Bệnh ngực lõm - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ngực lõm, hay ngực hình phễu, là biến dạng thành ngực bẩm sinh mà xương ức và một số xương sườn phát triển bất thường tạo ra vết lõm ở ngực. Dưới đây là một số thông tin về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh, mời các bạn tham khảo!

Bệnh ngực lõm - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh ngực lõm là gì?

Ngực lõm (pectus excavatum), hay còn gọi là ngực hình phễu (funnel chest), là một biến dạng thành ngực bẩm sinh mà xương ức và một số xương sườn phát triển bất thường tạo ra hình dạng lõm vào trong (như hình phễu) ở thành ngực trước.

Trong trường hợp nghiêm trọng, lõm ngực có thể trông giống như phần xương trung tâm lồng ngực không còn nữa và hình thành một vết lõm sâu ở đó.

Tình trạng lõm xương ức thường được chú ý ngay sau khi sinh nhưng mức độ nghiêm trọng của lõm ngực thường tiến triển xấu đi trong giai đoạn tăng trưởng ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Ngực lõm xuất hiện ở 1 trên 1.000 trẻ em và xảy ra phổ biến ở bé trai gấp hơn 4 lần so với bé gái. Những trường hợp bệnh nặng có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của tim và phổi. Tuy nhiên, với trường hợp nhẹ thì ngực lõm cũng khiến cho người bệnh cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình. Để chỉnh sửa biến dạng này, người bệnh sẽ được phẫu thuật.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ngực lõm

Nhiều người gặp phải biến dạng ngực lõm chỉ có dấu hiệu duy nhất là xuất hiện vết lõm nhẹ ở lồng ngực. Trong khi đó, một số trường hợp có vết lõm rõ hơn ở tuổi thanh thiếu niên và tiếp tục tiến triển tệ hơn cho đến tuổi trưởng thành.

Nếu ngực lõm nghiêm trọng, xương ức có thể chèn ép phổi và tim. Khi đó, các dấu hiệu và triệu chứng có thể gặp phải bao gồm:

Giảm khả năng tập luyện thể dục; Nhịp tim nhanh (tim đập nhanh); Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát; Khò khè hoặc ho; Đau, tức ngực; Nghe thấy tiếng thổi tim; Mệt mỏi.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Hãy đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu bản thân hoặc con trẻ có những biểu hiện sau:

Tức ngực; Khó thở; Biểu hiện buồn rầu, chán nản với biến dạng này; Cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi không hoạt động.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân ngực lõm là gì?

Nguyên nhân chính xác gây ra biến dạng ngực lõm vẫn chưa được tìm thấy. Tuy nhiên, đây có thể là một tình trạng di truyền liên quan đến khiếm khuyết gene dẫn đến sự phát triển bất thường của cơ xương.

Các yếu tố rủi ro gây ra ngực lõm

Biến dạng này thường xuất hiện ở bé trai nhiều hơn so với bé gái. Ngoài ra, một số đối tượng sau cũng có nguy cơ cao:

Hội chứng Marfan; Hội chứng Ehlers-Danlos; Bệnh xương thủy tinh; Hội chứng Noonan; Hội chứng Turner.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán ngực lõm?

Bác sĩ có thể chẩn đoán ngực lõm đơn giản bằng cách kiểm tra cấu trúc lồng ngực. Bên cạnh đó, họ cũng đề nghị tiến hành một số xét nghiệm khác để kiểm tra những vấn đề liên quan đến tim và phổi. Những xét nghiệm đó có thể là:

  • Chụp X-quang ngực. Xét nghiệm này giúp cho thấy mức độ lõm ở xương ức và hình ảnh trái tim bị dịch chuyển sang bên trái lồng ngực. Chụp X-quang không gây đau đớn và chỉ mất vài phút để hoàn thành.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT). Chụp CT có thể giúp xác định mức độ nghiêm trọng của biến dạng ngực lõm và đánh giá liệu tim, phổi có bị chèn ép hay không. Phương pháp này sử dụng tia X chiếu từ nhiều góc độ khác nhau để tạo nên hình ảnh cắt ngang của các cấu trúc bên trong cơ thể.
  • Điện tâm đồ. Kết quả xét nghiệm này cho biết nhịp tim có đang bình thường hay không đều và các tín hiệu xung điện điều khiển nhịp tim có đang hoạt động đúng hay không. Bạn cũng sẽ không cảm thấy đau khi đo điện tâm đồ, ngoại trừ việc được dính nhiều đầu điện cực lên người.
  • Siêu âm tim. Kết quả hình ảnh từ xét nghiệm này cho thấy tình trạng hoạt động thực tế của tim và các van tim. Nhân viên y tế sẽ sử dụng một đầu dò để truyền sóng âm thanh khi di chuyển chúng xung quanh ngực, từ đó thu được hình ảnh thực.
  • Đo chức năng phổi. Xét nghiệm này dùng để đo lượng không khí mà phổi có thể giữ cùng tốc độ làm rỗng phổi.
  • Thử nghiệm tập thể dục (exercise test). Mục đích của thử nghiệm này là theo dõi tim và phổi hoạt động như thế nào trong lúc bạn tập thể dục, thường là đạp xe hoặc chạy trên máy chạy bộ.

Những phương pháp điều trị ngực lõm

Phẫu thuật có thể giúp chỉnh sửa biến dạng ngực lõm nhưng thường chỉ được chỉ định cho trường hợp có dấu hiệu và triệu chứng từ trung bình đến nặng. Những người có triệu chứng nhẹ có thể tập vật lý trị liệu để cải thiện. Một vài bài tập giúp người bệnh cải thiện tư thế và tăng mức độ mở rộng của lồng ngực.

Các loại phẫu thuật

Nếu bạn bị ngực lõm ở mức trung bình đến nặng, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành phẫu thuật. Hai loại phẫu thuật phổ biến nhất để điều chỉnh biến dạng này khác nhau bởi kích thước vết mổ tạo ra và việc có loại bỏ sụn hay không:

  • Phẫu thuật với vết mổ nhỏ. Ở phương pháp xâm lấn tối thiểu, các vết mổ nhỏ được tạo ra mỗi bên ngực, dưới cánh tay. Sau đó, bác sĩ sử dụng những dụng cụ điều khiển dài và một đầu camera quang hẹp đưa vào bên trong ngực thông qua vết mổ. Một thanh kim loại cong được luồn vào dưới xương ức để nâng nó về vị trí bình thường. Nhiều trường hợp xương ức biến dạng nặng sẽ cần có nhiều thanh kim loại để nâng đỡ. Sau khoảng 2–3 năm, các thanh kim loại này được loại bỏ.
  • Phẫu thuật với vết mổ lớn. Bác sĩ có thể thực hiện một vết mổ lớn hơn ở giữa ngực để quan sát trực tiếp hình dạng xương ức. Sụn sườn (kết nối giữa xương ức và xương sườn) bị biến dạng được loại bỏ và xương ức được cố định lại vào vị trí bình thường nhờ vào vật hỗ trợ, như thanh chống kim loại hay lưới nâng đỡ. Các vật dụng hỗ trợ đó sẽ được tháo bỏ trong vòng 6–12 tháng.

Hầu hết người bệnh trải qua phẫu thuật đều cảm thấy hài lòng với sự thay đổi của hình dạng lồng ngực, cho dù thực hiện loại phẫu thuật nào. Tiến hành phẫu thuật trong độ tuổi tăng trưởng ở thanh thiếu niên (tuổi dậy thì) thường mang lại kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, người trưởng thành vẫn có kết quả tốt sau khi phẫu thuật chỉnh sửa ngực lõm.

5. Biến chứng

Biến dạng ngực lõm có thể gây ra những biến chứng gì?

Các trường hợp ngực lõm nghiêm trọng có thể gây chèn ép tim và phổi hoặc đẩy tim lệch sang một bên. Thậm chí, ở trường hợp nhẹ thì ngực lõm cũng có khả năng dẫn đến các vấn đề về ngoại hình.

Vấn đề về tim và phổi

Nếu độ sâu của vết lõm xương ức nghiêm trọng, khoảng không gian mà phổi cần để mở rộng khi hít thở sẽ bị giảm xuống. Việc chèn ép này cũng ảnh hưởng đến tim, đẩy tim lệch về bên trái và làm giảm hiệu quả bơm máu.

Vấn đề về ngoại hình

Trẻ em bị biến dạng ngực lõm thường có xu hướng tạo ra tư thế gập người về phía trước, đưa xương bả vai lên trước và xương sườn tụt vào trong. Nhiều người tự ti về ngoại hình đến mức tránh tham gia các hoạt động như bơi lội.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh ngực lõm, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:06/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM