Bệnh viêm bao hoạt dịch - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm bao hoạt dịch thường gây đau và sưng xung quanh khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Vậy bệnh viêm bao hoạt dịch là gì? Làm sao để điều trị viêm bao hoạt dịch hiệu quả? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây.

Bệnh viêm bao hoạt dịch - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Bệnh viêm bao hoạt dịch là gì?

Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm ở các túi hoạt dịch. Các túi này có ở khắp nơi trong cơ thể và chứa đầy dịch để làm giảm sự ma sát giữa các mô như xương, cơ, gân và da.

Ngày nay, viêm bao hoạt dịch khớp gối, khuỷu tay, hông hoặc đầu gối là những tình trạng khá phổ biến. Tình trạng viêm này thường ảnh hưởng đến các túi dịch ở xung quanh khớp.

2. Đừng nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác

Viêm khớp và viêm bao hoạt dịch

Cả viêm khớp và bệnh viêm bao hoạt dịch đều ảnh hưởng tới khớp. Tuy nhiên, viêm khớp là sự mài mòn hoặc rách sụn giữa hai đầu xương. Các tổn thương này là vĩnh viễn, không thể phục hồi.

Ngược lại, trong hầu hết trường hợp, viêm bao hoạt dịch là một tình trạng kích ứng tạm thời. Bệnh sẽ không gây ra bất cứ tổn thương lâu dài nào nếu bạn ngưng việc tạo thêm trọng lượng lên các khớp.

Viêm gân và viêm bao hoạt dịch

Việc sử dụng các cơ xương khớp quá mức có thể dẫn đến viêm gân hoặc bệnh viêm bao hoạt dịch. Viêm gân là tình trạng viêm hoặc kích ứng dây chằng.

Bạn có thể mắc cả hai tình trạng này cùng một lúc hoặc chỉ một trong hai bệnh. Bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng viêm dựa vào vị trí đau và các xét nghiệm hình ảnh.

3. Các dạng bệnh viêm bao hoạt dịch

Viêm bao hoạt dịch có nhiều dạng. Tình trạng này có thể là mạn tính (xảy ra thường xuyên) hoặc cấp tính (xuất hiện đột ngột).

Viêm bao hoạt dịch bánh chè là tình trạng viêm xung quanh xương bánh chè. Bệnh có thể cấp tính hoặc mạn tính. Viêm bao hoạt dịch khuỷu tay thường ảnh hưởng đến các túi dịch ở đầu khuỷu tay. Đôi khi, bạn cũng có thể cảm thấy có các nốt sẩn nhỏ trong túi dịch. Đây là một tình trạng mạn tính. Viêm bao hoạt dịch quanh mấu chuyển thường ảnh hưởng đến hông. Bệnh thường tiến triển chậm và có thể xuất hiện cùng các tình trạng sức khỏe khác, như viêm khớp. Viêm bao hoạt dịch gân Achilles có thể gây đau và sưng ở gân gót chân. Đây là tình trạng có thể cấp tính hoặc mạn tính.

Các tình trạng viêm bao do nhiễm trùng (virus hoặc vi khuẩn) có thể làm cho bao hoạt dịch đỏ, nóng và sưng. Người bệnh có thể ớn lạnh, sốt và có các triệu chứng nhiễm trùng khác.

4. Triệu chứng viêm bao hoạt dịch là gì?

Các triệu chứng viêm bao hoạt dịch phổ biến gồm:

  • Đau;
  • Sưng;
  • Đỏ;
  • Túi hoạt dịch dày lên.

Ngoài ra, mỗi loại viêm bao hoạt dịch khác nhau sẽ có các dấu hiệu riêng như:

  • Đối với viêm bao hoạt dịch bánh chè hoặc viêm bao hoạt dịch khuỷu tay, bạn sẽ khó co tay hoặc chân bị ảnh hưởng.
  • Viêm bao hoạt dịch quanh mấu chuyển (Trochanteric bursitis) và viêm bao hoạt dịch gân Achilles có thể khiến bạn khó đi lại.
  • Viêm bao hoạt dịch quanh mấu chuyển còn khiến bạn đau khi nằm nghiêng.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có:

  • Các triệu chứng không cải thiện hoặc trở nên nặng hơn sau khi tự điều trị trong 1 hoặc 2 tuần.
  • Thân nhiệt cơ thể cao hoặc cảm thấy nóng và run Khớp bị ảnh hưởng không thể di chuyển được;
  • Cơn đau nhói nghiêm trọng vào khớp

5. Nguyên nhân viêm bao hoạt dịch là gì?

Bệnh viêm bao hoạt dịch có thể là kết quả của một chấn thương, nhiễm trùng hoặc một tình trạng khiến các tinh thể hình thành trong túi dịch.

Chấn thương

Một chấn thương có thể kích thích các mô bên trong túi dịch và gây viêm. Viêm bao hoạt dịch do chấn thương thường mất một khoảng thời gian để tiến triển. Các khớp, gân hoặc cơ gần túi dịch có thể đã hoạt động quá nhiều. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra loại chấn thương này là do các hoạt động lặp đi lặp lại.

Các tình trạng chấn thương phổ biến gây viêm bao hoạt dịch như:

Hội chứng Tennis Elbow (đau khuỷu tay): Viêm bao hoạt dịch là một vấn đề phổ biến ở những người chơi tennis và chơi golf. Việc khuỷu tay thường xuyên co duỗi có thể dẫn đến chấn thương và viêm. Thường xuyên phải quỳ gối có thể gây tổn thương và sưngbao hoạt dịch ở khu vực đầu gối. Các hoạt động giơ tay cao lặp đi lặp lại có thể gây ra viêm túi hoạt dịch ở vai. Chấn thương ở mắt cá chân có thể do đi bộ quá nhiều và mang giày không đúng kích thước có thể gây viêm túi hoạt dịch ở gót chân Túi hoạt dịch ở vùng mông có thể bị viêm sau khi ngồi trên bề mặt cứng trong thời gian dài, chẳng hạn như ngồi xe máy đi phượt. Kéo giãn cơ đùi có thể gây viêm túi dịch ở khu vực này.

Nhiễm trùng

Thông thường, nhiễm trùng sẽ gây viêm các túi dịch ở gần bề mặt da. Một vết cắt ở da có thể tạo cơ hội để vi sinh vật vào trong cơ thể và gây viêm.

Hầu hết những người khỏe mạnh thường không bị ảnh hưởng bởi các vi sinh vật này, nhưng người có hệ miễn dịch yếu sẽ có nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như tiểu đường, HIV/AIDS, điều trị hóa trị hoặc xạ trị, sử dụng steroid và nghiện rượu nặng.

Tình trạng sức khỏe

Những người mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định có nhiều khả năng có tinh thể hình thành bên trong túi dịch. Các tinh thể này sẽ kích thích túi dịch và làm cho nó sưng lên. Các tình trạng này có thể bao gồm bệnh gút, viêm khớp dạng thấp và xơ cứng bì.

6. Nguy cơ mắc bệnh

Một số yếu tố khiến bạn dễ bị viêm bao hoạt dịch hơn, như:

  • Tuổi tác;
  • Vấn đề sức khỏe mạn tính;
  • Có các hoạt động lặp đi lặp lại.

7. Chẩn đoán bệnh viêm bao hoạt dịch

Các bác sĩ thường có thể chẩn đoán viêm bao hoạt dịch dựa trên tiền sử bệnh và khám thực thể. Ngoài ra, họ cũng có thể yêu cầu một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm hình ảnh. Chụp X-quang không thể xác định chẩn đoán viêm bao hoạt dịch, nhưng chúng có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác khiến bạn khó chịu. Bác sĩ có thể đề nghị siêu âm hoặc MRI nếu khám thực thể không giúp xác nhận chẩn đoán.
  • Xét nghiệm khác. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc phân tích dịch ở túi dịch bị viêm để xác định nguyên nhân gây viêm khớp và đau.

8. Điều trị viêm bao hoạt dịch

Thực tế, tình trạng viêm bao hoạt dịch thường sẽ tự hồi phục. Các biện pháp bảo tồn, chẳng hạn như nghỉ ngơi, chườm đá và uống thuốc giảm đau, có thể làm giảm sự khó chịu. Nếu các biện pháp này không hiệu quả, bác sĩ có thể yêu cầu:

  • Thuốc. Nếu tình trạng viêm là do nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.
  • Trị liệu. Vật lý trị liệu hoặc các bài tập có thể tăng cường cơ ở khu vực bị ảnh hưởng để giảm đau và ngăn ngừa tái phát.
  • Tiêm corticosteroid vào túi dịch có thể làm giảm đau và viêm ở vai hoặc hông. Các thuốc này có thể bắt đầu có tác dụng nhanh chóng.
  • Thiết bị trợ giúp. Việc sử dụng tạm thời gậy đi bộ hoặc thiết bị khác sẽ giúp giảm áp lực lên khu vực bị ảnh hưởng.
  • Phẫu thuật. Đôi khi, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật túi dịch bị viêm để dẫn lưu. Tuy nhiên, họ hiếm khi đề nghị làm phẫu thuật cắt bỏ túi dịch.

Ngoài ra, một số biện pháp tại nhà giúp giảm đau như:

  • Nghỉ ngơi và không vận động quá sức các khu vực tổn thương;
  • Chườm đá để giảm sưng trong 48 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng. Sau đó, bạn chườm ấm để máu lưu thông;
  • Uống một loại thuốc không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen, để giảm đau và giảm viêm.

9. Phòng ngừa bệnh viêm bao hoạt dịch

Một số biện pháp có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh như:

  • Nâng đồ vật đúng cách;
  • Thường xuyên nghỉ ngơi khi thực hiện các động tác lặp đi lặp lại;
  • Duy trì cân nặng hợp lý;
  • Thường xuyên tập thể dục;
  • Khởi động đúng cách trước khi chơi thể thao và bơi lội.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Viêm bao hoạt dịch, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:19/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM