chọn cách phẫu thuật phù hợp nhất.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh bong gân mắt cá chân?

Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ cần mang nẹp bảo vệ để cố định khớp và làm lành dây chằng. Bên cạnh đó, bạn cần tiến hành điều trị phục hồi chức năng để giúp bạn trở lại bình thường. Bạn có thể mất mất từ vài tuần đến nhiều tháng phụ thuộc vào mức độ và số lượng chấn thương.

Bong gân mắt cá chân tuy nhẹ nhưng bạn không nên xem thường. Mắt cá chân nói riêng và vùng cổ chân nói chung khi bị bong gân hoặc trật khớp thường xuyên sẽ dễ dẫn đến lỏng khớp. Sau này, với một chấn thương nhẹ cũng có thể làm bong gân tái phát. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về cách chăm sóc và sinh hoạt để bảo vệ mắt cá chân bị tổn thương. Tránh tháo băng hoặc hoạt động mạnh sớm làm cản trở sự hồi phục của dây chằng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh bong gân mắt cá chân, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:28/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM