Bệnh gãy xương đùi - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Xương đùi là xương dài nhất và mạnh nhất trong cơ thể. Vì xương đùi rất khỏe nên cần một lực rất lớn để phá vỡ nó. Tai nạn xe là nguyên nhân số một gây ra gãy xương đùi. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh này, mời các bạn tham khảo!

Bệnh gãy xương đùi - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Gãy xương đùi là gì?

Xương đùi là xương dài nhất và mạnh nhất trong cơ thể. Vì xương đùi rất khỏe nên cần một lực rất lớn để phá vỡ nó. Tai nạn xe là nguyên nhân số một gây ra gãy xương đùi.

Phần dài và thẳng của xương đùi được gọi là trục đùi. Gãy xương đùi xảy ra khi có một lực phá vỡ bất cứ nơi nào dọc chiều dài xương đùi.

Biểu hiện gãy xương đùi rất khác nhau tùy thuộc vào lực gây vỡ xương. Các mảnh xương có thể nằm đúng vị trí hoặc không liên kết (dời ra). Gãy xương có thể kín (da còn nguyên vẹn) hoặc hở (xương chọc thủng qua da).

Bác sĩ mô tả các loại gãy xương bằng cách sử dụng các hệ thống phân loại. Gãy xương đùi được phân loại tùy thuộc vào:

Vị trí của gãy xương (trục đùi được chia thành ba phần: xa, trung tâm, gần) Mô hình gãy xương (ví dụ, xương có thể vỡ theo các hướng khác nhau, như gãy ngang, gãy dọc hoặc ở chính giữa) Da và cơ bắp trên xương có thể bị rách bởi chấn thương

Các loại gãy xương đùi phổ biến nhất bao gồm:

Gãy xương ngang. Trong loại gãy này, vết gãy là một đường thẳng nằm ngang xuyên qua trục đùi. Gãy xiên. Đây là loại gãy xương có vết gãy chạy dọc theo trục xương. Gãy xương xoắn ốc. Đường đứt gãy bao quanh trục như những sọc trên cây kẹo. Một lực xoắn vào đùi gây ra loại gãy xương này. Gãy xương nhiều mảnh. Trong loại gãy xương này, xương vỡ thành ba hoặc nhiều mảnh. Hầu hết các trường hợp, số lượng các mảnh xương tương ứng với lực cần thiết để phá vỡ xương. Gãy xương hở. Nếu xương bị vỡ theo cách mà các mảnh xương đâm ra ngoài da hoặc vết thương thâm nhập vào xương bị gãy, gãy xương này được gọi là gãy xương hở hoặc gãy xương phức hợp. Gãy xương hở thường liên quan đến nhiều tổn thương của các cơ, gân và dây chằng xung quanh. Nguy cơ bị biến chứng cao, đặc biệt là nhiễm trùng và mất nhiều thời gian hơn để chữa lành.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng gãy xương đùi là gì?

Gãy xương đùi thường gây đau nghiêm trọng ngay lập tức. Bạn không thể đứng bên chân bị thương. Chân có thể bị biến dạng, co ngắn hơn chân kia và không còn thẳng nữa.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên gọi cho bác sĩ ngay lập tức khi bạn có các triệu chứng gãy xương đùi.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra gãy xương đùi?

Gãy thân xương đùi ở người trẻ thường do một số loại va chạm rất mạnh. Nguyên nhân phổ biến nhất của gãy xương đùi là tai nạn xe hay rơi từ trên cao xuống, vết thương do đạn bắn.

Một sự cố với lực nhẹ hơn như ngã từ tư thế đứng có thể gây ra rạn vỡ xương đùi ở người lớn tuổi bị yếu xương.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán gãy xương đùi?

Bệnh sử y tế và khám sức khỏe

Điều quan trọng là bác sĩ cần biết chi tiết quá trình chân bị thương. Ví dụ như nếu bạn bị tai nạn xe, bác sĩ cần biết tốc độ di chuyển của xe, bạn là người lái xe hay hành khách, bạn có đeo dây an toàn không, túi khí có mở ra hay không. Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ xác định bạn bị tổn thương như thế nào và liệu bạn có thể bị tổn thương ở nơi khác nữa không.

Bác sĩ cũng cần biết bạn có các tình trạng sức khỏe khác như cao huyết áp, tiểu đường, hen suyễn hoặc dị ứng. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng.

Sau khi thảo luận về chấn thương và bệnh sử, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng chung và sau đó tập trung vào chân của bạn. Bác sĩ sẽ tìm:

Sự biến dạng rõ ràng của đùi/chân (một góc bất thường, xoắn hoặc chân bị rút ngắn) Nứt da Các vết bầm tím Các mảnh xương bị đẩy lên bề mặt da

Sau khi kiểm tra bằng mắt, bác sĩ sẽ cảm nhận dọc theo đùi, chân và bàn chân tìm kiếm những bất thường, kiểm tra da và các cơ xung quanh đùi. Bác sĩ sẽ bắt mạch. Nếu bạn tỉnh táo, bác sĩ sẽ kiểm tra cảm giác và cử động ở chân và bàn chân của bạn.

Các xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm khác sẽ cung cấp cho bác sĩ thêm thông tin về chấn thương bao gồm:

Chụp X-quang. Cách phổ biến nhất để đánh giá gãy xương là chụp X-quang để thấy rõ hình ảnh về xương. Chụp X-quang có thể cho biết xương có bị gãy hay không. Chúng cũng có thể cho thấy loại gãy xương và vị trí gãy trong xương đùi. Chụp cắt lớp vi tính (CT). Nếu bác sĩ vẫn cần thêm thông tin sau khi xem phim chụp X-quang, họ có thể yêu cầu chụp CT. Chụp CT cho thấy hình ảnh cắt ngang của chi. Nó có thể cung cấp cho bác sĩ các thông tin giá trị về mức độ nghiêm trọng của gãy xương. Ví dụ, đôi khi các đường đứt gãy có thể rất mỏng và khó nhìn thấy trên phim chụp X-quang. Chụp CT có thể giúp bác sĩ thấy rõ hơn.

Những phương pháp nào dùng để điều trị gãy xương đùi?

Điều trị nội khoa

Hầu hết các trường hợp gãy xương đùi đòi hỏi phải phẫu thuật để chữa lành. Đối với gãy xương đùi được điều trị mà không cần phẫu thuật khá hiếm gặp. Trẻ em nhỏ đôi khi được điều trị bằng bó bột.

Điều trị phẫu thuật

Thời gian phẫu thuật. Nếu da xung quanh nơi gãy xương không bị tổn thương, bác sĩ sẽ đợi cho đến khi bạn ổn định trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với gãy xương hở, bác sĩ cần khẩn trương làm sạch và yêu cầu phẫu thuật ngay lập tức để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Trong thời gian giữa chăm sóc khẩn cấp ban đầu và phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt chân bị gãy trong một cái nẹp chân dài hoặc khung kéo xương. Điều này giúp giữ xương bị gãy liên kết tốt hơn và duy trì chiều dài của chân.

Khung kéo xương là một hệ thống ròng rọc có trọng lượng và các vật đối trọng giữ các mảnh xương bị gãy với nhau. Nó giữ chân thẳng và thường giúp giảm đau.

Cố định bên ngoài. Trong loại phẫu thuật này, đinh hoặc vít kim loại được đặt vào xương ở trên và bên dưới chỗ gãy xương. Các đinh và ốc vít được gắn vào một thanh đặt bên ngoài da. Thiết bị này là một khung ổn định giữ xương ở vị trí thích hợp để chúng có thể chữa lành.

Cố định bên ngoài thường là một điều trị tạm thời cho gãy xương đùi. Thủ thuật này dễ dàng thực hiện, do đó nó thường được sử dụng khi một bệnh nhân có nhiều vết thương và chưa sẵn sàng cho một phẫu thuật lâu hơn. Cố định bên ngoài giúp ổn định tạm thời cho đến khi bệnh nhân đủ khỏe mạnh cho phẫu thuật cuối cùng. Trong một số trường hợp, cố định bên ngoài được để lại cho đến khi xương đùi lành hoàn toàn, nhưng điều này không phổ biến.

Đóng đinh nội tủy. Hiện nay, phương pháp mà hầu hết các bác sĩ phẫu thuật sử dụng để điều trị gãy xương đùi là đóng đinh nội tủy. Với phẫu thuật này, một thanh kim loại thiết kế đặc biệt được đưa vào tủy xương đùi. Thanh đi qua vết nứt để giữ nó đúng vị trí.

Một đinh nội tủy có thể được chèn vào tủy từ hông hoặc đầu gối thông qua một vết rạch nhỏ. Nó được vặn vào xương ở cả hai đầu. Cách này giữ cho đinh và xương ở đúng vị trí trong quá trình lành.

Đinh nội tủy thường được làm bằng titan. Chúng có nhiều độ dài và đường kính khác nhau phù hợp với hầu hết các loại xương đùi.

Tấm ván và ốc vít. Trong phẫu thuật này, các mảnh xương đầu tiên được tái sắp xếp lại đúng như vị trí bình thường của chúng. Chúng được giữ lại với nhau bằng các ốc vít và các tấm kim loại đặc biệt được gắn vào bề mặt bên ngoài của xương.

Các tấm ván và ốc vít thường được sử dụng khi việc đóng đinh không thể thực hiện được như các vết nứt kéo dài xuống khớp hông hoặc khớp gối.

Gãy xương đùi bao lâu mới đi được?

Thông thường, thời gian để xương hồi phục là từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, các chi dưới có thể mất thời gian lâu hơn do phải chịu trọng lượng của cơ thể. Tùy thuộc vào vị trí gãy xương đùi, thời gian lành xương sẽ khác nhau. Tốt nhất bạn nên tái khám thường xuyên để biết tiến độ phục hồi của xương và biết khi nào mình có thể tập đi.

5. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Gãy xương đùi nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để giúp xương nhanh hồi phục. Bạn nên thiết kế chế độ ăn có đầy đủ chất đạm, chất béo và bột đường. Bên cạnh đó, bạn cũng cần bổ sung nhiều vi chất cần thiết cho quá trình hình thành xương như: kẽm, canxi, magie, axit folic, vitamin B12…

Canxi có trong cải bắp, trứng, sữa, hải sản… Magie có trong chuối, rau xanh, cá trích, cá thu, sản phẩm từ sữa… Kẽm có trong cá biển, hải sản, hạt hướng dương, hạt bí ngô, ngũ cốc… Axit folic có trong chuối, đậu, rau xanh, cam quýt.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Với những thông tin trên đây về bệnh gãy xương đùi, hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm hiểu biết trong việc tìm hiểu và điều trị bệnh.

Ngày:24/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM