Bệnh viêm gan B - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm gan B là một bệnh lý nghiêm trọng ở gan do virus HBV gây ra. Loại virus này có tên khoa học đầy đủ là virus viêm gan B, có khả năng truyền nhiễm trực tiếp qua đường máu và qua đường tình dục và có thể truyền từ mẹ sang con. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh viêm gan B - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh viêm gan B gây ảnh hưởng trực tiếp và gây phá hủy nặng nề đến gan. Theo số liệu thông kê, hơn 90% số người mắc bệnh có diễn biến cấp tính trong thời gian ngắn và có thể khỏi hoàn toàn, gần 10% sẽ chuyển sang viêm gan B mãn tính và cuối cùng dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.

1. Tìm hiểu chung

Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B (hay còn gọi là viêm gan siêu vi B) là tình trạng viêm gan lây nhiễm cao, do virus viêm gan B gây ra. Virus này là một trong nhiều loại virus gây viêm và ảnh hưởng đến chức năng gan. Viêm gan dạng này có hai loại:

Viêm gan B cấp tính là bệnh lý ngắn ngày, thường xảy ra trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus. Bệnh đôi khi có thể dẫn đến viêm gan B mãn tính. Viêm gan B mãn tính xảy ra dài hạn, khi virus không bị đào thải mà tiếp tục sống trong cơ thể bệnh nhân.

2. Triệu chứng thường gặp

Những triệu chứng và dấu hiệu của viêm gan B là gì?

Loại viêm gan này được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không gây ra triệu chứng gì cho đến khi gan của người bệnh đã tổn hại nặng sau nhiều năm mắc bệnh.

Những triệu chứng viêm gan B bạn có thể gặp bao gồm:

  • Nổi ban ;
  • Đau khớp;
  • Mệt mỏi ;
  • Vàng da.

Những triệu chứng viêm gan B khác có thể xảy ra bao gồm:

  • Phân có màu xanh xám;
  • Nước tiểu đậm màu ;
  • Ngứa ngáy ;
  • Chán ăn ;
  • Buồn nôn;
  • Sốt nhẹ ;
  • Đau bụng;
  • Mạch máu nổi lên trên da như màng nhện (còn gọi là dấu sao mạch).

Bệnh còn có thể dẫn đến triệu chứng nghiêm trọng hơn như xơ gan cổ trướng (bụng chứa nhiều dịch) và suy gan.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn thấy mình có những triệu chứng và dấu hiệu đã được liệt kê ở trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Ngoài ra, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu nghĩ mình đã bị phơi nhiễm virus. Nếu bạn được điều trị phòng ngừa phơi nhiễm trong vòng 24 giờ thì khả năng bị mắc bệnh sẽ giảm xuống.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra viêm gan B là gì?

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B là do nhiễm một loại virus tên là virus viêm gan B. Virus này lây lan qua quan hệ tình dục với người bị nhiễm và dùng kim tiêm chưa được khử trùng. Chúng cũng có thể lây truyền thông qua đường máu và dịch của cơ thể người bị nhiễm (như tinh dịch, chất tiết ra từ âm đạo, sữa mẹ, nước bọt, mủ từ vết thương). Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh cũng có thể truyền bệnh cho con.

Viêm gan B lây qua đường nào?

Bệnh được lây nhiễm qua 3 con đường chính. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây lan qua một số đường ít phổ biến hơn.

3 con đường chính làm lây lan viêm gan gồm:

  • Lây truyền từ mẹ sang con. Nếu mẹ bị nhiễm virus này thì con có khả năng mắc bệnh rất cao, với xác suất 90%. Nếu tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi trẻ được sinh, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm.
  • Lây truyền qua đường tình dục. Nếu quan hệ tình dục không an toàn với người bị bệnh, bạn cũng có khả năng cao mắc bệnh này.
  • Lây truyền qua đường máu. Nếu dùng chung kim tiêm với người bị bệnh, bạn cũng có khả năng mắc bệnh này.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh này?

Viêm gan B cấp tính (triệu chứng xuất hiện và phát triển trong thời gian ngắn) được chẩn đoán phần lớn ở người lớn. Bệnh này ở trẻ em rất hiếm và thường là mạn tính.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới ước tính có khoảng 2 tỷ người nhiễm virus viêm gan này. Trong số 250 triệu người nhiễm HBV mãn tính của châu Á – Thái Bình Dương thì Việt Nam chiếm tới 10–14%.

Hiện Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ mắc bệnh cao của thế giới, từ 8–12%. Trong đó, 10–15% nhiễm virus này có diễn biến thành viêm gan mãn tính, sau đó khoảng 25% thành xơ gan và 80% dẫn tới ung thư gan. Ước tính đến năm 2025, sẽ có 40.000 ca tử vong do bệnh này.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh?

Virus viêm gan B lây lan qua việc tiếp xúc với máu, tinh dịch hay dịch cơ thể của người bị nhiễm. Nguy cơ mắc bệnh của bạn càng tăng nếu có thêm các yếu tố sau:

Quan hệ tình dục với nhiều đối tượng hay với người mắc bệnh bệnh mà không dùng biện pháp bảo vệ Dùng chung kim tiêm khi dùng thuốc truyền tĩnh mạch Quan hệ đồng giới nam Sống với người mắc bệnh này Mẹ mắc bệnh có thể truyền sang con Công việc phải tiếp xúc nhiều với máu người bệnh Du lịch đến những vùng có tỷ lệ người mắc bệnh cao như châu Phi, Trung và Đông Nam Á, Đông Âu.

Ngoài ra, việc sử dụng rượu bia cũng có tác động không nhỏ đối với việc nhiễm các bệnh về gan vì theo nghiên cứu (tác giả nghiên cứu Mendenhall C , Roselle GA, Lybecker LA) người nghiện rượu có nguy cơ bị nhiễm viêm gan loại B và thậm chí cả ung thư gan.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh?

Nếu nghi ngờ bạn mắc bệnh, bác sĩ sẽ khám bệnh và làm xét nghiệm máu để phát hiện virus trong máu, cũng như cho biết bạn mắc viêm gan B cấp tính hay mãn tính. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu sinh thiết gan (cắt một mẫu nhỏ ở gan) để đem đi xét nghiệm viêm gan B.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm gan B?

Bạn nên gặp bác sĩ ngay sau khi bị phơi nhiễm virus viêm gan B để được tiêm huyết thanh miễn dịch. Tiêm huyết thanh trong vòng 12 tiếng sau khi phơi nhiễm có thể giúp bảo vệ bạn khỏi sự phát triển của virus này. Nếu không được tiêm huyết thanh kịp thời, bạn có thể bị viêm gan B cấp tính hoặc mãn tính.

Các phương pháp điều trị bệnh phụ thuộc vào việc bạn bị:

Viêm gan B cấp tính

Bạn có thể không cần chữa trị, bệnh có thể tự khỏi. Bạn sẽ được chăm sóc tại nhà và chỉ nên hoạt động nhẹ nhàng. Nghỉ ngơi hợp lý từ 1 tới 4 tuần sau khi chẩn đoán bệnh sẽ có ích cho việc phục hồi bệnh. Trong khoảng thời gian này, bạn nên tránh tiếp xúc thân mật với người khác, có chế độ ăn nên cung cấp đủ calo, chất dinh dưỡng và nước cho cơ thể. Ngoài ra, trong 2 tuần từ khi người bị viêm gan nhiễm bệnh, cần phải tiêm huyết thanh kháng virus viêm gan B cho những người có quan hệ mật thiết với người bệnh.

Viêm gan B mãn tính

Bạn sẽ cần điều trị để giảm các nguy cơ mắc bệnh gan và ngăn chặn khả năng lây lan cho người khác. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Các loại thuốc kháng virus như lamivudine (Epivir), adefovir (Hepsera), telbivudine (Tyzeka) và entecavir (Baraclude) có thể giúp chống lại virus viêm gan B và làm chậm khả năng gây tổn thương cho gan của chúng. Interferon alfa-2b (Intron A): Đây là một phiên bản tổng hợp của một hợp chất được cơ thể sản xuất ra để chống lại sự nhiễm trùng. Loại thuốc này chủ yếu được sử dụng cho người trẻ tuổi không muốn trải qua quá trình điều trị lâu dài hoặc phụ nữ muốn mang thai. Ghép gan: Bác sĩ có thể đề nghị phương pháp này nếu gan bạn đã bị tổn hại quá nghiêm trọng. Phẫu thuật sẽ cắt bỏ phần gan bị tổn hại và thay vào bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh?

Để hạn chế diễn tiến của bệnh, bạn nên:

Nghỉ ngơi đầy đủ và có chế độ ăn uống phù hợp Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục Tránh lây nhiễm cho người khác qua máu và dịch cơ thể bạn Gọi cho bác sĩ nếu các triệu chứng không biến mất từ 4 tới 6 tuần hoặc triệu chứng mới phát triển Hỏi bác sĩ về việc tiêm phòng viêm gan B cho gia đình và những người thân của bạn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

7. Những quan niệm sai lầm về viêm gan B

Quan niệm: Cơ thể khỏe mạnh đồng nghĩa với việc không bị nhiễm bệnh

Thực tế: Trong giai đoạn mắc bệnh viêm gan cấp tính, đa số bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng nào. Tuy nhiên, cũng có một vài người có các dấu hiệu của bệnh gan cấp tính như vàng da và mắt, kiệt sức, đau bụng và buồn nôn kéo dài vài tuần.

Ở một số bệnh nhân có thể dẫn tới bệnh gan mạn tính với khả năng phát triển thành bệnh xơ gan hay thậm chí ung thư gan.

May mắn thay, hơn 90% người trưởng thành khỏe mạnh nhiễm virus viêm gan B sẽ hoàn toàn hồi phục và cơ thể sẽ diệt sạch virus trong vòng nửa năm.

Quan niệm: Không cần thiết phải kiểm tra sức khỏe nếu bạn không sử dụng thuốc hay không quan hệ trước hôn nhân

Thực tế: Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh chứ không phải chỉ những người sử dụng ma túy hay quan hệ tình dục trước hôn nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn mắc viêm gan khi đang mang thai, việc khám sức khỏe rất quan trọng để các bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc cần thiết, an toàn cho cả mẹ và bé. Ngay cả khi người mẹ không mang trong mình virus viêm gan B thì các bé cũng nên được tiêm vắc xin để phòng tránh nhiễm bệnh từ những người xung quanh.

Đa phần những bé nhiễm virus này từ khi mới sinh hoặc trong thời thơ ấu (dưới 6 tuổi) sẽ bị viêm gan mạn tính với nguy cơ phát triển thành suy gan hay ung thư gan. Vì thế, bạn nên phòng tránh cho trẻ theo các biện pháp trên.

Quan niệm: Tiêm ngừa vắc xin từ khi mới sinh sẽ có tác dụng miễn nhiễm viêm gan B mãi mãi

Thực tế: Hơn 95% trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên khi đã được tiêm vắc xin sẽ phát triển hệ miễn dịch chống lại virus này, cơ thể sẽ được bảo vệ ít nhất 20 năm và có khi kéo dài cả cuộc đời.

Tuy nhiên, có vài người không may mắn như vậy. Sau khi đã được tiêm rất nhiều vắc xin nhưng bệnh nhân không hề phát triển miễn dịch đủ mạnh để chống lại virus. Nhóm đối tượng này được gọi là người tương tác kém với vắc xin. Vì thế, bạn cần chủ động kiểm tra mức độ miễn dịch viêm gan của cơ thể để xem bạn có miễn dịch tốt hay không. Nếu hệ miễn dịch không tốt, bạn có thể chọn tiêm vắc xin lại hoặc tăng liều lượng của vắc xin viêm gan B.

Quan niệm: Bị kim tiêm đâm có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn so với nhiễm viêm gan B?

Thực tế: Thật ra là ngược lại. Nếu bị kim đâm phải, bạn có nguy cơ mắc viêm gan B cao hơn HIV. Nguy cơ truyền nhiễm khi tiếp xúc với máu nhiễm HIV nằm trong khoảng 0,3%, trong khi đó, nguy cơ nhiễm virus viêm gan B lên tới 30% (cao hơn gấp 100 lần).

Có khá nhiều quan niệm sai lầm về bệnh này nên bạn hãy biết chọn lọc thông tin và chỉ nên tin tưởng vào các thông tin y tế chính thức để có biện pháp phòng ngừa cũng như chữa trị bệnh hiệu quả nhé.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh viêm gan B, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị.

Ngày:28/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM