Chí Phèo (phần tác giả) Ngữ văn 11

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được những nét chính về con người, quan điểm nghệ thuật, các đề tài chính, tư tưởng chủ đạo và phong cách nghệ thuật của Nam Cao. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Chí Phèo (phần tác giả) Ngữ văn 11

1. Vài nét về tiểu sử và con người

- Nam Cao (1917 – 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri.

- Ông sinh ra trong một gia đình trung nông, đông con tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam.

- Nam Cao là người con duy nhất được ăn học tử tế. Sau khi học hết bậc Thành chung, ông bôn ba kiếm sống nhiều nơi. Nhưng do sức khoẻ yếu, ông phải trở về quê kiếm sống bằng nghề dạy học và viết văn.

- Nam cao đã phải trải qua những ngày chật vật vì miếng cơm manh áo như những nhân vật trí thức tiểu tư sản trong các tác phẩm của ông. Năm 1943, Nam Cao tham gia nhóm Văn hoá cứu quốc. Năm 1948 ông có mặt trong đoàn quân Nam tiến. Ông nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hoá phục vụ kháng chiến.

- Tháng 11 – 1951, ông đã hy sinh trên đuờng đi công tác vùng địch hậu Liên khu III khi tài năng đang ở độ chín.

- Năm 1996, Nam Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật.

- Nam Cao là một người có đời sống nội tâm vô cùng phong phú. đằng sau cái bề ngoài vụng về, hiền lành, ít nói là một tâm hồn nóng bỏng, luôn diễn ra cuộc đáu tranh giữa cái tốt và cái xấu.

- Ông là người có tấm lòng nhân hậu, có tấm lòng thương yêu đối với những con người nghèo khổ bị áp bức. Mỗi tác phẩm của ông là sự đồng cảm sâu sắc, là sự chia sẻ đầy ân tình đối với những số phận bất hạnh và là sự khẳng định bnả chất tốt đẹp bất diệt của người lao động.

- Luôn suy tư về bản thân, cuộc sống, đồng loại, từ kinh nghiệm thực tế đưa ra những triết lí sâu sắc về lẽ sống.

2. Sự nghiệp văn học

2.1. Quan điểm nghệ thuật

- Nam Cao là một trong những nhà văn có nguyên tắc sáng tác nghệ thuật rất rõ ràng. Những nguyên tắc ấy được ông thể hiện trong mỗi tác phẩm của mình.

- Ông đánh giá cao văn chương, xem đó là một hình thái lao động cao quý, đầy trách nhiệm xã hội. Văn chương là một hoạt động sáng tạo, nó chỉ “dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo ra những gì chưa có”. Văn học phải phản ánh hiện thực, phê phán cái xấu xa, phản nhân văn.

- Nhà văn phải có trách nhiệm với ngòi bút của mình. Trung thực, thân trọng trong khi viết, không dối trá, cẩu thả.

- Ông nhìn nhận hiện thực với con mắt cảm  thông chia sẻ. Ông quan niệm con người là sản phẩm của hoàn cảnh (Tư cách mõ) song con người cũng có khả năng cải tạo hoàn cảnh (Đôi mắt). Mỗi tác phẩm của Nam Cao đều thể hiện những triết lí sâu sắc về cuộc sống, về nghệ thuật.

- Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao có sự thay đổi giữa hai giai đoạn: Trước và sau Cách mạng tháng Tám:

+ Trước Cách mạng tháng Tám:

  • Nghệ thuật phải bám sát vào cuộc đời, gắn bó với đời sống nhân dân lao động.
  • Nhà văn phải có đôi mắt của tình thương, tác phẩm văn chương hay, có giá trị phải chứa đựng nội dung nhân đạo sâu sắc.
  • Văn chương nghệ thuật là lĩnh vực đòi hỏi phải khám phá, tìm tòi, sáng tạo.
  • Lao động nghệ thuật là một hoạt động nghiêm túc, công phu; người cầm bút phải có lương tâm.

+ Sau Cách mạng: Ông nêu cao lập trường, quan điểm của nhà văn: Nhà văn phải có con mắt nhìn đời, nhìn người, đặc biệt là người nông dân kháng chiến một cách đúng đắn.

=> Nam Cao xứng đáng là một nhà văn hiện thực sâu sắc, có quan điểm nghệ thuật tiến bộ, mới mẻ so với nhiều nhà văn đương thời.

2.2. Các đề tài chính

Các sáng tác của Nam Cao có thể chia thành hai giai đoạn như sau:

- Trước cách mạng tập trung hai đề tài chính:

+ Người tri thức nghèo:

  • Nhà văn miêu tả tấn bi kịch tinh thần của những người tri thức nghèo trong xã hội cũ.
  • Những tác phẩm tiêu biểu: Sống mòn, Đời thừa, Những chuyện không muốn viết, Giăng sáng, Quên điều độ, Nước mắt...
  • Nội dung: Tấn bi kịch tinh thần của những người tri thức tài năng, có hoài bão và nhân phẩm, nhưng lại bị gánh nặng của cơm áo, gạo tiền đè bẹp, phải sống mòn như một kẻ vô ích, một đời thừa… Cuộc đấu tranh kiên trì của những người tri thức nghèo trước sự cám dỗ của lối sống ích kỉ, để thực hiện lí tưởng sống, vươn tới một cuộc sống cao đẹp. Diễn tả hết sức chân thực tình cảnh nghèo khổ, dở sống, dở chết của những nhà văn nghèo. Ông đi sâu vào những bi kịch tâm hồn họ để từ đó tố cáo xã hội trà đạp lên ước mơ con người.
  • Giá trị: phê phán xã hội phi nhân đạo đã tàn phá tâm hồn con người. Qua đó nhà văn thể hiện niềm khao khát cuộc sống có ích, thật sự có ý nghĩa.

+ Người nông dân nghèo:

  • Những tác phẩm tiêu biểu: Chí phèo, Một bữa no, Tư cách mõ, Lang rận, Lão Hạc, Dì Hảo, Nửa đêm, Mua danh, Trẻ con không biết ăn thịt chó…
  • Nội dung: Bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám: Nghèo đói, xơ xác, bần cùng. Kết án đang thép xã hội bất công tàn bạo đã khiến cho một bộ phận nông dân nghèo đói bần cùng, lưu manh hóa. Quan tâm đến số phận hẩm hiu, bị ức hiếp, bị xô đẩy vào con đường cùng của tội lỗi. Ông lên tiếng bênh vực quyền sống, và nhân phẩm của họ (Chí phèo, Lang rận, Lão Hạc, Dì Hảo…). Chỉ ra những thói hư tật xấu của người nông dân, một phần do môi trường sống, một phần do chính họ gây ra (Trẻ con không biết ăn thịt chó, rửa hờn…). Phát hiện và khẳng định được nhân phẩm và bản chất lương thiện của người nông dân, cho dù bị xã hội vùi dập, bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính (Chí Phèo).

-> Dù ở đề tài nào ông luôn day dứt đớn đau trước tình trạng con người bị bị xói mòn về nhân phẩm, bị huỷ diệt về nhân tính.

- Sau Cách mạng:

+ Sau cách mạng, Nam Cao là cây bút tiêu biểu của văn học giai đoạn kháng chiến chống Pháp (Nhật kí ở rừng, Đôi mắt, tâp kí sự Chuyện biên giới…).

+ Ông tham gia kháng chiến, tự nguyện làm anh tuyên truyền vô danh cho cách mạng. Các tác phẩm của ông thể hiện tình yêu nước và cách nhìn cuộc sống của giới văn nghệ sĩ với nhân dân và cuộc kháng chiến của dân tộc. Tác phẩm của ông luôn luôn là kim chỉ nam cho các văn nghệ sỹ cùng thời.

=> Tác phẩm của Nam Cao xoay quanh hai mảng đề tài chính: người trí thức nghèo và người nông dân nghèo. Với cả hai đề tài, nhà văn đều chú ý đến việc thể hiện tấn bi kịch tinh thần của con người, đó là tấn bi kịch bị tha hoá. Nhân vật của Nam Cao dù là ai cũng đều rơi vào tình trạng bị tha hoá, tất cả vì miếng cơm manh áo, vì bị áp bức, dồn ép đến đường cùng. Nhà văn luôn trăn trở day dứt đến đau đớn trước tình trạng con người bị tha hoá.

2.3. Phong cách nghệ thuật

- Nam Cao có tài đặc biệt trong việc phân tích và diễn tả tâm lí nhân vật. Nhà văn thường chú ý khai thắc những biến đổi trong thế giới nội tâm nhân vật, vì vậy sáng tác của ông có chiều sâu và rất hiện đại.

- Tác phẩm của Nam Cao có tính triết lí sâu sắc. Triết lí ấy được thể hiện một cách rất giản dị qua hình tượng nhân vật.

- Giọng điệu kể chuyện rất hiện đại. Giọng điệu luôn thay đổi rất linh hoạt, khi dửng dưng lạnh nhạt đến tàn nhẫn, khi băn khoăn day dứt. Tác phẩm của Nam Cao luôn có sự đan cài nhiều giọng điệu.

- Nhân vật của Nam Cao đều đạt đến trình độ điển hình, giọng điệu kể chuyện đạt trình độ cao của ngôn ngữ văn xuôi hiện đại.

- Nam Cao là nhà văn có tâm huyết và tài năng. Ông đã đưa văn học hiện thực phê phán Việt Nam đến trình độ phát triển mới, góp phần hoàn thiện thể truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam trên con đường hiện đại hoá.

- Là nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo:

+ Đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của con người.

+ Biệt tài phát hiện, miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật.

+ Rất thành công trong ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm.

+ Kết cấu truyện thường theo mạch tâm lí linh hoạt, nhất quán và chặt chẽ.

+ Cốt truyện đơn giản, đời thường nhưng lại đặt ra vấn đề quan trọng sâu xa, có ý nghĩa triết lí về cuộc sống và con người xã hội.

=> Ngòi bút của ông lạnh lùng, tỉnh táo, nặng trĩu ưu tư và đằm thắm yêu thương. Nam Cao được đánh giá là nhà văn hàng đầu trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX.

3. Tổng kết

- Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, có đóng góp quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Ông có quan điểm nghệ thuật sâu sắc, tiến bộ, đạt được thành tựu xuất sắc về đề tài người trí thức nghèo và người nông dân cùng khổ.

- Ông đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của con người, luôn đau đớn trước tình trạng con người bị rơi vào thảm cảnh sống mòn, bị xói mòn về nhân phẩm, thậm chí bị hủy hoại cả nhân tính.

- Nam Cao là nhà văn có phong cách độc đáo: luôn hướng tới thế giới nội tâm của con người; có biệt tài trong việc miêu tả và phân tích tâm lí, viết về cái nhỏ nhặt hằng ngày mà đặt ra được những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, có tầm triết lí sâu sắc và có giọng văn đặc sắc.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy tóm tắt một truyện ngắn của Nam Cao mà em yêu thích.

Gợi ý trả lời:

- Tóm tắt truyện ngắn "Cái mặt không chơi được" của Nam Cao: Nhân vật Sen chẳng biết ý nghĩ nào xui khiến khi nhìn Tri, đã thốt lên: Này! Tri ạ, cái mặt anh trông thế nào ấy. Quả thực không chơi được!. Câu nói mở đầu tác phẩm là một chủ điểm để kết cấu tác phẩm, theo dòng suy tưởng của nhân vật Tri, đã tái hồi những kỷ niệm quá khứ trước đó khi Tri còn thơ ấu và tiếp tục với cả những sự kiện đến trong tương lai với nhiều người khác đã đi qua cuộc đời Tri, và rất nhiều con người đó cũng từng nhìn thấy ở khuôn mặt Tri một cái gì đó thật khó tả, khó chơi.

Sau những câu mở đầu tác phẩm của nhân vật Sen, thêm một lần nữa khi Sen kể lại những câu nói của Đa, một họa sĩ cùng quận với Tri, đã nói như một sự khẳng định: Tôi vừa gặp anh Đa. Tôi rủ anh Đa đến chơi với anh. Nhưng Đa từ chối. Anh ấy bảo tôi: anh ấy sợ Tri lắm. Trông cái mặt Tri... không chơi được. Đa hỏi tôi mãi: Tri làm sao thế? Hay là Tri không thích đùa? Mặt hắn có một cái gì khó tả!.

Ký ức dội về đối với Tri còn đi xa hơn, quay trở lại lần lượt với chuyện khi 7- 8 tuổi đầu trọ học tại nhà dì, con dì tên là Đức đã truyền đạt lại lời của một cậu bạn tên Kình nhận xét về Tri: Nhưng nó bảo trông mày... làm sao ấy. Nó không thích mày. 10 năm về sau, khi Tri đã gần ở tuổi đôi mươi, nhân vật Đức lại truyền đạt lời của một cô gái hàng xóm, tên Nhung, con bà Thụy Thành, bạn của bà dì Tri, là người mà Tri thầm yêu trộm nhớ: Không hiểu sao Nhung nó sợ Tri lắm nhé. Nó bảo nó không dám hỏi Tri. Trông Tri... thế nào!

Rồi một năm nữa, khi Tri đã tốt nghiệp thành chung, vào Nam kiếm việc làm ở một hiệu may. Trải qua vài mối tình không may mắn khiến Tri trở nên chín chắn hơn, mong muốn tìm người xe tơ kết tóc. Trong nỗ lực "chiếm lòng" một người con gái tên Bình, Tri đã dự định thổ lộ tình cảm và "có ý dùng cái nhìn thay lời nói". Nhưng Bình đã sửng sốt nhìn khuôn mặt Tri và thốt lên với nhân vật tên Bảy Huế: Ăn Bảy, ăn Bảy! Nè. Dậy coi ăn Ba Trí, ăn ngó tôi nè! Coi kỳ góa heng!. Câu nói của Bình đã khiến mặt Tri nóng rực, hổ thẹn và chạy trốn, nhưng không biết về đâu.

Những ám ảnh vì nhận xét của mọi người đối với khuôn mặt Tri khiến nhân vật tưởng như suốt đời không gặp được thiện cảm của người đời. Tuy vậy, khi trở ra Bắc, Tri đã lấy vợ theo lời mẹ. Theo nhận xét của Tri về thái độ của vợ trong những năm tháng đầu tiên chung sống cho thấy hình như y cũng nhận thấy cái mặt tôi làm sao ấy. Bởi mấy tháng đầu tôi thấy y buồn bã. Tôi cũng buồn. Nhưng rồi cũng quen đi. Cái gì lâu mà lại chẳng quen? Kể cả một cái mặt không chơi được, và khi cô gái nhà quê mà Tri gọi là vợ ấy mỉm cười, thì Tri đã gần như ngất đi vì cảm nhận được sự hiện hữu của tình yêu và hạnh phúc giản dị đến bất ngờ. Tri đã muốn vừa chạy vừa kêu lên như một nhà bác học: Tôi đã thấy! Tôi đã thấy, tôi đã thấy người tình của tôi đây rồi.

Câu 2: Em hãy sưu tầm những đánh giá của các nhà phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ,... về tác giả Nam Cao cùng với các tác phẩm của ông.

Gợi ý trả lời:

 … “Trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao, ngay từ trước cách mạng tháng Tám, phải nói là có những điểm không thể xem thường. Người ta hay nói đến truyện ngắn "Trăng sáng". Tôi lại nghĩ nhiều hơn đến cái truyện "Đời thừa". Thật ra, cùng một quan điểm thống nhất cả thôi, "Đời thừa" nói tâm trạng uất ức của một anh văn sĩ nghèo, có thể diễn tả bằng câu thơ Tàn Đà “Tài cao, phận thấp, chí khí uất”. Nhưng tôi cho rằng nỗi đau đớn nhất của anh ta không phải ở đấy. Cái lý do khiến anh ta đã phải đổ ra hàng suối nước mắt hối hận là đã vi phạm vào chính cái lẽ sống thiêng liêng nhất của mình. Tác phẩm đã để lại cho chúng ta một câu nói bất hủ: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thảo mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác giẫm lên trên đôi vai mình”. Lý tưởng của văn sĩ Hộ là thế: ao ước viết được một tác phẩm lớn mang tính nhân đạo bao la. Vậy mà chỉ vì một chút hơi men và một cơn chếnh choáng bởi toàn những danh vọng hão, anh ta đã hành động như một con người tàn nhẫn, thô lỗ với người vợ hiền lành tội nghiệp của mình. Qua tấn bi hài kịch này, Nam Cao muốn nói một lời nghiêm chỉnh: nhà văn muốn viết cho nhân đạo, trước hết hãy sống cho nhân đạo…”.

(Nhớ Nam Cao và những bài học của ông - Nguyễn Đăng Mạnh)

"Những người bạn mới gặp Nam Cao thường nói: anh ta lạnh lùng quá. Kéo mép lên mới nẻ được một nụ cười khó nhọc. Chính Nam Cao cũng đã tả mặt mình trong một truyện ngắn "Cái mặt không chơi được". Và tự giễu một cách mỉa mai là “chẳng may trời chi phú cho mình cái mặt không chơi được ấy thì mình phải chịu”. Thật ra thì, mặt anh ta lạnh, nhưng lòng anh rất sôi nổi. Sự trái ngược trong con người Nam Cao, thể hiện ở cả những việc nhỏ bé như vậy. Vốn là một người yếu đuối (cả người và tâm tính), sợ thay đổi, sợ cái gì khỏe quá, nhưng chống những cái sợ đó, bao giờ Nam Cao cũng tìm cách tạo cho mình một tính nết ngược lại, một thói quen mới. Trong nền nếp cải tạo tư tưởng, nhân tố cưỡng lại ấy, tôi cho là một quan điểm đặc biệt, đáng chú ý nhất ở cuộc sống tư tưởng và nghệ thuật của Nam Cao".

(Người và tác phẩm Nam Cao - Tô Hoài)

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được những nét chính về con người, quan điểm nghệ thuật, các đề tài chính, sự nghiệp sáng tác và phong cách nghệ thuật của Nam Cao.

- Tóm lược hệ thống luận điểm của bài về tác giả văn học.

- Đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại.

- Có ý thức học tập và rèn luyện để biết cách phân tích, đánh giá một tác phẩm của Nam Cao.

Ngày:05/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM