Phong cách ngôn ngữ báo chí (tiếp theo) Ngữ văn 11

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ báo chí. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích được các văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí. Chúc các em học tập thật tốt!

Phong cách ngôn ngữ báo chí (tiếp theo) Ngữ văn 11

1. Các phương tiện diễn đạt của ngôn ngữ báo chí

a. Về từ vựng

- Từ vựng trong ngôn ngữ báo chí hết sức hong phú và đa dạng và có thể nói ở mỗi phạm vi phản ánh, mỗi thể loại báo chí thường có một mảng từ vựng chuyên dùng, mang những nét đặc trưng riêng:

+ Tin tức: Thường dùng các danh từ chỉ tên riêng, địa danh, thời gian, sự kiện...

+ Phóng sự: Thường dùng các động từ, tính từ, miêu tả hoạt động, trạng thái, tính chất của sự vật, sự việc...

+ Bình luận: Thường sử dụng các thuật ngữ chuyên môn, chính trị, kinh tế...

+ Tiểu phẩm: Thường sử dụng các từ ngữ dân dã, hóm hỉnh, đa nghĩa...các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa để so sánh, đối chiếu...

b. Về ngữ pháp

- Ngữ pháp trong phong cách ngôn ngữ báo chí thường rất phong phú, tồn tại ở nhiều dạng.

- Câu văn trong ngôn ngữ báo chí rất đa dạng nhưng thường ngắn gọn, sáng sủa, mạch lạc để đảm bảo thông tin chính xác.

- Có thể viết câu ngắn như trong tin vắn, có thể viết câu dài với những kết cấu phức hợp như trong phóng sự, nhưng cũng có những câu gần với lời nói hằng ngày như trong tiểu phẩm.

c. Về các biện pháp tu từ

- Ngôn ngữ báo chí không hạn chế các biện pháp tu từ từ vựng và cú pháp. Trong báo chí, ta thấy không ít những hình ảnh ví von, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ,... Những biện pháp tu từ này nhằm vào việc diễn đạt chính xác, có hình ảnh và nhạc điệu thích hợp với từng nội dung và thể loại.

- Ở báo nói, ngôn ngữ báo chí đòi hỏi phát âm rõ ràng, khúc chiết; Ở báo viết thì chú ý đến khổ chữ, kiểu chữ phối hợp với màu sắc, hình ảnh,... để tạo nên những điểm nhấn trong thông tin.

=> Các phương tiện diễn đạt nói trên thể hiện đặc điểm ngôn ngữ báo chí rõ nét và góp phần tạo nên một phong cách độc lập - phong cách ngôn ngữ báo chí.

2. Đặc trưng của ngôn ngữ báo chí

Ngôn ngữ báo chí có ba đặc trưng như sau:

- Tính thông tin thời sự:

+ Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ cung cấp thông tin thời sự mới nhất hàng ngày trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội.

+ Để đảm bảo chất lượng thông tin, ngôn ngữ phải chính xác, nhất là những thông tin về địa điểm, thời gian, nhân vật, sự kiện,...

- Tính ngắn gọn:

+ Đặc trưng hàng đầu của ngôn ngữ báo chí. Ngắn gọn nhưng phải đảm bảo lương thông tin cao và có tính hàm súc.

+ Văn báo chí là lối văn ngắn gọn, lượng thông tin cao. Tiêu biểu cho sự ngắn gọn chính là bản tin, đặc biệt là loại tin vắn, tin nhanh, quảng cáo,...

+ Phóng sự có thể viết dài hơn nhưng cũng không dài quá ba trang báo, trừ những trường hợp đặc biệt.

- Tính sinh động, hấp dẫn:

+ Thể hiện ở nội dung thông tin mới mẻ, cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, và khả năng kích thích sự suy nghĩ tìm tòi của bạn đọc.

+ Thể hiện ở cách đặt tiêu đề cho bài báo.

=> Ba đặc trưng trên thường được thể hiện bằng những phương tiện diễn đạt trong ngôn ngữ báo chí.

3. Luyện tập

Câu 1: Theo em, để viết một bản tin ngắn nói về một tai nạn giao thông kinh hoàng, cần có những yếu tố gì?

Gợi ý trả lời:

- Thời gian xảy ra tai nạn.

- Địa điểm nơi xảy ra tai nạn.

- Sự kiện: chú ý sự kiện nổi bật (loại xe va chạm, người bị thương và người chết,...).

- Ý kiến ngắn về sự kiện. Tin ngắn có những yêu cầu là: nội dung chính xác, khách quan và ngắn gọn, nhưng vẫn có đầy đủ thông tin cần thiết. Tin tức không cho phép bịa đặt, hư cấu, tô hồng hoặc bôi đen, thậm chí người viết phải kiểm tra kĩ nguồn tin trước khi viết. Tránh cách viết dài dòng, hoặc thiếu thông tin gây bất lợi cho người đọc.

Câu 2: Phân tích những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ báo chí thể hiện qua bản tin sau:

Sáng 4 - 10, lực lượng chức năng TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đã xử lý xong hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn giữa xe tải và xe khách làm tài xế bị thương nặng, hành khách trên xe khách một phen hoảng loạn.

Theo thông tin ban đầu, hơn 4 giờ rạng sáng cùng ngày, nam tài xế xe tải chở hải sản biển số Đồng Nai lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1, hướng TP Biên Hoà đi Dầu Giây. Khi tới gần khu vực bệnh viện Thánh Tâm, xe tải chạy tốc độ cao bất ngờ tông trực diện vào xe khách biển số TP HCM đi chiều ngược lại.

May mắn, tài xế xe khách đánh lái tránh lệch qua phải nên cú tông giảm thiểu thương vong, hành khách trên xe một phen hoảng loạn.

Tại hiện trường, xe tải biến dạng phần đầu. Tài xế bị kẹt cứng trong cabin, phải mất nhiều thời gian người dân mới giải cứu được và đưa tới bệnh viện.

(Theo báo 24h - ngày 04 - 10 - 2020)

Gợi ý trả lời:

- Bản tin trên có tính thông tin thời sự bởi vì nó cập nhật, thông tin đến người đọc một tai nạn xe. Có địa điểm, thời gian cụ thể.

- Bản tin trên cũng có tính ngắn gọn, bởi vì lượng thông tin cao nhưng lối văn ngắn gọn vẫn chuyển tải đầy đủ những thông tin cần thiết cho bạn đọc.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được các phương tiện diễn đạt và các đặc trưng của ngôn ngữ báo chí.

- Bước đầu hình thành các kĩ năng viết một số thể loại báo chí đơn giản, gần gũi với các hoạt động trong nhà trường.

- Nhận diện một số thể loại báo chí chủ yếu.

- Nhận biết và phân tích những biểu hiện về đặc trưng của phong cách báo chí.

- Phân tích những đặc điểm của ngôn ngữ báo chí về từ ngữ, câu văn, biện pháp tu từ.

- Bước đầu viết một tin ngắn, một thông báo, một bài phỏng vấn đơn giản.

Ngày:05/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM