Bệnh viêm gan tự miễn - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm gan tự miễn là một bệnh lý nghiêm trọng, có thể dẫn đến xơ gan và suy gan nếu không được chữa trị kịp thời. Viêm gan tự miễn không lây nhiễm và vẫn chưa có cách phòng ngừa hữu hiệu. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra bệnh và cách điều trị như thế nào? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh viêm gan tự miễn - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm gan tự miễn là bệnh gì?

Viêm gan tự miễn là một bệnh mãn tính, khi mắc bệnh này hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tấn công các tế bào bình thường của gan, gây ra viêm nhiễm và làm tổn thương gan.

Viêm gan tự miễn là một bệnh lý nghiêm trọng, có thể dẫn đến xơ gan và suy gan nếu không được chữa trị kịp thời. Viêm gan tự miễn không lây nhiễm và vẫn chưa có cách phòng ngừa hữu hiệu.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm gan tự miễn?

Viêm gan tự miễn có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất. Những triệu chứng khác có thể bao gồm:

Ngứa ngáy; Phát ban; Đau khớp; Buồn nôn; Nước tiểu có màu vàng đậm; Phân có màu nhạt; Vàng da; Gan phình to và gây cảm giác khó chịu.

Các triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ tới nặng. Có những trường hợp, người bệnh khi đi khám thì không gặp triệu chứng gì, nhưng sau đó mới bắt đầu xuất hiện.

Những người bị bệnh nặng thì thường có những triệu chứng khác như bụng chứa dịch lỏng (cổ trướng) và choáng váng. Lúc này bệnh nhân cũng có thể sẽ có các triệu chứng của bệnh xơ gan và suy gan.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra viêm gan tự miễn là gì?

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan tự miễn là do hệ thống miễn dịch của người bệnh không thể phân biệt được các mô cơ thể khỏe mạnh và có hại. Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời chính xác của hiện tượng này, đó có thể là do yếu tố di truyền hoặc do môi trường tác động.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải viêm gan tự miễn?

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh viêm gan tự miễn, tuy nhiên phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Theo thống kê, khoảng 70% người mắc bệnh viêm gan tự miễn là phụ nữ và phần lớn có độ tuổi từ 15 đến 40 tuổi.

Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm gan tự miễn?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan tự miễn bao gồm:

Giới tính: mặc dù cả nam giới và phụ nữ có thể mắc bệnh viêm gan tự miễn, nhưng căn bệnh thường phổ biến nhiều hơn ở phụ nữ; Tiền sử mắc bệnh nhiễm trùng: bệnh viêm gan tự miễn có thể phát triển sau khi một số loại vi khuẩn xâm nhập cơ thể; Sử dụng một số loại thuốc điều trị: thuốc điều trị như kháng sinh minocycline (Dynacin, Minocin, và các loại thuốc khác) và thuốc atorvastatin điều trị cholesterol (Lipitor), đều có thể liên quan đến bệnh viêm gan tự miễn; Trong gia đình có người bị viêm gan tự miễn: đã có một số bằng chứng cho thấy bệnh viêm gan tự miễn có thể di truyền trong gia đình. Do đó nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh viêm gan tự miễn, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ tăng lên; Mắc một căn bệnh tự miễn khác: bệnh nhân đã từng hoặc đang mắc một căn bệnh tự miễn khác thường có khả năng bị viêm gan tự miễn cao hơn người bình thường.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm gan tự miễn?

Bác sĩ có thể chuẩn đoán bệnh viêm gan tự miễn bằng các phương pháp:

Dựa trên triệu chứng và khám lâm sàng; Siêu âm hoặc chụp CT gan để loại bỏ các nguyên nhân khác; Sinh thiết gan.

Bệnh nhân cũng cần xét nghiệm máu để xem kết quả men gan và số lượng kháng thể do hệ thống miễn dịch sản sinh ra. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ phân biệt được viêm gan tự miễn với các loại bệnh viêm gan siêu vi (như viêm gan A, B, C) hoặc những bệnh về trao đổi chất.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm gan tự miễn?

Phương pháp điều trị chính của bệnh viêm gan tự miễn là sử dụng thuốc prednisone hoặc các loại thuốc corticosteroid để ngăn hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.

Ở hầu hết các bệnh nhân, bệnh sẽ thuyên giảm nếu được điều trị sớm và đúng cách, . Tuy nhiên bệnh vẫn có thể tái phát, trong một số trường hợp, người bệnh phải được điều trị suốt đời.

Những bệnh nhân không thể điều trị theo liệu pháp trên hoặc có những phản ứng phụ nguy hiểm có thể được điều trị bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch khác như Azathioprine (azasan, Imuran) và 6-mercaptopurine.

Trong một số trường hợp, bệnh viêm gan tự miễn không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến xơ gan và suy gan giai đoạn cuối. Khi đó, bệnh nhân phải được thực hiện phẫu thuật ghép gan kịp thời.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm gan tự miễn?

Bạn có thể kiểm soát tốt diễn tiến của bệnh viêm gan tự miễn của mình nếu lưu ý vài điều sau đây:

Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn; Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc ngưng uống thuốc trong toa được kê cho bạn; Tránh sử dụng rượu bia vì thức uống có cồn rất có hại cho gan; Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn.

Việc theo dõi tình trạng bệnh của bạn rất quan trọng. Do đó, bạn cần thông báo kịp thời cho bác sĩ nếu có bất cứ triệu chứng nào mới xuất hiện hoặc triệu chứng không cải thiện trong quá trình điều trị.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Viêm gan tự miễn, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:29/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM