Thao tác lập luận so sánh

Bài học "Thao tác lập luận so sánh" sẽ giúp các em hiểu rõ vai trò của thao tác lập luận so sánh. Từ đó, các em sẽ biết vận dụng thao tác lập luận so sánh khi viết một đoạn văn, bài văn nghị luận. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Thao tác lập luận so sánh

1. Khái niệm so sánh

- So sánh là đối chiếu 2 sự vật, hiện tượng, để thấy được sự giống và khác nhau giữa 2 sự vật, hiện tượng ấy.

- Có 2 kiểu so sánh: Tương đồng ( chỉ ra những nét giống nhau) và tương phản (chỉ ra những nét khác nhau).

2. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận so sánh

Tìm hiểu ngữ liệu:

- Đọc đoạn trích sau và trả lời những câu hỏi nêu ở dưới:

Yêu người, đó là một truyền thống cũ. “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc” đã nói đến con người. Nhưng dù sao cũng là mới bàn đến một hạng người. Với “Kiều”, Nguyễn Du đã nói đến cả xã hội người. Với Chiêu hồn thì cả loài người được bàn đến…Chiêu hồn con người trong cái chết. Chiêu hồn con người trong từng giới, từng loài, “mười loài là những loài nào” với những nét cộng đồng phổ biến, điển hình của từng loài một.
Tôi muốn nói đến bài văn “Chiêu hồn”, một tác phẩm có một không hai trong nền văn học chúng ta. ( Nghĩ mà xem, trước Chiêu hồn chưa có bài văn nào đem cái “run rẩy mới” ấy vào văn học. Sau Chiêu hồn, lại càng không.) Nếu Truyện Kiều nâng cao lịch sử thơ ca, thì “Chiêu hồn” đã mở rộng địa dư của nó qua một vùng xưa nay ít ai động tới: cõi chết.

(TT Chế Lan Viên, tập 2)

Câu 1: Xác định đối tượng được so sánh và đối tượng so sánh.

Gợi ý trả lời:

Đối tượng được so sánh: văn chiêu hồn. Đối tượng so sánh: Chinh phụ ngâm, cung oán ngâm và truyện Kiều.

Câu 2: Phân tích những điểm giống và khác nhau giữa đối tượng được so sánh và đối tượng so sánh.

Gợi ý trả lời:

Điểm giống và khác nhau giữa những đối tượng so sánh:

- Giống nhau: Đều nói về con người.

- Khác nhau:

+ Chinh phụ ngâm, cung oán ngâm, truyện Kiều: Bàn về con người ở cõi sống.

+ Văn chiêu hồn: Bàn về con người ở cõi chết.

Câu 3: Phân tích mục đích so sánh trong đoạn trích.

Gợi ý trả lời:

- Nhận định: yêu thương con người là một truyền thống cũ.

- Chinh phụ ngâm và cung oán ngâm nói về một lớp người.

- Truyện Kiều nói về một xã hội người.

- Văn chiêu hồn: cả loài người được nói đến (người sống và người chết).

Câu 4: Từ những nhận xét trên, hãy cho biết mục đích và yêu cầu của thao tác lập luận so sánh.

Gợi ý trả lời:

- Mục đích: Phải làm sáng rõ đối tượng đang nghiên cứu trong tương quan với đối tượng khác. So sánh đúng làm cho bài văn nghị luận sáng rõ, cụ thể, sinh động và có sức thuyết phục.

- Yêu cầu: Khi so sánh, phải đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí mới thấy được sự giống nhau và khác nhau giữa chúng, đồng thời phải nêu rõ ý kiến, quan điểm của người nói (người viết).

3. Cách so sánh

- Đọc đoạn trích sau và trả lời những câu hỏi nêu ở dưới:

Làm sao trong đêm tối ngày xưa đó, Ngô Tất Tố đã mò ra được những thực tế đó và trong đêm tối ông đã lụi hụi thắp được bó hương mà tự soi đường cho nhân vật mình đi? Lúc đó không phải là không ai nói về làng xóm dân cày, nhưng người ta nói năng khác ông, người ta bàn cải lương hơi ấm, người ta xoa xoa mà ngư ngư tiều tiều canh canh mục mục..."

(Theo Nguyễn Tuân toàn tập, tập V, Sđd)

Câu 1: Nguyễn Tuân đã so sánh quan niệm "soi đường" của Ngô Tất Tố trong "Tắt đèn" với quan niệm nào?

Gợi ý trả lời:

Nguyễn Tuân đã so sánh quan niệm “soi đường” của Ngô Tất Tố trong “Tắt đèn” với những quan niệm sau:

+ Quan niệm của những người chủ trương cải lương hương ẩm: cho rằng chỉ cần bài trừ hủ tục thì cuộc sống nhân dân được nâng cao.

+ Quan niệm của những người hoài cổ: chỉ cần trở về cuộc sống đơn thuần chất phác, trong sạch như xưa thì cuộc sống của nhân dân được cải thiện.

Câu 2: Căn cứ để so sánh những quan niệm "soi đường" trên là gì?

Gợi ý trả lời:

- Căn cứ để so sánh những quan niệm “soi đường” trên: Dựa vào sự phát triển tính cách của nhân vật trong “Tắt đèn” với sự phát triển tính cách trong những tác phẩm khác cũng viết về nông thôn thời kì trên nhưng dựa theo hai quan niệm trên.

Câu 3: Mục đích của sự so sánh đó?

Gợi ý trả lời:

- Mục đích của sự so sánh: Chỉ ra sự sai lầm của hai quan niệm trên để chỉ rằng quan niệm của Ngô Tất Tố là đúng: Người nông dân phải đứng lên chống lại những kẻ áp bức và bóc lột mình.

Câu 4: Lấy dẫn chứng từ những đoạn trích đã nêu để làm rõ đối tượng được so sánh.

Gợi ý trả lời:

- Lấy dẫn chứng từ những đoạn trích đã nêu để làm rõ đối tượng so sánh:

+ Đoạn trích tập trung so sánh chỉ con đường mà người nông dân phải đi trước 1945.

+ Dẫn chứng: “Còn Ngô Tất Tố thì xui người nông dân nổi loạn. Cái cách viết lách như thế, cái cách dựng chuyện như thế, không là phát động quần chúng chống quan Tây, chống vua ta thì còn là cái gì nữa!”.

4. Luyện tập

Câu 1: Đọc đoạn trích sau và trả lời những câu hỏi nêu ở dưới:

Văn học dân gian rất phong phú và đa dạng, nó có nhiều mặt vượt trội hơn văn học viết. Nếu như văn học viết là sáng tác của những người trí thức thì văn học dân gian là sáng tác của những người dân lao động. Sản phẩm của văn học dân gian được tạo nên từ nhiều người mà hợp thành, sản phẩm của văn học viết đa số mang tính cá nhân. Văn học dân gian ra đời rất lâu, sau đó văn học viết mới ra đời. Chính vì thế, văn học dân gian nó được đề cao về lượng bài phong phú, dồi dào.

1. Trong đoạn trích, tác giả đã so sánh nội dung gì?

2. Từ sự so sánh đó, có thể rút ra kết luận gì?

3. Sức thuyết phục của đoạn trích.

Gợi ý trả lời:

1. Trong đoạn trích, tác giả đã so sánh giữa văn học dân gian và văn học viết.

2. Từ sự so sánh trên rút ra được tác giả khẳng định văn học dân gian vô cùng phong phú và đa dạng.

3.  Đoạn trích có sức thuyết phục bởi tác giả đã chỉ ra được những dẫn chứng cụ thể như đối tượng sáng tác, sự ra đời của văn học dân gian lâu hơn văn học viết.

Câu 2: Bằng thao tác lập luận so sánh, em hãy chứng minh "truyện Kiều" của Nguyễn Du mang nét cách tân hơn "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân.

Gợi ý trả lời:

- Nhân vật Thúy Kiều của "Kim Vân Kiều Truyện": Là người con gái cầm - kì - thi - họa, công - dung - ngôn - hạnh. Nhân vật Thúy Kiều của "truyện Kiều" là người con gái cũng cầm - kì - thi - họa, công - dung - ngôn - hạnh nhưng đôi khi lại vượt qua lễ giáo phong kiến, hồng hạnh vượt tường sang nhà Kim Trọng uống rượu thề nguyền.

- Tình yêu của nhân vật Thúy Kiều được tự do và mạnh mẽ bộc lộ, thể hiện hạnh phúc lứa đôi một cách đầy táo bạo.

5. Kết luận

Sau bài học này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu rõ vai trò của thao tác lập luận so sánh.

- Biết vận dụng thao tác lập luận so sánh khi viết một đoạn văn, bài văn nghị luận.

Ngày:17/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM