Xét nghiệm phân - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

Xét nghiệm phân là một loạt các xét nghiệm được thực hiện trên một mẫu phân để giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của bạn. Vậy để thực hiện xét nghiệm này cần lưu ý những gì? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Xét nghiệm phân - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

Tên xét nghiệm/Thủ tục: Xét nghiệm phân (Phân tích phân)

Vùng cơ thể/Mẫu xét nghiệm: Phân

1. Tìm hiểu chung

Xét nghiệm phân là gì?

Xét nghiệm phân là một loạt các xét nghiệm được thực hiện trên một mẫu phân để giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của bạn. Những bệnh lý này có thể bao gồm nhiễm trùng (chẳng hạn như nhiễm ký sinh trùng, virus hoặc vi khuẩn), tình trạng hấp thụ chất dinh dưỡng kém, hoặc ung thư.

Đối với xét nghiệm phân, một mẫu phân sẽ được thu thập trong một cốc nước sạch và sau đó được gửi đến phòng xét nghiệm. Phân tích trong phòng xét nghiệm bao gồm kiểm tra bằng kính hiển vi, thực hiện các xét nghiệm sinh hoá, và các xét nghiệm vi sinh. Mẫu phân sẽ được kiểm tra về màu sắc, độ đặc quánh, số lượng, hình dạng, mùi, và sự hiện diện của chất nhầy. Mẫu phân được kiểm tra tìm các chất ẩn trong phân bao gồm máu, chất béo, các sợi thịt, mật, các tế bào bạch cầu, và các loại đường. Độ pH của phân cũng có thể được kiểm tra. Cấy phân được tiến hành để xác định các loại vi khuẩn có thể gây ra nhiễm trùng.

Khi nào bạn cần tiến hành xét nghiệm phân?

Xét nghiệm phân được tiến hành nhằm:

Giúp xác định các bệnh về đường tiêu hóa, gan mật, và tuyến tụy. Một số enzyme (như trypsin hoặc elastase) có thể được kiểm tra trong phân để giúp xác định chức năng tuyến tụy của bạn; Giúp tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng ảnh hưởng trên đường tiêu hóa của bạn, bao gồm tiêu chảy kéo dài, tiêu chảy ra máu, trướng bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, đầy hơi, đau bụng, chuột rút, và sốt; Phát hiện ung thư đại tràng bằng cách kiểm tra tìm máu lẫn trong phân; Phát hiện ký sinh trùng, chẳng hạn như giun kim hoặc Giardia; Tìm ra những nguyên nhân gây ra nhiễm trùng, chẳng hạn như do vi khuẩn, nấm, hoặc virus; Kiểm tra khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa của bạn (ví dụ tìm hội chứng kém hấp thu). Đối với xét nghiệm này, tất cả các mẫu phân sẽ được thu thập trong khoảng thời gian 72 giờ và sau đó tiến hành kiểm tra chất béo (và đôi khi là sợi cơ) trong phân. Xét nghiệm này được gọi là xét nghiệm thu thập phân 72 giờ hoặc xét nghiệm tìm mỡ trong phân.

2. Điều cần thận trọng

Những điều nên biết trước khi tiến hành xét nghiệm phân?

Cấy phân được tiến hành để tìm ra nguyên nhân nhiễm trùng, chẳng hạn như do vi khuẩn, virus, nấm, hoặc ký sinh trùng.

Vài hành động có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm phân của bạn, bao gồm:

Thuốc, như là các loại thuốc kháng sinh, thuốc điều trị tiêu chảy, thuốc cản quang, bismuth (một loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, được dùng để điều trị loét dạ dày tá tràng), thuốc sắt, vitamin C, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), và magie.

Làm nhiễm lên mẫu phân bởi nước tiểu, máu từ chu kì kinh nguyệt, hay một ổ xuất huyết, hay những chất khác từ trong giấy vệ sinh, khăn vệ sinh của bạn.

Để mẫu phân ở nhiệt độ phòng hoặc bạn không thể gửi mẫu đến phòng xét nghiệm của bạn trong vòng 1 giờ sau lấy mẫu.

Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

3. Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi tiến hành xét nghiệm phân?

Bạn có thể cần phải ngừng uống các loại thuốc như thuốc kháng aixt, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc diệt ký sinh trùng, thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)… trong 1-2 tuần trước khi xét nghiệm. Hãy nói với bác sĩ của bạn về tất cả các loại thuốc không kê đơn và có kê đơn mà bạn đã sử dụng.

Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có:

Chụp X-quang trước đó không lâu có sử dụng chất cản quang bari, chẳng hạn như bơm bari vào trực tràng hoặc dùng bari cản quang đường uống. Bari có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra của bạn.

Đi du lịch trong vài tuần hay vài tháng gần đó, đặc biệt là nếu bạn đi du lịch ở nước ngoài. Điều này giúp bác sĩ đánh giá loại ký sinh trùng, nấm, virus hoặc vi khuẩn có thể là nguyên nhân gây ra vấn đề của bạn.

Nếu phân của bạn đang được tiến hành xét nghiệm tìm máu trong phân, bạn có thể cần phải tránh một số loại thực phẩm nhất định trong vòng 2-3 ngày trước khi xét nghiệm. Điều này phụ thuộc vào loại xét nghiệm phân được tiến hành. Và đừng tiến hành xét nghiệm trong những ngày hành kinh của bạn hoặc nếu bạn đang bị chảy máu do bệnh trĩ. Nếu bạn không rõ về cách thức để chuẩn bị cho xét nghiệm của bạn, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ.

Quy trình thực hiện xét nghiệm phân như thế nào?

Bạn cần phải thu một mẫu phân để làm xét nghiệm. Có rất nhiều cách để lấy mẫu.

Bạn có thể đi tiêu vào một bọc nhựa bằng cách đặt bọc nhựa này trên bồn cầu và kẹp nó lại bằng nắp bồn cầu. Sau đó, bạn lấy một mẫu phân bỏ vào trong một lọ đựng sạch.

Bộ dụng cụ xét nghiệm có cung cấp giấy vệ sinh đặc biệt để giúp bạn thu thập mẫu. Sau khi thu thập mẫu phân, bạn cho mẫu phân vào trong lọ đựng sạch.

Không để lẫn nước tiểu, nước, hoặc giấy vệ sinh trong mẫu phân.

Đối với trẻ em có mặc tã:

Lót tã bằng bọc nhựa; Cố định bọc nhựa để tránh nước tiểu và phân bị trộn lẫn. Điều này sẽ giúp thu được mẫu phân tốt hơn.

Bạn nên làm gì sau khi xét nghiệm phân?

Bạn hãy gửi mẫu đến phòng xét nghiệm càng sớm càng tốt. Không để lẫn giấy vệ sinh hoặc nước tiểu trong mẫu phân của bạn.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

4. Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Xét nghiệm phân tổng thể thường có kết quả trong ít nhất là 1 đến 3 ngày.

Xét nghim đánh giá mu phân tng th Bình thường Phân xuất hiện màu nâu, mềm, và có độ đặc vừa phải. Phân không có máu, chất nhầy, mủ, sợi thịt không tiêu hóa được, vi khuẩn có hại, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Phân có dạng ống. Độ pH của phân là 7,0-7,5. Phân chứa ít hơn 0,25 gam đường mỗi decilít (g/dl) [ít hơn 13,9 millimoles đường mỗi lít (mmol/l)] đường. Phân chứa 2-7 gram chất béo mỗi 24 giờ (g/24h). Bt thường Phân có màu đen, đỏ, trắng, vàng, hoặc xanh. Phân ở dạng lỏng hoặc rất cứng. Quá nhiều phân. Phân chứa máu, dịch nhầy, mủ, sợi thịt không tiêu hóa được, vi khuẩn có hại, virus, nấm, hoặc ký sinh trùng. Phân có chứa một hàm lượng thấp các enzym, như trypsin hoặc elastase. Độ pH của phân dưới 7,0 hoặc trên 7,5. Phân chứa một lượng đường từ 0,25 g/dl (13,9 mmol/l) hoặc nhiều hơn. Phân chứa hơn 7 g/24h chất béo (nếu lượng chất béo là khoảng 100 g/ngày).

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm Xét nghiệm đánh giá mẫu phân tổng thể. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về các kết quả bất thường có thể liên quan đến các triệu chứng và sức khỏe trước đó của bạn.

Giá tr bt thường

Nồng độ chất béo trong phân cao có thể là do các bệnh như viêm tụy, bệnh celiac (bệnh celiac là một bệnh lý đường ruột gây ra bởi tình trạng nhạy cảm với gluten, một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch), xơ nang (một bệnh lý di truyền nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể, nhất là trên hệ tiêu hóa và hệ hô hấp), hoặc các rối loạn khác có ảnh hưởng đến sự hấp thu chất béo.

Sự hiện diện của các sợi thịt không tiêu hóa được trong phân có thể do viêm tụy.

Độ pH thấp có thể do sự hấp thụ carbohydrate hay chất béo kém. Phân có độ pH cao có thể là do tình trạng viêm ở ruột (viêm đại tràng), ung thư, hoặc do sử dụng kháng sinh.

Phát hiện máu trong phân có thể do chảy máu ở đường tiêu hóa.

Các tế bào bạch cầu trong phân có thể do viêm ruột, chẳng hạn như viêm loét đại tràng, hoặc do vi khuẩn.

Rotavirus là một tác nhân phổ biến gây bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Nếu đang bị tiêu chảy, xét nghiệm có thể được tiến hành để tìm ra vi rút trong phân.

Lượng đường khử cao trong phân có thể là do bạn có một số vấn đề tiêu hoá đường.

Lượng đường khử thấp có thể do bệnh celiac, xơ nang, hoặc suy dinh dưỡng. Các loại thuốc như colchicine (chữa bệnh gout) hoặc thuốc tránh thai cũng có thể gây ra tình trạng lượng đường khử thấp.

Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tuỳ thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm mà bạn chọn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến xét nghiệm phân, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và tiến hành xét nghiệm!

Ngày:08/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM