Bệnh loãng xương - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh loãng xương là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Vậy làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh loãng xương - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Định nghĩa

Bệnh loãng xương là bệnh gì?

Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Dấu hiệu phổ biến là sụt cân và đau lưng. Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già. Gãy xương do loãng xương xảy ra thường xuyên nhất ở xương hông, cột sống và cổ tay, nhưng bất cứ xương nào cũng có thể bị ảnh hưởng. Một số xương bị gãy có thể không lành lại được, đặc biệt là khi chúng xảy ra ở hông.

Loãng xương là một căn bệnh thầm lặng chỉ được phát hiện cho đến khi xương bị gãy. Nhiều người nghĩ rằng bệnh loãng xương là một phần tự nhiên và không thể tránh khỏi của tuổi già. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế hiện nay tin rằng loãng xương có thể phòng ngừa được. Hơn nữa, những người đã bị loãng xương vẫn có thể thực hiện các bước để ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.

Những ai thường mắc phải bệnh loãng xương?

Loãng xương ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ ở mọi chủng tộc. Nhưng phụ nữ da trắng và châu Á – đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi đã bị mãn kinh – có nguy cơ bị loãng xương cao nhất. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

2. Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh loãng xương là gì?

Bệnh loãng xương không có triệu chứng rõ ràng từ sớm, nhưng theo thời gian, có thể nhận thấy lưng còng, đau lưng, dáng đứng khom xuống và dần dần sụt cân. Trong vài trường hợp khác, dấu hiệu đầu tiên là gãy xương (xương sườn, cổ tay hoặc hông). Xương sống có thể bị gãy (trở nên dẹp hơn hoặc bị nén). Gãy xương hông có thể gây khuyết tật nặng.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn về bệnh loãng xương nếu bạn mãn kinh sớm, uống corticosteroid trong nhiều tháng, hoặc một trong hai bố mẹ của bạn đã bị gãy xương hông. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương là gì?

Xương bình thường cần các khoáng chất canxi và phosphate để tạo thành. Nếu cơ thể không nhận đủ canxi từ chế độ ăn uống, việc hình thành các mô xương và xương có thể bị ảnh hưởng.

Các nguyên nhân chính của bệnh loãng xương bao gồm lão hóa dẫn đến sự sụt giảm estrogen ở phụ nữ mãn kinh và suy giảm testosterone (hormone nam) ở nam giới.

Xương là một cơ quan luôn trong trạng thái liên tục đổi mới, xương mới sẽ liên tục được tạo ra và xương cũ bị phá vỡ. Khi bạn còn trẻ, cơ thể của bạn tạo ra xương mới nhanh hơn, do đó khối lượng xương của bạn sẽ tăng lên. Hầu hết mọi người đạt được khối lượng xương cao nhất vào khoảng 20 tuổi.

Khi lớn tuổi, khối lượng xương bị mất đi nhanh hơn nó được tạo ra, từ đó gây nên bệnh loãng xương. Do đó, khả năng bị loãng xương của bạn phụ thuộc vào khối lượng xương cao nhất mà bạn đã đạt được khi còn trẻ. Nếu khối lượng xương cao nhất của bạn nhiều tức là bạn đã “dự trữ” được nhiều xương hơn và càng ít khả năng bạn sẽ bị loãng xương khi bạn về già.

4. Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương?

Bạn có thể mắc bệnh loãng xương nếu bạn thiếu cân, ít vận động hoặc không hoạt động, uống rượu, hút thuốc lá, rối loạn ăn uống, uống một số loại thuốc, mắc một số bệnh mãn tính và nằm trên giường trong thời gian dài hoặc không thể đi lại được.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh loãng xương. Một số yếu tố bạn có thể thay đổi được, số khác thì không thể.

Những yếu tố nguy cơ bạn không thể thay đổi:

  • Tuổi tác: Khi lớn hơn 50 tuổi thì bạn có nguy cơ bị loãng xương cao hơn. Lúc bạn 30 tuổi thì mật độ xương đã đạt đến mốc đỉnh điểm. Kể từ đây, quá trình sản xuất những phần xương mới sẽ chậm lại trong khi những phần xương cũ lại không ngừng thoái hóa. Ở một thời điểm nhất định thì tốc độ thoái hóa xương sẽ bắt kịp và vượt qua tốc độ tạo ra xương mới;
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn nam giới.Theo ước tính của Hiệp hội loãng xương quốc tế thì có khoảng 200 triệu người bị loãng xương trên toàn thế giới. Phụ nữ trong độ tuổi 20 đã bắt đầu bị thiếu hụt khối lượng xương. Từ tuổi 20 đến tuổi 80 thì người phụ nữ đã mất khoảng 1/3 lượng mật độ xương trong khi con số này ở người đàn ông chỉ là ¼. Phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh sẽ bị thiếu hụt estrogen và điều này có thể khiến xương bị yếu đi;
  • Chủng tộc: Những người châu Á có tạng người và xương nhỏ hơn các chủng tộc khác nên sẽ có khối lượng xương thấp hơn so với tiêu chuẩn trung bình của thế giới. Ngoài ra, phụ nữ châu Á ít tiêu thụ phô mai, sữa và các sản phẩm từ bơ sữa nên dễ bị thiếu hụt canxi;
  • Tiền sử mắc loãng xương trong gia đình: Việc có một thành viên trong gia đình từng bị loãng xương sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các nghiên cứu gần đây đang cố xác định xem loại gen nào gây ra chứng loãng xương. Một nghiên cứu cho thấy rằng mỗi rối loạn di truyền sẽ làm gia tăng nguy cơ bị loãng xương thêm một chút;
  • Thể trạng tự nhiên: Việc thấp bé nhẹ cân thường đồng nghĩa rằng bạn có khối lượng xương ít hơn những người khác. Điều này cũng có nghĩa rằng tốc độ mất xương của bạn sẽ nhanh hơn những người khác;
  • Tai nạn: Gãy xương có thể dẫn đến việc thiếu hụt canxi và làm giảm chiều cao.

Những yếu tố nguy cơ bạn có thể thay đổi bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: Cách dễ nhất để cung cấp canxi và vitamin D cho cơ thể là thông qua một chế độ ăn uống khỏe mạnh. Việc không hấp thụ đầy đủ lượng canxi và vitamin D, không ăn đầy đủ trái cây, rau củ hay tiêu thụ quá nhiều protein, natri và caffeine có thể dẫn đến thiếu hụt canxi;
  • Tập thể dục thường xuyên: Việc không tập thể dục thường xuyên hay quá thụ động sẽ làm gia tăng nguy cơ bị loãng xương;
  • Hút thuốc và uống rượu bia: Việc hút thuốc và uống rượu bia có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Trong một cuộc khảo sát gần đây thì khi so sánh với những người không hút thuốc thì những người đang hút thuốc ở thời điểm hiện tại có tần suất bị đau nhức cơ thể cao hơn 50%. Với những người sử dụng rượu bia thì họ có thể bị chuột rút và ốm tới mức chỉ còn da bọc xương;
  • Cân nặng: Bạn càng đẫy đà thì áp lực lên xương và các khớp sẽ càng lớn. Béo phì có thể dẫn đến những rối loạn cơ xương khớp như viêm khớp, đau thắt lưng, gout và đau cơ xơ hóa;
  • Công việc văn phòng: Khi bạn dành quá nhiều thời gian để ngồi thì nguy cơ bị loãng xương sẽ gia tăng. Việc ngồi một chỗ không chỉ khiến bạn thụ động hơn mà còn làm xấu dáng và gây ra các vấn đề về lưng. Bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách tập các bài tập giúp hỗ trợ cân bằng và tăng cường sự cứng cáp của xương;
  • Sử dụng steroid: Việc sử dụng các loại corticosteroid trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến quá trình tái tạo xương. Bạn có thể trò chuyện với bác sĩ để tìm kiếm những phương pháp chữa trị thay thế phù hợp với tình trạng của bạn.

5. Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh loãng xương?

Kiểm tra mật độ khoáng của xương là cách tốt nhất để biết sức khỏe của xương. Trong quá trình kiểm tra, bạn sẽ nằm trên một bảng độn và một máy quét sẽ quét qua cơ thể của bạn để đo mật độ chất khoáng trong xương. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ một vài xương của bạn sẽ được kiểm tra – thường ở hông, cổ tay và xương sống.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh loãng xương?

Thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ gãy xương. Những thay đổi cần phải làm là thường xuyên thực hiện các bài tập giúp cơ thể tăng sức chịu nặng và các bài tập tăng cường cơ bắp. Ngưng hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, và hấp thụ đủ canxi (ít nhất là 1.200 mg/ngày) và vitamin D (ít nhất là 800 IU/ngày) trong chế độ ăn uống. Thuốc bổ sung canxi có thể giúp tăng lượng canxi và vitamin D được dùng để giúp cơ thể hấp thụ canxi. Phương pháp điều trị tập trung vào việc làm chậm hoặc ngừng quá trình tiêu biến xương, hãy ngăn ngừa gãy xương bằng cách giảm thiểu các nguy cơ té ngã.

Các loại thuốc khác nhau bao gồm cả bisphosphonate như alendronate, và chất cung cấp đủ canxi và vitamin D cũng được sử dụng.

Bạn có thể điều trị bệnh loãng xương thông qua một chế độ dinh dưỡng và tập thể dục phù hợp. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê các loại thuốc giúp làm chậm hoặc ngưng quá trình mất xương, tăng mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Dinh dưỡng: Các loại thực phẩm chúng ta ăn có chứa một loạt các vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng quan trọng khác giúp cơ thể khỏe mạnh. Tất cả các chất dinh dưỡng đều cần thiết theo một tỷ lệ cân bằng. Trong đó đặc biệt là canxi và vitamin D rất cần thiết để giúp cho xương chắc khỏe hơn.

Tập thể dục: tập thể dục là phần quan trọng trong quá trình điều trị loãng xương. Tập thể dục không chỉ giúp xương bạn khỏe mạnh, mà còn làm tăng sức mạnh cơ bắp, sự phối hợp và cân bằng cơ thể, từ đó giúp sức khỏe của bạn tốt hơn. Mặc dù tập thể dục tốt cho người bị loãng xương, nhưng bạn cũng phải cẩn thận, tránh vận động quá mạnh vì có thể dẫn đến gãy xương.

Điều trị bằng thuốc: một số loại thuốc có thể giúp bạn phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương bao gồm: bisphosphonates, estrogen agonists/antagonists, calcitonin, hormone tuyến cận giáp, liệu pháp estrogen, liệu pháp hormone.

6. Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh loãng xương?

Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:

Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn. Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn. Thường xuyên tập các bài tập chịu tải trọng và các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp theo đề nghị của bác sĩ. Hãy đảm bảo bạn có đủ canxi và vitamin D. Ăn với chế độ ăn uống lành mạnh, giàu thực phẩm có chứa canxi như các sản phẩm từ sữa, cá, đậu, và các loại rau lá xanh. Không hút thuốc. Tránh uống quá nhiều rượu: uống nhiều hơn hai ly rượu mỗi ngày có thể làm giảm khả năng hình thành xương. Ngoài ra, bị say rượu cũng khiến bạn dễ bị té ngã, dẫn đến tổn thương xương hơn. Tránh để bị ngã: Mang giày gót thấp có đế không trượt và kiểm tra nhà của bạn để loại bỏ các dây điện, thảm và các chướng ngại vật mà có thể khiến bạn bị té ngã. Giữ phòng sáng, cài đặt các thanh vịn ở bên trong và bên ngoài cửa phòng tắm của bạn, và đảm bảo rằng bạn có thể vào và ra khỏi giường của mình một cách dễ dàng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về bệnh loãng xương sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:12/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM