Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh Ngữ văn 11

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em củng cố những kiến thức và kĩ năng cơ bản về các thao tác lập luận phân tích và so sánh. Từ đó, các em sẽ biết cách vận dụng kết hợp thao tác lập luận phân tích và so sánh trong bài văn nghị luận về một hiện tượng, một vấn đề gần gũi, quen thuộc trong đời sống hoặc trong văn học. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh Ngữ văn 11

1. Khái quát về các thao tác lập luận phân tích và so sánh

1.1. Thao tác lập luận so sánh

- Thao tác lập luận so sánh là một thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc là các mặt của một sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật hoặc một sự vật mà mình quan tâm.

- Hai sự vật cùng loại có nhiều điểm giống nhau thì gọi là so sánh tương đồng, có nhiều điểm đối chọi nhau thì gọi là so sánh tương phản.

- Tác dụng của lập luận so sánh là nhằm nhận thức nhanh chóng đặc điểm nổi bật của đối tượng và cùng lúc hiểu biết được hai hay nhiều đối tượng.

- Các bước so sánh:

+ Trước hết là cần xác định đối tượng nghị luận từ đó tìm một đối tượng tương đồng hay tương phản, hoặc cần so sánh hai đối tượng cùng lúc.

+ Chỉ ra những điểm giống nhau giữa các đối tượng.

+ Dựa vào nội dung cần tìm hiểu, chỉ ra điểm khác biệt giữa các đối tượng.

+ Xác định giá trị cụ thể của các đối tượng.

1.2. Thao tác lập luận phân tích

- Thao tác lập luận phân tích: là chia nhỏ đối tượng thành các yếu tố bộ phận để xem xét nội dung, hình thức và mối quan hệ bên trong cũng như bên ngoài của chúng. Rồi khái quát, phát hiện ra bản chất của chúng.

- Phân tích bao giờ cũng gắn liền với tổng hợp. Đó là bản chất của thao tác phân tích trong văn nghị luận.

- Mục đích thao tác lập luận phân tích: Mục đích của phân tích là làm rõ đặc điểm nội dung, hình thức, cấu trúc và các mối quan hệ bên trong, bên ngoài của đối tượng.

- Yêu cầu thao tác lập luận phân tích:

+ Xác định vấn đề phân tích.

+ Chia vấn đề thành những khía cạnh nhỏ (các yếu tố, phương diện cấu thành đối tượng, quan hệ giữa đối tượng với đối tượng khác...).

+ Khái quát tổng hợp (thái độ và đánh giá của người phân tích đối với đối tượng cần phân tích).

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết một đoạn văn có sử dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh.

Gợi ý trả lời:

Có thể nói, ngày nay, các mạng xã hội như: Facebook, Wechat… đã phủ sóng khắp toàn cầu. Có thể nói facebook chính là một thế giới vừa thực, mà cũng vừa ảo. Ở đó chúng ta dễ dàng tám chuyện, chém gió, nói chuyện phiếm với bạn bè và cũng có rất nhiều nổi tiếng đã được biết tới thông qua mạng lưới này. Chính vì vậy mà có rất nhiều bạn trẻ thường tìm đến nhằm giải tỏa căng thẳng, các bạn trẻ xem nó như một công cụ giải trí, và coi đây là hình thức giải trí tốt nhất, tốt hơn cả xem phim, đi chơi,... Họ mong muốn tìm những sự đồng cảm, và chia sẻ cảm xúc đối với những người xung quanh. Người ta vẫn đang sử dụng mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi, thậm chí bất cứ khi nào họ rảnh là lôi chiếc điện thoại ra lướt mạng như một thói quen mà phớt lờ sự thật: Mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Nó đem lại cho ta rất nhiều lợi ích nhưng cũng không ít tác hại.

Câu 2: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Thanh Tâm Tài Nhân nói đến Từ Hải trên bốn mươi trang giấy, Nguyễn Du chỉ nói trong mấy trang mười phần bỏ đi tám. Tuy thế, trong Nguyễn Du có những điều trong Thanh Tâm Tài Nhân không có. Những điều có thể gợi hình ảnh một vị anh hùng. Từ Hải cùng ở với Kiều năm tháng rồi biệt Kiều mà đi. Thanh Tâm Tài Nhân chỉ nói thế. Nguyễn Du kĩ hơn:

“Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương. Con người này quả không phải là người của một nhà, một họ, một xóm, hay một làng, con người này là của trời đất của bốn phương.

(Hoài Thanh, Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du: Từ Hải)

a. Đối tượng được so sánh trong đoạn trích trên là ai?

b. Đối tượng so sánh trong đoạn trích trên là ai?

c. Sự khác nhau giữa đối tượng được so sánh và đối tượng so sánh trong đoạn trích trên là gì?

d. Mục đích so sánh trong đoạn trích trên là gì?

Gợi ý trả lời:

a. Nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

b. Nhân vật Từ Hải trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

c. Nhân vật Từ Hải của Nguyễn Du có những điểm có thể gợi hình ảnh của một bậc anh hùng, còn nhân vật Từ Hải của Thanh Tâm Tài Nhân thì không.

d. Mục đích so sánh: làm sáng tỏ một điều: Nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều đã thể hiện tài năng sáng tạo của thiên tài Nguyễn Du.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Củng cố những kiến thức và kĩ năng về thao tác lập luận phân tích và so sánh.

- Bước đầu biết cách vận dụng kết hợp hai thao tác đó trong bài văn nghị luận.

- Nhận diện và phân tích vai trò của sự kết hợp thao tác phân tích và thao tác so sánh.

- Vận dụng kết hợp thao tác phân tích và so sánh trong việc tạo lập văn bản, bài văn nghị luận.

- Có ý thức rèn luyện để vận dụng tốt hai thao tác lập luận trên.

Ngày:04/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM