Hội chứng ngón tay cò súng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ngón tay cò súng là tình trạng các ngón tay gặp khó khăn khi duỗi, duỗi không tự nhiên hoặc đau khi cố gắng duỗi. Ngón tay thường bị ảnh hưởng là ngón trỏ hoặc giữa do bao gân của các ngón này dài. Bệnh xảy ra khi sự trượt lên nhau trong bao gân giữa các gân gấp bị khó khăn do viêm, bao gân hẹp hoặc do phì đại gân gấp. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.

Hội chứng ngón tay cò súng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Định nghĩa

Ngón tay cò súng, hay ngón tay bật, là bệnh khiến cho ngón tay bị cứng ở một tư thế. Bệnh chủ yếu tác động đến lớp mô xung quanh gân ngón tay gọi là bao gân. Gân là các mô sợi dày gắn cơ với xương. Viêm bao gân làm cho gân không chuyển động một cách trơn tru được, nên ngón tay bị khóa tại chỗ.

Mọi độ tuổi đều có thể bị ngón tay cò súng nhưng bệnh thường thấy ở những người trên 45 tuổi và ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh được cho là nguy cơ nghề nghiệp của nha sĩ, thợ may và thợ mổ gia súc.

2. Triệu chứng và dấu hiệu

Ngón tay thường bị cố định, kẹt hoặc khóa trong tư thế gập khi vận động ngón tay. Cần phải có ai đó kéo thẳng hoặc bẻ về vị trí cũ. Đau xảy ra trên vùng gân và thường đau nhiều hơn khi vận động. Ngoài ra cũng có thể xuất hiện sưng. Người lớn thường bị ngón giữa, còn trẻ em thường bị ngón tay cái.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nên gọi bác sĩ nếu bạn gặp một trong hai trường hợp sau:

  • Thấy các triệu chứng kéo dài;
  • Bị sốt sau khi phẫu thuật hoặc vết mổ bị chảy mủ.

3. Nguyên nhân

Ngón tay bật xảy ra khi vỏ bao gân của ngón tay bị kích thích và viêm. Trong đó, gân là các dải xơ nối kết cơ với xương. Mỗi gân cơ được bao quanh bởi một vỏ bao bảo vệ. Điều này ảnh hưởng đến chuyển động trượt bình thường của gân cơ ở trong vỏ bao. Ngoài ra, kích thích vỏ bao gân kéo dài sẽ tạo nên sẹo, dày và xơ hóa càng làm cho chuyển động của gân thêm khó khăn.

4. Nguy cơ mắc bệnh

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị ngón tay cò súng, bao gồm:

  • Cầm nắm nhiều. Các nghề nghiệp và sở thích đòi hỏi việc sử dụng tay lặp lại và cầm nắm kéo dài làm tăng nguy cơ.
  • Một số bệnh lý: tiểu đường, viêm khớp dạng thấp.
  • Giới tính: bệnh gặp nhiều ở nữ hơn.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

5. Điều trị

Những phương pháp nào dùng để điều trị ngón tay cò súng (ngón tay bật)?

Cách điều trị tốt nhất là làm giảm viêm và khôi phục chuyển động trượt bình thường của gân ở trong bao gân. Ở những trường hợp nhẹ, các triệu chứng có thể được cải thiện bằng cách tránh một số công việc gây ra bệnh. Cho ngón tay nghỉ ngơi bằng một loại nẹp đặc biệt có thể giúp ích.

Các trường hợp bệnh nặng hơn có thể tiêm thuốc steroid (cortisone) vào gân qua lòng bàn tay. Bác sĩ có thể làm điều này ở phòng khám. Có thể cần tiêm nhiều hơn một lần do vấn đề này đôi khi tái phát. Tiêm thuốc làm giảm triệu chứng ở 65% bệnh nhân. Các triệu chứng thường biến mất trong 3-5 ngày và ngón tay hết bị khóa trong 2-3 tuần.

Nếu vấn đề vẫn tiếp tục, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật bằng cách gây tê nơi sẽ mổ. Sau đó, bác sĩ sẽ cắt một đường nhỏ ở lòng bàn tay và mở dải mô bao chặt quanh gân ra. Đôi khi có thể thực hiện phẫu thuật bằng đầu kim mà không cần phải rạch.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán ngón tay cò súng (ngón tay bật)?

Bác sĩ thường chẩn đoán dựa trên khám thực thể và các triệu chứng, không cần đến các xét nghiệm. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nắm, mở bàn tay, kiểm tra các vùng trên tay, sự trơn tru khi vận động và bằng chứng của cứng khớp. Bác sĩ cũng có thể sờ lòng bàn tay của bạn để xem có u khối gì không. Nếu u liên quan đến bệnh ngón tay cò súng thì nó sẽ chuyển động cùng lúc khi ngón tay vận động, bởi vì u dính vào gân cơ điều khiển ngón tay. Đôi khi có thể xét nghiệm máu và chụp X-quang để loại trừ khả năng các nguyên nhân khác gây ra bệnh như gout, đái tháo đường, gãy xương, tuyến giáp bất thường và hội chứng ống cổ tay.

6. Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Ngón tay bật có thể được hạn chế nếu bạn:

Làm theo chỉ dẫn của bác sĩ Hiểu rằng ngón tay cò súng có thể tác động bất kỳ ngón tay nào. Nếu bệnh xảy ra ở nhiều hơn một ngón, bác sĩ sẽ loại trừ khả năng bị bệnh khác như tiểu đường trước khi bắt đầu điều trị.

Ngón tay cò súng là tình trạng thường gặp ở những người phải làm các công việc sử dụng co duỗi ngón tay nhiều như đánh máy, thợ may. Ngoài ra, một số bệnh kèm theo như đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi các biện pháp điều trị bằng thuốc và tập luyện không cải thiện được bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện phẫu thuật rạch bao gân. Đây là một phẫu thuật nhỏ và khá an toàn. Để biết thêm thông tin về tình trạng bệnh, bạn hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn chi tiết hơn.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Ngón tay cò súng, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM