Luyện tập đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận Ngữ văn 8

eLib xin gửi đến các em bài học "Luyện tập đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận" nhằm giúp các em biết cách vận dụng những yếu tố biểu cảm một cách khoa học vào bài văn nghị luận của mình. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Luyện tập đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận Ngữ văn 8

1. Nội dung bài học

- Văn nghị luận rất cần yếu tố biểu cảm.

- Yếu tố biểu cảm giúp cho văn nghị luận có hiệu quả thuyết phục lớn vì nó tác động mạnh mẽ tới tình cảm của người đọc (người nghe).

- Để bài văn nghị luận có sức biểu cảm cao, cần có cảm xúc trước những điều mình viết (nói) và phải biết diễn tả cảm xúc đó bằng những từ ngữ, những câu văn có sức truyền cảm.

- Sự diễn tả cảm xúc cần phải chân thực và không được phá vỡ mạch lạc nghị luận của bài văn.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nghị luận về hiện tượng sống ảo của giới trẻ (trong đó có sử dụng yếu tố biểu cảm).

Gợi ý trả lời:

Thực trạng hiện nay cho thấy một bộ phận lớn giới trẻ hiện nay có thái độ sống ảo rất nhiều, những cách sống ảo này mang lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng và cần phải ngăn chặn kịp thời. Chẳng ai có thể lường trước những hậu quả khi một người sống quá ảo. Sống xa rời thực tế, họ ngại bắt chuyện với cộng đồng, lúc nào cũng bó mình nơi bốn bức tường với máy tính, smartphone có kết nối internet. Họ tìm đến những người xa lạ chưa gặp mặt bao giờ để trút bầu tâm sự. Điều đó không những đánh mất đi chính con người thật của họ mà còn là nguyên nhân gây nên chứng bệnh trầm cảm ở giới trẻ hiện nay. Thế giới ảo đầy rẫy những nút like, nút share, là thế giới mà con người kết bạn bốn phương nhưng nói chuyện để rồi quên mà chẳng bao giờ gặp gỡ. Thế giới của những tâm tư, tình cảm, thế giới của những điều huyễn hoặc mà khi con người đắm chìm vào sẽ rất khó để thoát ra, nó như có ma lực khiến con người mê mệt với các trang mạng xã hội. Nguyên nhân sâu xa hơn bắt nguồn từ chính bản thân mỗi người trẻ. Họ dễ bị cám dỗ, không làm chủ được mình, không có ý thức sắp xếp thời gian hợp lí, vì vậy vô tình để thế giới ảo điều khiển con người mình. Cuộc sống này ngắn ngủi lắm, chúng ta cần gấp máy tính lại, tắt màn hình để cũng tận hưởng không khí trong lành của cuộc sống thực, của tình người và của hạnh phúc.

Câu 2: Em hãy tìm hiểu ngữ liệu sau và chỉ ra yếu tố biểu cảm, nêu tác dụng của những yếu tố biểu cảm đó.

"Thuế máu" như một bản án tố cáo những tội ác của thực dân đã đàn áp, bóc lột nhân dân ta một cách tàn bạo, không xem nhân dân ta là người: Các bạn đã tấp nập đầu quân, các bạn đã không ngần ngại rời bỏ quê hương xiết bao trìu mến để người thì hiến xương máu của mình như lính khố đỏ, kẻ thì hiến dâng cánh tay lao động của mình như lính thợ.

Nếu quả thật người An Nam phấn khởi đi lính đến thế, tại sao lại có cảnh, tốp thì bị xích tay điệu về tỉnh lị, tốp thì trước khi xuống tàu, bị nhốt trong một trường trung học ở Sài Gòn, có lính Pháp canh gác, lưỡi lê tuốt trần, đạn lên nòng sẵn? Những cuộc biểu tình đổ máu ở Cao Miên, những vụ bạo động ở Sài Gòn, ở Biên Hoà và ở nhiều nơi khác nữa, phải chăng là những biểu hiện của lòng sốt sắng đầu quân “tấp nập” và “không ngần ngại”.

(Thuế máu - Nguyễn Ái Quốc)

Gợi ý trả lời:

- Trong văn bản "Thuế máu" trên của Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng rất nhiều những yếu tố biểu cảm như: "Tấp nập đầu quân,không ngần ngại, xiết bao trìu mến, hiến dâng, nếu quả thật, phấn khởi, lưỡi lê tuốt trần, sốt sắng, không ngần ngại".

- Tác dụng: Thể hiện sự tàn ác của bọn thực dân đối với nhân dân ta, chúng vô cùng mưu mô, xảo quyệt, bóc lột nhân dân ta đến cùng đường. Chúng bất chấp mọi thủ đoạn, mọi biện pháp tàn bạo, ghê tởm nhất để gom đủ số người cho cuộc chiến tranh vô nghĩa của chúng. Đồng thời cho thấy thái độ căm phẫn, tố cáo quyết liệt chống trả bọn chúng của nhân dân.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hệ thống được kiến thức về bài văn nghị luận, cách đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận.

- Rèn luyện kĩ năng xác định cảm xúc và biết cách diễn đạt cảm xúc đó trong bài văn nghị luận.

- Có ý thức sử dụng sử dụng yếu tố biểu cảm trong bài văn nghị luận.

Ngày:24/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM