Hội chứng vỡ xương hốc mắt - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hốc mắt được kết nối bằng bảy xương và tạo ra bốn khu vực khác nhau. Vỡ xương hốc mắt có thể xảy ra ở bất kỳ một trong những khu vực này, tạo ra các chấn thương khác nhau. Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này nhé!

Hội chứng vỡ xương hốc mắt - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Vỡ xương hốc mắt là gì?

Hốc mắt tưởng chừng là một cấu trúc vững chắc, được kết nối bằng bảy xương và tạo ra bốn khu vực khác nhau.

Vỡ xương hốc mắt có thể xảy ra ở bất kỳ một trong những khu vực này, tạo ra các chấn thương khác nhau:

  • Gãy xương vành hốc mắt. Những vết nứt này xảy ra ở các cạnh bên ngoài của hốc mắt. Vành hốc mắt rất dày, do đó chỉ có lực cực mạnh như chấn thương do tai nạn xe mới có thể phá vỡ nó. Lực này cũng có thể làm tổn thương các dây thần kinh, cơ và các mô liên kết trong mắt.
  • Gãy sàn hốc mắt trực tiếp. Vết gãy vành hốc mắt có thể kéo dài đến sàn hốc mắt, gây ra gãy sàn hốc mắt trực tiếp. Điều này thường xảy ra do kết quả của một chấn thương nghiêm trọng.
  • Gãy sàn hốc mắt gián tiếp. Còn được gọi là gãy hốc mắt, gãy sàn hốc mắt gián tiếp thường xảy ra khi một vật thể như tay lái, nắm đấm, bóng chày hoặc khuỷu tay đâm vào hốc mắt. Các tác động này không gây ảnh hưởng đến vành hốc mắt nhưng gây ra một lỗ trên sàn hốc mắt. Lỗ này có thể khóa cơ, dây thần kinh hoặc các mô khác, khiến mắt khó di chuyển và gây ra các vấn đề về thị lực.
  • Gãy xương cửa lật. Nứt gãy xương cửa lật thường chỉ xảy ra ở trẻ em vì xương của trẻ mềm hơn. Đây là một loại gãy xương ở hốc mắt. Thay vì gãy xương, xương uốn cong ra ngoài, sau đó lật trở về vị trí bình thường của chúng. Mặc dù không hẳn là gãy xương thông thường, gãy xương cửa lật vẫn có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng và đôi khi vĩnh viễn.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng vỡ xương hốc mắt là gì?

Các triệu chứng phổ biến của vỡ xương hốc mắt là:

  • Nhìn đôi hoặc giảm tầm nhìn;
  • Sưng mí mắt;
  • Đau, bầm tím, chảy nước mắt hay chảy máu xung quanh mắt;
  • Buồn nôn và ói mửa (phổ biến trong gãy xương cửa lật);
  • Mắt trũng xuống hoặc phồng lên hoặc mí mắt rủ xuống ;
  • Không có khả năng di chuyển mắt theo một số hướng.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra vỡ xương hốc mắt?

Tai nạn thương tích là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra gãy xương mắt. Gãy các xương dày trong hốc mắt thường xảy ra sau các sự kiện chấn thương như ngã từ trên cao xuống hoặc tai nạn xe hơi.

Thương tích thể thao có thể gây ra vỡ xương hốc mắt, đặc biệt là các môn thể thao với bóng hoặc gậy có thể đập vào hốc mắt. Sử dụng các công cụ như búa, khoan và cưa điện cũng có thể làm tăng nguy cơ chấn thương mắt.

Các nguyên nhân khác như đánh nhau hoặc cơ thể bị tấn công. Một cú đấm hoặc đá đủ mạnh vào hốc mắt có thể dẫn đến gãy xương gián tiếp sàn hốc mắt nếu áp lực lên mắt quá sức chịu đựng của xương.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán vỡ xương hốc mắt?

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ chẩn đoán sơ bộ ban đầu sau khi kiểm tra mắt. Bác sĩ có thể kiểm tra áp lực mắt và đặt các câu hỏi về thị lực như mắt có thể nhìn theo mọi hướng hay không.

Để xác nhận chẩn đoán, bác sĩ sử dụng các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang và chụp CT.

Bệnh nhân có thể được giới thiệu đến một chuyên gia để đảm bảo rằng họ nhận được điều trị toàn diện. Ví dụ như bác sĩ nhãn khoa có thể giúp chẩn đoán tổn thương thị lực và bác sĩ thần kinh có thể tư vấn về bất kỳ tổn thương thần kinh nào.

Những phương pháp nào dùng để điều trị vỡ xương hốc mắt?

Vỡ xương hốc mắt không phải luôn cần phẫu thuật. Bác sĩ sẽ xác định xem gãy xương có thể tự lành không.

Bạn có thể được khuyên tránh xì mũi trong vài tuần sau khi bị thương. Điều này là để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan từ các xoang đến mô hốc mắt qua một khe nhỏ chỗ xương bị gãy.

Bác sĩ có thể kê toa các thuốc xịt thông mũi để ngăn ngừa nhu cầu xì mũi hoặc hắt hơi. Nhiều bác sĩ cũng kê toa thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng xảy ra.

Phẫu thuật

Có một số tranh luận về các tiêu chí cho việc sử dụng phẫu thuật cho vỡ xương hốc mắt. Một số tình trạng sau đây có thể cần xử lý bằng phẫu thuật:

Nếu bạn tiếp tục nhìn đôi trong vài ngày sau khi bị thương, có thể cần phẫu thuật. Nhìn đôi có thể là dấu hiệu tổn thương một trong các chốc mắt giúp di chuyển mắt. Nếu nhìn đôi biến mất nhanh chóng, có thể do sưng, lúc này bạn không cần điều trị.

Nếu chấn thương làm nhãn cầu bị đẩy vào trong hốc mắt (mắt lõm), điều này có thể được phẫu thuật.

Nếu hơn một nửa thành hốc mắt bị hư hỏng, phẫu thuật có thể cần thiết để ngăn ngừa biến dạng khuôn mặt.

Nếu phẫu thuật là cần thiết, bác sĩ phẫu thuật có thể chờ đến hai tuần sau khi chấn thương để tình trạng sưng giảm xuống. Điều này cho phép bác sĩ kiểm tra chính xác hơn tình trạng vỡ xương hốc mắt.

Phương pháp phẫu thuật thông thường là một vết rạch nhỏ ở góc ngoài của mắt và ở bên trong mí mắt. Một phương pháp khác là nội soi đang được các bác sĩ phẫu thuật sử dụng ngày càng nhiều. Trong quy trình này, máy ảnh và dụng cụ phẫu thuật được đưa vào miệng hoặc mũi của người bệnh.

Phẫu thuật này đòi hỏi gây mê toàn thân, có nghĩa là bạn sẽ ngủ trong khi làm thủ thuật và không cảm thấy đau.

Nếu tiến hành phẫu thuật, bạn có thể lựa chọn nằm viện hoặc cơ sở phẫu thuật một đêm. Sau khi về nhà, bạn sẽ cần hỗ trợ trong ít nhất 2-4 ngày.

Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh uống, corticosteroid như prednisone và thuốc giảm đau, thường là trong một tuần. Bác sĩ phẫu thuật có thể khuyên bạn chườm túi nước đá khu vực này trong một tuần. Bạn cần phải nghỉ ngơi, tránh xì mũi và hoạt động nặng ít nhất 2-3 tuần sau khi phẫu thuật.

Bạn sẽ được yêu cầu tái khám trong vòng vài ngày sau khi phẫu thuật và có thể khám thêm một lần nữa trong vòng hai tuần tiếp theo.

5. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý vỡ xương hốc mắt?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị vỡ xương hốc mắt:

Sử dụng kính bảo hộ thích hợp khi làm việc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặt nạ, kính bảo hộ và các loại kính bảo vệ khác có thể giảm nguy cơ chấn thương mắt hơn 90% do các công việc liên quan. Hãy hỏi bác sĩ nhãn khoa có kinh nghiệm, người đo thị lực hoặc người bán kính để được giúp đỡ trong việc lựa chọn kính bảo hộ thích hợp cho các môn thể thao. Bóng chày và bóng rổ gây ra nhiều chấn thương cho hốc mắt. Luôn luôn sử dụng dây an toàn khi bạn đi xe hơi, ngay cả khi xe có trang bị túi khí. Dây an toàn và dây nịt vai giúp bảo vệ mắt, xương mặt và phần trên của cơ thể khỏi tác động của bảng điều khiển và các chấn thương khác.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh vỡ xương hốc mắt, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:07/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM