Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn Ngữ văn 11

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được mục đích, tầm quan trọng của phỏng vấn và trả lời phỏng vấn. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em nắm được những  yêu cầu cơ bản đối với hoạt động phỏng vấn. Từ đó, các em sẽ biết cách phỏng vấn và trả lời phỏng vấn trong những trường hợp cụ thể. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn Ngữ văn 11

1. Mục đích, tầm quan trọng của phỏng vấn và trả lời phỏng vấn

- Ví dụ:

+ Khi đi xin việc làm thì nhà tuyển dụng sẽ tiến hành phỏng vấn nhằm đánh giá năng lực, xem có phù hợp với vị trí được tuyển dụng hay không.

+ Muốn được nhà tuyển dụng nhận thì đòi hỏi người phỏng vấn phải biết cách trả lời phỏng vấn.

- Các hoạt động phỏng vấn và trả lời phỏng vấn thường gặp:

+ Một chính khách, một nhà văn, một nhà hoạt động xã hội, một doanh nhân... trả lời trên ti vi.

+ Một bài phỏng vấn đăng báo.

+ Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn khi xin việc làm ở một cơ quan, doanh nghiệp...

- Mục đích:

+ Để biết quan điểm của một người nào đó.

+ Để thấy tầm quan trọng, ý nghĩa xã hội của vấn đề đang được phỏng vấn.

+ Để tạo lập các mối quan hệ xã hội.

+ Để chọn được người phù hợp với công việc.

- Vai trò: Biểu hiện một xã hội văn minh, dân chủ, tôn trọng các ý kiến khác nhau về một vấn đề nào đó.

2. Những yêu cầu cơ bản đối với hoạt động phỏng vấn

2.1. Công việc chuẩn bị phỏng vấn

- Phải xác định:

+ Chủ đề phỏng vấn.

+ Mục đích phỏng vấn.

+ Đối tượng được phỏng vấn.

+ Người thực hiện phỏng vấn.

+ Phương tiện phỏng vấn.

- Hệ thống câu hỏi phỏng vấn.

+ Ngắn gọn, rõ ràng.

+ Phù hợp với mục đích và đối tượng phỏng vấn.

+ Làm rõ được chủ đề.

+ Liên kết với nhau và được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.

2.2. Thực hiện cuộc phỏng vấn

- Ngoài hệ thống câu hỏi được chuẩn bị sẵn, cần có những câu hỏi đưa đẩy, điều chỉnh cuộc phỏng vấn để cuộc phỏng vấn không bị khô khan, máy móc, nhưng cũng không lam man, lạc đề.

- Người phỏng vấn cần phải có thái độ thân tình, đồng cảm, lắng nghe và chia sẻ thông tin với người trả lời.

- Kết thúc cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn phải cảm ơn người trả lời phỏng vấn.

2.3. Biên tập sau khi phỏng vấn

- Người phỏng vấn không được tự ý thay đổi nội dung các câu trả lời để đảm bảo tính trung thực của thông tin; nhưng có thể sắp xếp lại một số câu chữ cho ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu.

- Có thể ghi lại một số cử chỉ, điệu bộ của người trả lời phỏng vấn để người đọc hiêủ rõ hơn tình huống của câu nói.

3. Những yêu cầu đối với người trả lời phỏng vấn

- Ví dụ: Khi được các nhà báo nước ngoài đề nghị cho biết về tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đáp: “Đây là Điện Biên Phủ, Người nói và lật ngược chiếc mũ cát trên bàn, đây là núi,  Người dùng những ngón tay mảnh dẻ, rắn rỏi đưa theo vành mũ. Chúng tôi đang ở đây. Còn phía dưới, tay Người đặt xuống đáy mũ, là thung lũng Điện Biên Phủ. Quân Pháp ở đây. Chúng không thể thoát ra khỏi đây được. Có thể chúng sẽ còn ở đấy lâu, nhưng dứt khoát không thế thoát ra được".

=> Câu trả lời của Bác hay bởi vì nội dung trả lời rõ ràng, thú vị, thông minh nhưng rất dễ hiểu.

- Người trả lời phỏng vấn cần có phẩm chất:

+ Thẳng thắn, trung thực, dám chịu trách nhiệm về lời nói của mình.

+ Trả lời trúng chủ đề, ngắn gọn, sâu sắc, hấp dẫn. Có thể pha chút hóm hỉnh, gây ấn tượng cho công chúng.

4. Luyện tập

Câu 1: Khi được phỏng vấn: "Thành tích bạn đã đạt được trong công việc". Em sẽ trả lời thế nào? Hãy nêu một số gợi ý cho câu trả lời phỏng vấn này.

Gợi ý trả lời:

- Khi được hỏi một câu hỏi phỏng vấn xin việc về thành tích, để trả lời câu hỏi thì việc bạn cần làm thứ nhất là liệt kê những thành tựu trong cả quãng thời gian đi học: bạn đạt được những giải thưởng gì, bạn tham gia cuộc thi gì... lý do là để bạn dẫn dắt nhà tuyển dụng vào những thành tích của mình theo một chuỗi những hoạt động từ ngày bạn đi học, thể hiện bạn là một ứng viên xuất sắc, tham gia hoạt động nhiệt tình, kỹ năng mềm rất tốt. Khi nói về các thành tích trong công việc, bạn nên nêu rõ được trong câu trả lời phỏng vấn của mình là bạn đã đem lại những lợi ích gì cho công ty, giúp ích cho công ty như thế nào, bạn biết những chiến lược kinh doanh độc đáo nào như chiến lược 5 giây, càng cụ thể càng tốt.

- Hãy thể hiện sự tâm huyết với công việc, kể cả với công việc ở công ty cũ trong khi trả lời câu hỏi phỏng vấn, bạn nên nêu cảm xúc khi bạn đạt được những thành tựu và những bài học tích cực bạn rút ra được từ những lần đó.

Câu 2: Em hãy nêu một số cách trả lời phỏng vấn đạt hiệu quả cao.

Gợi ý trả lời:

- Đọc nhiều sách về kinh nghiệm trả lời phỏng vấn: Đọc sách là cách tốt để cải thiện thêm vốn kiến thức, phát triển bản thân, việc đọc nhiều sách về các kỹ năng phỏng vấn sẽ giúp bạn tích lũy được nhiều ngôn từ, cải thiện vốn từ ngữ, hiểu được ý đồ của nhà tuyển dụng, trong sách có rất nhiều kiến thức hay nếu bạn biết chọn lọc thì chắc chắn các buổi phỏng vấn bạn sẽ vượt qua dế dàng và được đánh giá khá cao đó.

- Hỏi kinh nhiệm từ những người đi trước: Những người đi trước được coi là anh đàn anh đàn chị của bạn, chẳng cần phải tìm đâu xa họ chính là những kiến thức thực tế nhất bạn cần phải hỏi. Bạn có thể hỏi về các vấn đề như: Trước khi đi phỏng vấn anh/chị chuẩn bị những gì. Trong cuộc phỏng vấn thì những người phỏng vấn hay hỏi về vấn đề gì... Tôi chắc chắn rằng, nếu bạn hỏi những người đã có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn thành công thì bạn sẽ chẳng cần đọc sách mà vẫn có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng ở buổi gặp đầu tiên.

- Luyện tập phỏng vấn và trả lời phỏng vấn: Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng trả lời các câu hỏi phỏng vấn xin việc thì hãy luyện tập ngay trước khi tham gia các cuộc phỏng vấn xin việc. Tham khảo thêm những video được chia sẻ trên mạng xã hội, hỏi những người đã có kinh nghiệm hay tìm đọc những bài là một số cách giúp bạn thêm tự tin.

- Đọc các bài phỏng vấn mẫu: Các bài phỏng vấn mẫu (bài test) sẽ cho bạn biết những câu hỏi thường được thấy và được nhà tuyển dụng đưa ra, bạn sẽ biết thêm những cách trả lời phỏng vấn hay, những hướng dẫn để có các đối thoại, trả lời những câu hỏi một cách tốt nhất, gây ấn tượng và dễ dàng ghi điểm. Có nhiều kịch bản phỏng vấn bạn có thể tham khảo chúng trên internet, mạng xã hội.

- Tìm hiểu kỹ về công ty và vị trí công việc ứng tuyển: Khi phỏng vấn và trả lời phỏng vấn một cách để ghi điểm với nhà tuyển dụng đó là cho họ thấy bạn rất quan tâm tới công ty họ, vị trí công việc họ tuyển dụng. Còn gì tuyệt hơn khi trong buổi phỏng vấn đầu tiên bạn đã có thể đưa ra những góp ý, định hướng phát triển sản phẩm. Hãy tìm hiểu các thông tin về công ty, các sản phẩm và công việc họ yêu cầu, đây cũng là cách giúp bạn tự tin hơn khi phỏng vấn.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Thấy được mục đích, tầm quan trọng của phỏng vấn và trả lời phỏng vấn trong đời sống.

- Nắm được những yêu cầu cơ bản và cách thức thực hiện phỏng vấn cũng như trả lời phỏng vấn.

- Nhận diện và phân tích các nội dung, yeu cầu của trả lời phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.

- Thực hiện phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.

- Có thái độ tự tin và bình tĩnh trong mọi tình huống giao tiếp.

Ngày:11/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM