Bệnh viêm tá tràng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm tá tràng là tình trạng viêm xảy ra ở tá tràng, phần đầu của ruột non. Viêm tá tràng có thể gây ra đau bụng, chảy máu và các triệu chứng tiêu hóa khác. Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh nhé!

Bệnh viêm tá tràng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm tá tràng là bệnh gì?

Viêm tá tràng là tình trạng viêm xảy ra ở tá tràng, phần đầu của ruột non. Viêm niêm mạc tá tràng có thể gây ra đau bụng, chảy máu và các triệu chứng tiêu hóa khác. Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tá tràng là nhiễm trùng dạ dày kết hợp với một loại vi khuẩn gọi là Helicobacter pylori (H. pylori). Sinh vật này sẽ phá vỡ các rào cản là các chất nhầy bảo vệ niêm mạc tá tràng khỏi các chất axit có trong dạ dày, dẫn đến tình trạng viêm mạn tính và loét tá tràng.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm tá tràng là gì?

Viêm tá tràng có thể gây ra một số triệu chứng, các triệu chứng có thể khác nhau về cường độ giữa các cá nhân:

Các triệu chứng thường gặp của viêm tá tràng. Bạn có thể gặp các triệu chứng của viêm tá tràng hàng ngày hoặc chỉ một lần trong một thời gian nhất định. Các triệu chứng có thể bao gồm bụng đầy hơi, đau bụng, chướng khí, chán ăn, buồn nôn có hoặc không kèm theo nôn; Các triệu chứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Trong một số trường hợp, viêm tá tràng có thể đe dọa đến tính mạng. Bạn hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn hoặc ai đó đang mắc bệnh viêm tá tràng, có bất cứ triệu chứng đe dọa đến tính mạng là phân có lẫn máu (máu có thể là đỏ, đen hoặc màu hắc ín theo kết cấu), đau bụng dữ dội, nôn ra máu.

Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm tá tràng?

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tá tràng là do một loại vi khuẩn gọi là Helicobacter pylori (H. pylori). Một lượng lớn các vi khuẩn này xâm nhập vào dạ dày hoặc ruột non có thể gây ra viêm. Nguyên nhân phổ biến khác của viêm tá tràng bao gồm việc sử dụng lâu dài một số loại thuốc, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen hay naproxen.

Nguyên nhân ít gặp hơn bao gồm:

Bệnh Crohn (viêm đường tiêu hóa); Tình trạng tự miễn; Trào ngược dịch mật (khi dịch mật chảy từ tá tràng vào dạ dày); Có nhiễm virus nhất định, chẳng hạn như virus Herpes dạng đơn, cùng với một hệ thống miễn dịch yếu; Tổn thương ở ruột non; Sử dụng máy trợ thở; Căng thẳng cực độ do phẫu thuật, chấn thương cơ thể nặng, sốc; Ăn các chất ăn da, chất độc (chất mạnh có thể làm cháy hoặc ăn mòn các mô của bạn nếu bạn nuốt chúng); Hút thuốc lá quá nhiều; Xạ trị ung thư; Hóa trị ung thư.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh viêm tá tràng?

Theo thông tin từ cơ quan quốc gia về bệnh đường tiêu hóa Clearinghouse, có khoảng 20-50% người dân ở Hoa Kỳ mắc phải tình trạng này và có tới 80% người dân ở các nước đang phát triển bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm tá tràng?

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tá tràng. Không phải tất cả những người có yếu tố nguy cơ đều sẽ mắc bệnh viêm tá tràng. Các yếu tố nguy cơ của viêm tá tràng bao gồm:

Lạm dụng rượu; Tiền sử xạ trị; Căng thẳng hoặc bệnh nặng; Sử dụng thuốc lá.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Những kĩ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh viêm tá tràng?

Có một số xét nghiệm mà bác sĩ thể sử dụng để chẩn đoán viêm tá tràng. Xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở có thể phát hiện được vi khuẩn H. pylori. Đối với xét nghiệm hơi thở, bạn sẽ được hướng dẫn uống một chất lỏng không có mùi vị rõ ràng và sau đó thở vào một cái túi, điều này sẽ giúp bác sĩ phát hiện khí carbon dioxide trong hơi thở nếu bạn bị nhiễm H. pylori. Bác sĩ cũng có thể thực hiện nội soi sinh thiết. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ di chuyển một ống dài, mỏng, linh hoạt (nội soi) có gắn một camera nhỏ xuống cổ họng để nhìn vào dạ dày hoặc ruột non. Từ đó, bác sĩ có thể kiểm tra xem bạn có bị viêm hay không. Bác sĩ có thể lấy một vài mẫu mô nhỏ để thử nghiệm thêm nếu không thể phát hiện được dấu hiệu viêm bằng mắt thường.

 Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm tá tràng?

Để xác định xem bạn có mắc viêm tá tràng hay không, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu, nước tiểu và phân để xét nghiệm. Nội soi cho phép hình dung tá tràng và các phần sinh thiết niêm mạc nhỏ. Sinh thiết được nghiên cứu dưới kính hiển vi để xác nhận xem bạn bị nhiễm vi khuẩn H. pylori hay không.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

Phương pháp điều trị bằng kháng sinh cho viêm loét tá tràng. Nếu viêm tá tràng là do bị nhiễm H. pylori thì sử dụng kháng sinh sẽ là phương pháp điều trị. Bạn phải dựa theo chính xác phác đồ kháng sinh để tránh tái nhiễm hoặc tái phát lại. Thông thường, bác sĩ sẽ kê hai loại thuốc kháng sinh trong 14 ngày. Các thuốc kháng sinh bao gồm amoxicillin, clarithromycin (Biaxin®), metronidazole (Flagyl®), tetracycline; Các thuốc khác để điều trị viêm tá tràng. Các thuốc như thuốc ức chế bơm proton và histamine đối kháng H2 sẽ làm giảm lượng axit trong dạ dày, đây cũng là một cách điều trị hiệu quả cho viêm tá tràng.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm tá tràng?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

Tránh hút thuốc; Không uống quá nhiều rượu; Ăn thức ăn ít cay, đồ uống có tính axit (như nước cam hoặc nước ép dứa) và các loại thuốc (như aspirin).

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc về bệnh viêm tá tràng, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Ngày:02/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM