Bệnh đau nhức cơ bắp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau nhức cơ bắp là một tình trạng rất phổ biến. Bạn có thể cảm thấy đau ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, như đau ở cổ, lưng, bắp chân... Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo!

Bệnh đau nhức cơ bắp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Đau nhức cơ bắp là gì?

Đau nhức cơ bắp, hay đau cơ, là tình trạng bạn cảm thấy đau hay nhức mỏi một hay nhiều nhóm cơ trên cơ thể. Nó có thể liên quan đến dây chằng, gân, các mô mềm liên kết giữa cơ, xương và các cơ quan.

Bởi vì cơ bắp có ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể nên tình trạng đau nhức có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào, ví dụ như đau cơ cổ, đau cơ lưng, đau cơ hông… Bạn cũng có khi cảm thấy đau nhức ở nhiều cơ bắp khác nhau cùng lúc.

Tình trạng này không được xem là một bệnh lý mà chỉ là một triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, như chấn thương, vận động quá mức, bệnh cơ xương khớp…

2. Các dấu hiệu và triệu chứng thường đi kèm đau nhức cơ bắp

Tùy vào nguyên nhân gây ra, tình trạng đau nhức có thể nhẹ hoặc nặng, đôi khi gây suy nhược cơ thể. Đau cơ cũng có khi là triệu chứng đặc trưng của một số bệnh mạn tính như đau cơ xơ hóa. Một số triệu chứng đôi khi xuất hiện cùng với đau cơ là:

  • Khu vực bị đau trở nên nhạy cảm;
  • Nhức mỏi cơ bắp;
  • Sưng tấy;
  • Vùng da ở khu vực đau đỏ lên ;
  • Sốt ;
  • Đau khớp.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn cần đi bệnh viện ngay nếu bị đau cơ cùng với các triệu chứng sau:

  • Khó thở hoặc chóng mặt;
  • Cảm thấy yếu cơ, mất trương lực cơ;
  • Sốt cao và cứng cổ;
  • Có vết côn trùng đốt, đặc biệt khi thấy có phát ban da kèm theo;
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng;
  • Đau cơ tăng lên sau khi tăng liều một số thuốc điều trị đang dùng;
  • Tình trạng đau nhức không cải thiện dù đã thực hiện các biện pháp tại nhà.

3. Các nguyên nhân gây đau nhức cơ bắp là gì?

Có thể xếp các nguyên nhân gây ra tình trạng này vào các nhóm chung như sau: do chấn thương hoặc vận động quá mức, bệnh tự miễn, rối loạn thần kinh và cơ bắp, nhiễm trùng hay tác dụng phụ của thuốc.

Thông thường, bạn có thể biết được nguyên nhân dẫn đến đau cơ vì thường liên quan đến các hoạt động thể chất, vận động quá mức và căng cơ. Ví dụ:

  • Căng cơ ở một hoặc nhiều khu vực;
  • Vận động quá mức trong quá trình hoạt động thể chất;
  • Làm tổn thương cơ bắp khi tham gia vào một công việc nặng nhọc hoặc chơi thể thao;
  • Không khởi động, làm ấm cơ thể trước và hạ nhiệt sau khi vận động.

Bên cạnh đó, một số bệnh lý hay tình trạng sức khỏe cũng có thể khiến bạn bị đau cơ, chẳng hạn như:

  • Đau cơ xơ hóa, nhất là khi cảm thấy đau nhức cơ kéo dài hơn 3 tháng;
  • Hội chứng mệt mỏi mạn tính;
  • Hội chứng đau cân cơ;
  • Nhiễm trùng, chẳng hạn như cúm, bại liệt hay nhiễm khuẩn;
  • Bệnh rối loạn tự miễn như lupus, viêm bì cơ và viêm đa cơ;
  • Tác dụng phụ một số thuốc như nhóm statin, thuốc ức chế men chuyển hay cocaine;
  • Có vấn đề ở tuyến giáp, như bị suy giáp hay cường giáp;
  • Hạ kali máu (kali máu thấp).

4. Các cách điều trị đau nhức cơ bắp hiệu quả

Đa số trường hợp đau cơ đều đáp ứng tốt với những biện pháp tại nhà. Bạn có thể áp dụng các cách sau để giảm bớt cảm giác đau nhức ở cơ do chấn thương hay vận động quá mức:

  • Để khu vực đau nhức nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt ;
  • Sử dụng thuốc giảm đau phổ biến như paracetamol, ibuprofen;
  • Chườm đá lên khu vực đau nhức để giảm đau và viêm.

Lưu ý, bạn nên chườm lạnh trong vòng 1–3 ngày sau khi bị căng cơ hoặc bong gân, sau đó chườm ấm lên vùng còn đau nhức sau 3 ngày đầu.

Các biện pháp cũng có tác dụng giảm bớt đau cơ là:

  • Tập các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng;
  • Tránh thực hiện các hoạt động mạnh cho đến khi hết đau hoàn toàn ;
  • Tránh tập luyện các bài tập nặng khi vẫn còn đau cơ ;
  • Thực hiện các bài tập giúp giảm bớt căng thẳng như yoga, thiền.

Nếu các biện pháp tại nhà không mang lại hiệu quả, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được kê đơn thuốc và hướng dẫn tập vật lý trị liệu. Trường hợp đau cơ là triệu chứng của một bệnh lý khác, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị chúng.

5. Phòng ngừa đau nhức cơ bắp

Nếu cơn đau cơ bạn gặp phải liên quan đến việc vận động quá mức hay hoạt động thể chất, hãy thực hiện các cách dưới đây để giảm thiểu nguy cơ bị đau nhức các cơ:

  • Thực hiện các động tác căng cơ trước và sau khi tham gia các hoạt động thể chất ;
  • Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể, nhất là khi vận động nhiều ;
  • Tập luyện thể dục thường xuyên để tăng cường sức mạnh cơ bắp;
  • Thường xuyên đứng dậy và làm vài động tác giãn cơ đơn giản sau khi đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về bệnh đau nhức cơ bắp, sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:14/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM