Ngữ cảnh Ngữ Văn 11

Nội dung bài học Ngữ cảnh sẽ giúp các em nắm được khái niệm ngữ cảnh trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ cùng với những nhân tố của nó. Đồng thời, các em sẽ biết nói và viết phù hợp với ngữ cảnh, có năng lực nhận thức và lĩnh hội được lời nói trong mối quan hệ với ngữ cảnh. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Ngữ cảnh Ngữ Văn 11

1. Khái niệm

1.1. Tìm hiểu ngữ liệu

Ngữ liệu: Nếu đột nhiên nghe được câu “Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ?”, ta sẽ hiểu như thế nào về những nội dung sau đây trong câu đó:

- Câu nói trên là của ai nói với ai? Đó là những người như thế nào và có quan hệ với nhau ra sao?

- Câu đó được nói ở đâu, lúc nào?

- Họ trong câu nói chỉ ai?

- “Chưa ra” là hoạt động như thế nào? Theo hướng từ đâu đến đâu?

- “Giờ muộn thế này” là nói đến khoảng thời gian nào?

Gợi ý trả lời:

- Của chị Tí - người bán hàng nước với người bạn nghèo của chị: chị em Liên; bác Siêu; bác Xẩm.

- Câu nói đó ở phố huyện lúc tối khi mọi người chờ khách.

- Câu nói đó diễn ra trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

=> Nếu đột nhiên nghe được câu nói như vậy, không biết bối cảnh sử dụng của nó thì không một ai có thể trả lời được những câu hỏi trên.

1.2. Kết luận

- Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ làm cơ sở cho việc sử dụng từ ngữ và tạo lập lời nói, đồng thời làm căn cứ để lĩnh hội thấu đáo lời nói.

- Mỗi câu đều được sản sinh ra trong một bối cảnh nhất định và chỉ được lĩnh hội đầy đủ, chính xác trong bối cảnh của nó. Bối cảnh đó chính là ngữ cảnh.

2. Các nhân tố của ngữ cảnh

2.1. Nhân vật giao tiếp

- Cùng với người nói (người viết) có thể có một hoặc nhiều người tham gia hoạt động giao tiếp, gọi chung là các nhân vật giao tiếp.

- Các nhân vật giao tiếp có quan hệ tương tác, đóng vai người nói (người viết), vai người nghe (người đọc).

- Quan hệ giữa các nhân vật giao tiếp, vị thế của họ so với nhau luôn luôn chi phối nội dung và hình thức của lời nói, câu văn.

2.2. Bối cảnh ngoài ngôn ngữ

- Bối cảnh giao tiếp rộng (còn gọi là bối cảnh văn hóa): Bối cảnh xã hội, lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, chính trị... ở bên ngoài ngôn ngữ.

- Bối cảnh giao tiếp hẹp (còn gọi là bối cảnh tình huống): Đó là thời gian, địa điểm cụ thể, tình huống cụ thể.

- Hiện thực được nói tới (gồm hiện thực bên ngoài và hiện thực bên trong của các nhân vật giao tiếp): Gồm các sự kiện, biến cố, sự việc, hoạt động... diễn ra trong thực tế và các trạng thái, tâm trạng, tình cảm của con người.

2.3. Văn cảnh

- Bao gốm tất cả các yếu tố ngôn ngữ cùng có mặt trong văn bản, đi trước hoặc sau một yếu tố ngôn ngữ nào đó. Văn cảnh có ở dạng ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói.

3. Vai trò của ngữ cảnh

- Đối với người nói (viết ) và quá trình tạo lập văn bản: Ngữ cảnh là cơ sở cho việc lựa chọn nội dung cách thức giao tiếp và phương tiện ngôn ngữ (từ, ngữ, câu...).

- Đối với người nghe (đọc ) và quá trình lĩnh hội văn bản: Ngữ cảnh là căn cứ để lĩnh hội, phân tích, đánh giá nội dung, hình thức của văn bản.

4. Luyện tập

Câu 1: Xác định hiện thực được nói tới trong hai câu thơ sau:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”.

(Kiều ở lầu Ngưng Bích – Nguyễn Du)

Gợi ý trả lời:

- Hai câu thơ gắn với ngữ cảnh giao tiếp cụ thể:

+ Trước lầu Ngưng Bích với không gian bao la rộng lớn.

+ Hiện thực con người cô đơn nhỏ bé trước không gian bao la, rộng lớn đó.

+ Câu thơ bộc lộ tâm sự của nhân vật trữ tình.

Câu 2: Trong lớp học mới, hai học sinh không quen biết nhau, một người hỏi: “Bạn có thể cho mình làm quen không?”. Trong ngữ cảnh đó câu hỏi cần được hiểu như thế nào? Nó nhằm mục đích gì?

Gợi ý trả lời:

- Bối cảnh giao tiếp diễn ra trong lớp học.

- Mục đích nhằm làm quen bạn mới.

Câu 3: Xem ngữ liệu bên dưới và hãy chỉ ra nhân vật giao tiếp, bối cảnh giao tiếp, hiện thực được đề cập đến.

- Trên đường đi siêu thị, Lan đã gặp Hương. Lan gọi Hương và nói: “Thật tình cờ, chúng ta có một cái áo giống nhau đấy”.

Hương cười và nói: “Tình cờ thật, tớ đang định đi chợ mua ít rau cho mẹ”.

Gợi ý trả lời:

- Nhân vật giao tiếp: Hai người bạn (Lan và Hương).

- Bối cảnh giao tiếp: Trên đường đi siêu thị.

- Hiện thực được đề cập đến chính là hai cái áo giống nhau chứ không phải vấn đề đi siêu thị.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài nay, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được khái niệm và các yếu tố của ngữ cảnh trong hoạt động giao tiếp.

- Rèn kỹ năng nói và viết phù hợp với ngữ cảnh, đồng thời có khả năng lĩnh hội chính xác nội dung, mục đích của lời nói trong mối quan hệ với ngữ cảnh.

Ngày:18/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM