Ôn tập văn học trung đại Việt Nam

Bài học "Ôn tập văn học trung đại Việt Nam" sẽ giúp các em hệ thống được những kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam trung đại đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 11. Từ đó, giúp các em nâng cao năng lực đọc hiểu văn bản văn học và phân tích được văn bản văn học. Mời các em cùng tham khảo!

Ôn tập văn học trung đại Việt Nam

1. Nội dung

1.1. Biểu hiện của nội dung yêu nước trong văn học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX:

Câu hỏi: Những biểu hiện của nội dung yêu nước trong văn học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX? So với các giai đoạn trước, nội dung yêu nước trong văn học giai đoạn này có biểu hiện gì mới?

a. Biểu hiện của nội dung yêu nước trong tác phẩm “chạy giặc”, “văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (Nguyễn Đình Chiểu)

- “Chạy giặc”: Lòng căm thù giặc, nỗi xót xa trước cảnh giặc tàn phá đất nước, giết hại đồng bào mình.

- “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”: sự biết ơn với những người đã hi sinh vì tổ quốc.

b. Biểu hiện của nội dung yêu nước trong tác phẩm “Xin lập khoa luật” (trích Tế cấp bát điều của Nguyễn Trường Tộ): Có ý thức trong việc canh tân đất nước.

c. Biểu hiện của nội dung yêu nước trong tác phẩm bài ca phong cảnh Hương Sơn (Chu Mạnh Trinh): ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, qua đó thể hiện lòng tự hào về quê hương mình.

d. Biểu hiện của  nội dung yêu nước trong tác phẩm “câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến: Nguyễn Khuyến thể hiện lòng yêu nước thầm kín, sâu sắc trong tác phẩm qua việc tác giả miêu tả cảnh đẹp của quê hương đất nước. Đó là con người nặng lòng với thời cuộc, với chuyện nước, chuyện dân.

e. Biểu hiện của nội dung yêu nước trong tác phẩm “Vịnh khoa thi Hương” (Trần Tế Xương): Thể hiện lòng căm thù giặc sâu sắc.

1.2. Trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX

Câu hỏi: Theo anh (chị), vì sao có thể nói trong văn học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX xuất hiện trào lưu nhân đạo chủ nghĩa? Hãy chỉ ra những biểu hiện phong phú, đa dạng của nội dung nhân đạo trong giai đoạn văn học này. Anh (chị) hãy cho biết: Vấn đề cơ bản nhất của nội dung nhân đạo trong văn học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX là gì?

Gợi ý trả lời:

- Văn học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX xuất hiện trào lưu nhân đạo chủ nghĩa vì: Tác phẩm mang tính nhân đạo xuất hiện với tần số rất nhiều, liên tiếp tâp trung vào các vấn đề con người, cảm thông cho những con người có số phận bất hạnh,

- Những biểu hiện phong phú, đa dạng của nội dung nhân đạo trong giai đoạn này là:

+ Sự cảm thông cho số phận bất hạnh của con người và trân trọng những khát vọng của con người.

+ Đề cao truyền thống đạo lí nhân nghĩa của dân tộc.

+ Ca ngợi, trân trọng tài năng, nhân phẩm tốt đẹp của con người, lên án những thế lực chà đạp, xúc phạm nhân phẩm của con người.

- Vấn đề cơ bản nhất của nội dung nhân đạo trong văn học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX là: Khẳng định quyền sống con người, trân trọng đề cao những tài năng, phẩm chất tốt đẹp của con người, đề cao truyền thống đạo lí và vươn tới khẳng định con người cá nhân. Có thể thấy qua các tác phẩm như: Truyện Kiều (Nguyễn Du), trích đoạn Chinh phụ ngâm (bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm, thơ hồ Xuân Hương, trích đoạn truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), các bài thơ bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ), thương vợ (Trần Tế Xương), khóc dương khuê (Nguyễn Khuyến):

+ Truyện Kiều (Nguyễn Du): đề cao con người của tình yêu (tình yêu của Thúy Kiều với Kim Trọng), đó là biểu hiện của việc khẳng định con người cá nhân.

+ Chinh phụ ngâm (Đoàn Thị Điểm): con người cá nhân nổi bật lên với nỗi sợ tuổi trẻ  sẽ nhanh chóng đi qua, mà người chinh phu mãi đi không biết khi nào trở về.

+ Thơ hồ Xuân Hương: Đó là con người cá nhân, khao khát sống, khao khát tình yêu, dám mạnh mẽ nói lên tiếng nói của bản thân.

+ Trích đoạn truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu): Con người đề cao truyền thống đạo lí nho gia, đề cao tinh thần nghĩa hiệp.

+ Các bài thơ bài ca ngất ngưỡng (Nguyễn Công Trứ): con người công danh, mang khát vọng lớn lao.

+ Thương vợ (Trần Tế Xương): con người khẳng định mình.

+ Khóc dương khuê (Nguyễn Khuyến): con người cá nhân.

1.3. Phân tích giá trị phản ánh và phê phán hiện thực của đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” (Trích Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác):

- Đoạn trích vào phủ chúa Trịnh thể hiện bức tranh cuộc sống hiện thực trong phủ giàu sang, xa hoa, nhưng đó là cuộc sống thiếu sinh khí, chỉ toàn quan lại ăn chơi, hưởng thụ:

+ Phủ chúa cực kì giàu sang và hết sức xa hoa, giàu sang từ nơi ở đến tiện nghi, xa hoa từ vật dụng đến đồ ăn thức uống.

+ Uy quyền nơi phủ chúa thể hiện bởi những lời quát tháo, dọa nạt, những tiếng dạ ran của những con người uy quyền và những người khúm núm, sợ sệt.

+ Cuộc sống nơi phủ chúa rất âm u, thiếu sức sống, chỉ có ăn chơi xa hoa.

+ Phê phán hiện thực xã hội xấu xa, con người cậy quyền, cậy thế, quan lại ăn chơi sa đọa, không chăm lo đến đời sống nhân dân.

1.4. Giá trị nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

Câu hỏi: Những giá trị nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu? Tại sao có thể nói, với “văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, lần đầu tiên trong văn học dan tộc có một tượng đài bi tráng và bất tử về người nông dân nghĩa sĩ?

Gợi ý trả lời:

* Về nội dung:

- Đề cao đạo lí nhân nghĩa qua truyện Lục Vân Tiên.

- Thể hiện lòng yêu nước qua bài “văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.

* Về nghệ thuật:

- Màu sắc Nam Bộ qua ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật.

- Bút pháp trữ tình.

- Hình tượng bi tráng về người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc.

- Yếu tố bi được gợi lên từ cuộc sống lam lũ, cực nhọc của những chiến chiến, tiếng gào khóc của người sống dành cho người chết nơi chiến trường.

- Yếu tố tráng thể hiện qua lòng căm thù giặc, hành động quả cảm, ngợi ca những người anh hùng đã dũng cảm hi sinh.

2. Phương pháp

2.1. Lập bảng tổng kết về tác giả, tác phẩm văn học trung đại Việt nam trong chương trình lớp 11:

- Lê Hữu Trác:

+ Tên tác phẩm: Vào phủ chúa Trịnh

+ Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật:

  • Nội dung: Bức tranh sinh động về cuộc sống xa hoa, quyền quý của phủ chúa Trịnh, đồng thời cũng bộc lộ thái độ coi thường danh lợi.
  • Nghệ thuật: Ngôn ngữ chân thật, sắc sảo.

- Hồ Xuân Hương:

+ Tên tác phẩm: Tự tình bài (II)

+ Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật:

  •  Nội dung: Thể hiện tâm trạng của Hồ Xuân Hương vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Qua đó cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương.

  • Nghệ thuật: Sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng độc đáo.

- Nguyễn Khuyến:

+ Tên tác phẩm: Câu cá mùa thu

+ Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật:

  • Nội dung: Thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tâm trạng thời thế của tác giả.
  • Nghệ thuật: Gợi tả tinh tế và đăch sắc về cảnh mùa thu đồng bằng Bắc Bộ.

- Tú Xương:

+ Tên tác phẩm: Thương vợ

+ Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật:

  • Nội dung: Tình cảm yêu thương, quý trọng, tác giả đã ghi lại được hình ảnh người vợ tảo tần, giàu đức hi sinh.
  • Nghệ thuật: lời thơ giản dị mà sâu sắc.

- Nguyễn Công Trứ:

+ Tên tác phẩm: Bài ca ngất ngưỡng

+ Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật:

  • Nội dung: Thể hiện bản lĩnh cá nhân trong cuộc sống.
  •  Nghệ thuật: Tác giả đã sử dụng thành công thể loại hát nói tổng hợp giữa ca nhạc và thơ.

- Cao Bá Quát:

+ Tên tác phẩm: Bài ca ngắn đi trên bãi cát

+ Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật:

  •  Nội dung: Biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức đối với con đường danh lợi tầm thường đương thời và niềm khao khát thay đổi cuộc sống.
  • Nghệ thuật: Nhịp điệu thơ góp phần diễn tả thành công những cung bậc cảm xúc, suy tư của nhân vật trữ tình.

- Nguyễn Đình Chiểu:

+ Tên tác phẩm: Lỡ ghét thương

+ Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật:

  • Nội dung: Nói lên những tình cảm yêu mến rất phân minh, mãnh liệt và tấm lòng thương dân sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu.
  • Nghệ thuật: Lời thơ mộc mạc, chân thật.

- Nguyễn Đình Chiểu:

+ Tên tác phẩm: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

+ Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật:

  •  Nội dung: Ca ngợi, trân trọng những người anh hùng dũng cảm đã hi sinh vì đất nước.
  • Nghệ thuật: Mang đậm sắc thái Nam Bộ. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và tính hiện thực, ngôn ngữ bình dị, trong sáng, sinh động

- Ngô Thì Nhậm:

+ Tên tác phẩm: Chiếu cầu hiền

+ Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật:

  • Nội dung: Thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn nhằm động viên trí thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nước.
  •  Nghệ thuật: Nghệ thuật thuyết phục đặc sắc.

2.2. Một số đặc điểm của văn học trung đại:

a. Tư duy nghệ thuật: thường nghĩ theo kiểu mẫu nghệ thuật có sẳn đã thành công thức.

b. Quan niệm thẩm mỹ: hướng về cái đẹp trong quá khứ, thiên về cái cao cả, tao nhã, ưa sử dụng những điển tích, điển cố, những thi liệu Hán học.

c. Bút pháp nghệ thuật: thiên về bút pháp ước lệ, tượng trưng.

d. Thể loại:

- Về luật có 2 loại:

+ Thất ngôn bát cú Đường luật làm theo luật trắc.

+ Thất ngôn bát cú Đường luật làm theo luật bằng.

- Về bố cục:

+ 2 câu đề

+ 2 câu thực

+ 2 câu luận

+ 2 câu kết

3. Luyện tập

Câu 1: Bút pháp tượng trưng được thể hiện như thế nào trong bài “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” của Cao Bá Quát?

Gợi ý trả lời:

Bãi cát là hình ảnh tượng trưng cho con đường danh lợi nhọc nhằn, gian khổ. Những người đi trên bãi cát là những người hướng đến công danh, quyết tâm thành công. Do đó, Cao Bá Quát sử dụng bút pháp tượng trưng thành công trong tác phẩm của mình.

Câu 2:  Qua tác phẩm "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu em có suy nghĩ gì về việc đề cao truyền thống đạo lí trong văn học trung đại?

Gợi ý trả lời:

Hành động cứu Kiều Nguyệt Nga là hành động trượng nghĩa của một đấng nam nhi, tinh thần dũng cảm, đó chính là truyền thống đạo lí nho gia từ xưa đến nay đều được coi trọng. Bên cạnh đó với hai câu thơ:

"Khoan khoan ngồi đó chớ ra

Nàng là phận gái, ta là phận trai"

Đã đề cao truyền thống đạo lí nho gia xưa, trai gái thụ thụ bất thân.

4. Kết luận

Sau bài học này, các em cần:

- Nắm lại một cách hệ thống những kiến thức cơ bản về văn học trung đại Việt Nam đã học chương trình Ngữ văn lớp 11.

- Có năng lực đọc hiểu văn bản văn học, phân tích văn học theo từng cấp độ: sự kiện, tác giả, tác phẩm, hình tượng, ngôn ngữ văn học.

Ngày:17/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM