Bệnh viêm xơ chai đường mật - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm xơ chai đường mật là một bệnh đường mật (bộ phận này mang dịch mật tiêu hóa từ gan đến ruột non). Trong viêm xơ chai đường mật, tình trạng viêm gây ra những vết sẹo trong ống dẫn mật. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh lý này, mời các bạn tham khảo!

Bệnh viêm xơ chai đường mật - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm xơ chai đường mật là bệnh gì?

Viêm xơ chai đường mật là một bệnh đường mật (bộ phận này mang dịch mật tiêu hóa từ gan đến ruột non). Trong viêm xơ chai đường mật, tình trạng viêm gây ra những vết sẹo trong ống dẫn mật, làm cho các ống dẫn cứng và hẹp, dần dần gây tổn thương gan nghiêm trọng.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm xơ chai đường mật là gì?

Viêm xơ chai đường mật thường được chẩn đoán trước khi các triệu chứng xuất hiện khi xét nghiệm máu định kỳ hoặc chụp X-quang để chẩn đoán một bệnh lý khác, cho thấy những bất thường ở gan.

Một số triệu chứng ban đầu bao gồm mệt mỏi và ngứa.

Nhiều người trước khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm xơ chai đường mật vẫn cảm thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng trong nhiều năm vì không có cách nào có thể dự đoán được tốc độ diễn tiến của bệnh ở từng bệnh nhân. Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh bao gồm:

Đau ở phần bụng bên phải phía trên; Sốt; Ớn lạnh; Đổ mồ hôi đêm; Gan to; Sụt cân; Vàng mắt và da.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn ngừa bệnh viêm xơ chai đường mật diễn tiến nặng hơn và tránh các tình huống phải cấp cứu, vì vậy bạn hãy gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh tình trạng này.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm xơ chai đường mật?

Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường không rõ. Bệnh có thể xuất hiện ở những người mắc phải các tình trạng sau:

Rối loạn tự miễn; Viêm tụy mạn tính; Bệnh viêm đường ruột (bệnh Crohn và viêm loét đại tràng); Sarcoidosis (một bệnh gây viêm ở các bộ phận khác nhau của cơ thể); Yếu tố di truyền cũng có liên quan.Viêm xơ chai đường mật thường xảy ra hơn ở đàn ông nhiều hơn so với phụ nữ và hiếm gặp ở trẻ em.

Viêm xơ chai đường mật cũng có thể được gây ra bởi:

Sỏi mật trong ống mật; Nhiễm trùng trong gan, túi mật và đường mật.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh viêm xơ chai đường mật?

Bệnh viêm xơ chai đường mật nguyên phát là một bệnh không thường gặp, ảnh hưởng đến các ống mật và gan. Đàn ông có tỉ lệ mắc bệnh này cao hơn phụ nữ.

Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xơ chai đường mật?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xơ chai đường mật nguyên phát bao gồm:

Tuổi. Viêm xơ chai đường mật nguyên phát có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường được chẩn đoán trong độ tuổi từ 30 đến 50; Giới tính. Viêm xơ chai đường mật xuất hiện ở nam giới nhiều hơn; Bệnh viêm đường ruột. Nhiều người bị viêm xơ chai đường mật nguyên phát cũng mắc bệnh viêm ruột; Vị trí địa lý. Người dân tại Hoa Kỳ và Bắc Âu có nguy cơ cao mắc bệnh viêm xơ chai đường mật nguyên phát hơn những người ở châu Á và Nam Âu.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm xơ chai đường mật?

Mặc dù một số người không có triệu chứng bên ngoài nhưng xét nghiệm máu có thể cho thấy chức năng gan bất thường. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem bạn có mắc bệnh các bệnh sau đây hay không:

Những bệnh gây ra vấn đề tương tự; Những bệnh thường đi kèm với tình trạng này (đặc biệt là bệnh viêm ruột); Sỏi mật.

Xét nghiệm chẩn đoán viêm đường mật bao gồm:

X-quang bụng; Chụp cắt lớp vi tính phần bụng; Siêu âm bụng; Chụp nội soi mật tụy ngược dòng; Sinh thiết gan; Chụp cộng hưởng từ mật tụy; Chụp đường mật xuyên gan qua da; Xét nghiệm máu bao gồm các men gan (xét nghiệm chức năng gan).

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm xơ chai đường mật?

Bác sĩ sẽ tập trung kiểm soát các biến chứng và tổn thương gan. Nhiều loại thuốc và phương pháp đã được áp dụng cho những người bị viêm xơ chai đường mật nhưng cho đến nay không có thuốc hoặc phương pháp nào thực sự hữu hiệu, bao gồm:

Điều trị ngứa. Thuốc kháng histamine như diphenhydramine (Benadryl®, Diphenhist®) và loratadin (Alavert®, Claritin®), được sử dụng phổ biến để làm giảm ngứa từ các vết cắn của côn trùng hoặc viêm da tiếp xúc. Hiện tại, liệu các thuốc này có hiệu quả trong việc điều trị viêm xơ chai đường mật hay không thì vẫn chưa rõ. Thuốc kháng histamine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh gan, khô mắt và khô miệng. Mặt khác, thuốc có thể giúp ngủ ngon nếu cơn ngứa làm bạn thức giấc. Thuốc gắn vào axit mật, chất được cho là nguyên nhân gây ra ngứa trong bệnh gan, là thuốc điều trị ngứa đầu tiên trong viêm xơ chai đường mật; Điều trị nhiễm trùng. Mật nằm trong đường mật bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn, dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn. Để tránh và điều trị các nhiễm trùng, những người bị viêm xơ chai đường mật có thể được điều trị kháng sinh nhiều đợt hoặc dùng kháng sinh trong thời gian dài. Bạn cần phải dùng thuốc kháng sinh trước khi tiến hành bất kỳ thủ thuật nào mà có thể gây ra nhiễm trùng, chẳng hạn như nội soi hoặc phẫu thuật bụng; Ghép gan. Ghép gan là cách điều trị duy nhất có khả năng chữa khỏi viêm xơ chai đường mật. Bác sĩ sẽ loại bỏ phần gan bị nhiễm bệnh và thay bằng lá gan khỏe mạnh được hiến tặng. Ghép gan là phương pháp dành riêng cho những người bị suy gan hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác của viêm xơ chai đường mật. Bệnh viêm xơ chai đường mật có thể tái phát sau khi ghép gan mặc dù tình trạng này hiếm gặp.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm xơ chai đường mật?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

Không uống rượu; Chích ngừa viêm gan A và B; Sử dụng hóa chất cẩn thận ở nhà và nơi làm việc; Duy trì cân nặng hợp lý.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh viêm xơ chai đường mật, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:15/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM