Tình yêu và thù hận (Trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét) Ngữ văn 11

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tình yêu cao đẹp, bất chấp thù hận giữa hai dòng họ của Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em phân tích được diễn biến tâm trạng nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại trong đoạn trích. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tình yêu và thù hận (Trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét) Ngữ văn 11

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- William Shakespeare (1564-1616) đã có một kiến thức rộng rãi về nhiều đề tài gồm cả Thánh Kinh, Luật Pháp, Chính Trị, Lịch Sử, Nghệ Thuật, Âm Nhạc, Thể Thao, Săn Bắn, Thủ Công…

- William Shakespeare đã viết ra 37 vở kịch, được chia thành 3 loại là hài kịch, lịch sử và bi kịch.

- Các ý tưởng của William Shakespeare về các vấn đề như tình yêu lãng mạn, tính anh hùng hay bản chất của bi kịch đã tạo ảnh hưởng tới thái độ của hàng triệu người.

- Các vở kịch, các bài thơ của William Shakespeare đã được in thành sách, dịch sang các ngôn ngữ khác nhau.

- Hàng ngàn học giả vẫn nghiên cứu các tác phẩm của William Shakespeare.

1.2. Tác phẩm

- Tóm tắt tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét: Câu chuyện tình yêu đau khổ, đầy xúc động của Rô-mê-ô và Giu-li-ét bắt đầu từ đêm dạ hội hoá trang do gia đình Ca-piu-lét tổ chức nhân dịp con gái họ là Giu-li-ét tròn 14 tuổi. Rô-mê-ô, con trai nhà Môn-ta-ghiu, đang buồn bã vì bị Rô-da-lin từ chối đã cùng các bạn hoá trang đi vào nhà Ca-piu-lét, mặc dù trước đó Rô-mê-ô đã có cuộc loạn đả với nhiều thành viên của dòng họ này. Tại đây, Giu-li-ét và Rô-mê-ô gặp nhau, tình yêu bốc lên mãnh liệt trong lòng. Đêm ấy, một đêm trăng sáng, Rô-mê-ô dám vượt tường lẻn vào vườn gia đình Ca-piu-lét để gặp người yêu. Rô-mê-ô và Giu-li-ét đã tình tự và thề nguyền. Sáng ngày hôm sau, họ nhờ tu sĩ Lâu-rân làm phép cưới bí mật. Lại xảy ra một chuyện kinh hoàng giữa hai dòng họ. Ti-bân, người anh họ Giu-li-ét đã giết chết Mơ-kiu-xi-ô, người nhà Môn-ta-ghiu. Rô-mê-ô đã giết chết Ti-bân để trả thù. Chàng phải đi đày tới thành Man-tua. Giu-li-ét vô cùng đau buồn. Gia đình Ca-piu-lét bắt Giu-li-ét phải kết duyên cùng Pa-rít, cháu của Vương chủ thành Vê-rô-na. Nàng giả vờ ưng thuận nhưng đã đến cầu cứu tu sĩ Lâu-rân, Tu sĩ đã đưa cho nàng một lọ thuốc ngủ có công hiệu 42 giờ; đồng thời cho người đi vội đến Man-tua mật báo cho Rô-mê-ô gấp trở về đưa người yêu đi trốn. Nhưng lúc bây giờ thành Man-tua đang bị bệnh dịch hạch hoành hành, người đưa tin đành quay về. Cùng lúc đó; Rô-mê-ô nhận tin báo Giu-li-ét đã chết. Chàng lập tức phi ngựa trở về, còn mang theo một lọ thuốc độc. Tại khu hầm mộ của gia đình Ca-piu-lét, Rô-mê-ô bất ngờ gặp Pa-rít. Hai người xông vào đánh nhau, Rô-mê-ô đã đâm chết Pa-rít. Tưởng người yêu đã chết, Rô-mê-ô uống thuốc độc tự tử. Khi Giu-li-ét hồi tỉnh, đau đớn nhìn thấy người yêu đã chết, nàng bèn lấy kiếm của Rô-mê-ô đâm vào mình tự sát. Trước cái chết bi thương ấy của cặp tình nhân, hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét nghe lời Vương chủ đã tự nguyện xoá đi mối thù truyền kiếp; dựng cho Rô-mê-ô và Giu-li-ét bức tượng bằng vàng.

- Mâu thuẫn cơ bản của vở kịchRô-mê-ô và Giu-li-ét: khát vọng yêu thương và hoàn cảnh thù địch vây hãm.

- Chủ đề: tình yêu và lòng chung thuỷ chiến thắng oán thù.

- Vị trí của đoạn trích "Tình yêu và thù hận": thuộc cảnh 2 hồi 2. Trong đêm hội hoá trang, Rô-mê-ô gặp Giu-li-ét và hai người đã yêu nhau say đắm…

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hình thức của các lời thoại

- Thời gian và hoàn cảnh: Trong vườn nhà Giu-li-ét lúc đêm khuya, có thể gây nguy hiểm cho cả hai người. Chàng đứng dưới nói vọng lên, còn nàng đứng trên nói xuống. Không gian không quá xa cách nhưng cũng không quá gần.

- Có tất cả 16 lời thoại.

- 6 lời thoại đầu, về hình thức là những lời thoại của từng người. Họ nói về nhau chứ không nói với nhau. Lời độc thoại nội tâm bày tỏ nỗi lòng suy nghĩ của nhân vật.

-> Vì là lời độc thoại nội tâm nên nó là lời bày tỏ tâm hồn, tình cảm của nhân vật một cách chân thành và chất chứa những cảm xúc yêu thương nồng thắm, tha thiết, ngôn ngữ rất phù hợp với tâm trạng phấn chấn, rạo rực chen lẫn bồn chồn của những người đang yêu. Tuy là lời độc thoại nội tâm nhưng không phải là cách phát ngôn đơn tuyến, một chiều mà trong độc thoại có tính chất đối thoại -> Tính đối thoại trong độc thoại ở đây làm cho lời thoại trở nên sinh động.

- Mười lời thoại sau là lời đối thoại thực sự, các nhân vật hướng vào nhau, nói với nhau, tính chất hỏi đáp đã xuất hiện.

2.2. Tình yêu trên nền thù hận

- Sự thù hận của hai dòng họ cứ ám ảnh cả hai người trong suốt cuộc gặp gỡ. Sự thù hận làm cho họ bối rối trong cuộc gặp gỡ chàng trai thì đang nói ghét cái tên của tôi, còn Giu-li-ét thì bối rối và lo lắng cho tình yêu của mình, chàng trai đã dứt khoát từ bỏ dòng họ của mình để đến với tình yêu chân chính, cả hai người đều bỏ qua những thù hận để bù đắp xây dựng tình yêu của mình. Dù lòng thù hận có lớn nhưng tình yêu của họ rất lớn lao họ vẫn rất quyết liệt để bù đắp cho tình yêu của mình. Thù hận không làm mất đi tình yêu đẹp của họ mà nó làm cho học có niềm tin về tình yêu hơn, sự hi sinh của họ thật vô cùng đáng quý tình yêu của họ là bất tử.

+ Rô-mê-ô: Tôi thù ghét cái tên tôi... Chẳng phải Rô-mê-ô cũng chẳng phải Môn-ta-ghiu... Từ nay tôi sẽ không bao giờ còn là Rô- mê- ô nữa...

+ Giu-li-ét: Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi, Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi . Nơi tử địa... họ mà bắt gặp anh...

- Nỗi ám ảnh thù hận xuất hiện ở Giu-li-ét nhiều hơn. Nàng lo lắng day dứt không chỉ cho mình mà còn cả người yêu.

- Thái độ Rô-mê-ô quyết liệt hơn, chàng sẵn sàng từ bỏ dòng họ mình để đến với tình yêu. Cái chàng sợ là không có được, không chiếm được tình yêu của Giu- li- ét, sợ nàng nhìn mình bằng ánh mắt của sự thù hận...

=> Cả hai đều nhắc đến thù hận song không phải để khơi dậy hay khoét sâu hận thù mà chỉ để vượt lên thù hận, bất chấp thù hận. Quyết tâm xây đắp tình yêu. Lòng thù hận không được xóa bỏ, nhưng tình yêu đang dần cảm hóa những lòng thù hận đó, nó đang xen vào tâm hồn những con người nơi đây và ấp ủ bao niềm tin và cả những hi vọng đang bừng cháy trong con người họ lòng thù hận khó xóa đi được, nó trở thành một sự giao tranh mà hai bên nhất định phải có một bên thắng và một bên thua nhưng tình yêu lớn lao của hai người đã vượt qua những cái gọi là trật tự để thắng được sự thù hận để đến được với nhau. Tình yêu thật lớn lao, nó có thể cảm hóa tất cả, và cả những cái gọi là khó khăn và gian nao nhất nó cũng có thể vượt qua.

2.3. Tâm trạng của Rô-mê-ô

- Tâm trạng của Rô-mê-ô được tác giả khắc họa qua không gian và thời gian hết sức đặc biệt. Đó là vào một đêm khuya, trăng sáng. Màn đêm thanh vắng với vầng trăng trên trời cao tạo chiều sâu cho sự bộc lộ tình cảm của đôi tình nhân -> Thiên nhiên được nhìn qua các điểm nhìn của chàng trai đang yêu do đó thiên nhiên là thiên nhiên hoà đồng, chở che, trân trọng.  

- Lời thoại đầu tiên đã thể hiện tầm say đắm của Rô-mê-ô trước nhan sắc người đẹp. Mạch suy nghĩ của chàng diễn ra theo trình tự hợp lí và mối liên tưởng, so sánh của chàng phù hợp với khung cảnh lúc bấy giờ.

- Trăng trở thành đối tượng để Rô-mê-ô so sánh với vẻ đẹp không sánh được của Giu- li-ét:

+ “Vừng dương” lúc bình minh.

+ Sự xuất hiện của “vừng dương” khiến “ả Hằng Nga” trở nên “héo hon”, nhợt nhạt...

+ “Nàng Giu-li-ét là mặt trời”.

- Mạch suy nghĩ của Rô-mê-ô hướng vào đôi mắt: “Đôi mắt nàng lên tiếng”. Đôi môi lấp lánh của Giu-li-ét cảm nhận như sự mấp máy của làn môi khi nói -> liên tưởng.

- “Hai ngôi sao đẹp nhất trên bầu trời” -> so sánh được đẩy lên cấp độ cao hơn bằng sự tự vấn “Nếu mắt nàng... thế nào nhỉ?”.

-> Khẳng định vẻ đẹp của đôi mắt, của các nét đẹp trên khuôn mặt… -> khát vọng yêu đương hết sức mãnh liệt “Kìa! Nàng tì má... gò má ấy!”.

- Cảm xúc của Rô-mê-ô là cảm xúc của một con người đang yêu và đang được tình yêu đáp lại, đây cũng là sự cộng hưởng kì lạ của những tâm hồn đang yêu...

=> Tâm trạng Rô-mê-ô khá đơn giản. Ta chỉ bắt gặp ở chàng tình yêu say đắm không chút đắn đo. Điều đó bộc lộ ngay từ lời thoại thứ nhất. Lời thoại thứ năm (nói riêng – Mình cứ im lặng hay là lên tiếng nhỉ”. Chẳng phải là dấu hiệu băn khoăn của chàng khi biết được nỗi lòng Giu-li-ét (lời thoại 4). Chàng có thể trả lời ngay, trả lời dứt khoát.

2.4. Tâm trạng của Giu-li-ét

- Giu-li-ét có tâm trạng đặc biệt sâu sắc, tác giả đã khắc họa tâm trạng của nàng rất phức tạp. Vừa gặp Rô-mê-ô tại buổi dạ hội, bây giờ về phòng, đứng bên cửa số nhìn ra vườn trong đêm thanh vắng, tướng không có ai, nàng đã thốt lên thành tiếng nỗi niềm riêng. Những lời trực tiếp thổ lộ tình yêu mãnh liệt không chút che giấu, không chút ngượng ngùng (các lời thoại 4, 6). Qua mấy lời thoại ấy, kể cả hai tiếng “ôi chao” (lời thoại 2), ta thấy Giu-li-ét tuy chưa đầy 15 tuổi mà rất chín chắn, cảm nhận được mối tình của mình có thề sẽ vấp phải trở ngại là thù hận giữa hai dòng họ.

-> Tình yêu mãnh liệt không chút che dấu, không chút ngượng ngùng, suy nghĩ chín chắn, cảm nhận được mối tình có thể sẻ trở ngại bởi sự thù hận của hai dòng họ.

- Lời đối thoại với Rô-mê-ô:

+ Anh tới đây bằng cách nào và tới đây làm gì? Câu hỏi để giải toả băn khoăn vì chưa thật tin vào tình yêu mới bất ngờ của chàng.

+ Anh làm cách nào tới được chốn này...người nhà em bắt gặp nơi đây. Câu hỏi hướng tới Rô-mê-ô cũng là để thể hiện nỗi lo lắng giằng xé tâm can Giu-li-ét. Liệu tình yêu của Rô-mê-ô có đủ sức mạnh để vượt qua bức tường rào hữu hình ở gia đình Ca-pu-lét hay không? Tình yêu của chàng có đủ sức mạnh vượt qua bức tường thù hận ở hai gia đình hay không?

+ Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi đây tế nhị chấp nhận tình yêu của Rô-mê-ô, trái tim nàng đã hoàn toàn hướng về Rô-mê-ô.

=> Qua ngôn ngữ sống động và đầy chất thơ nhà văn đã thể hiện được diễn biến nội tâm đầy phức tạp nhưng phù hợp với tâm trạng của người đang yêu. Thể hiện một tình yêu mãnh liệt trong trắng vượt lên trên sự hận thù truyền kiếp của hai dòng họ.

2.5. Tình yêu bất chấp thù hận

- Tác giả đã xây dựng hai nhân vật Rô-mê-ô và Giu-li-ét là hai con người đứng giữa thù hận của dòng họ, nhưng qua những lời đối thoại của họ thì chúng ta thấy rất rõ không có mâu thuẫn gì, người đọc không thấy có bất kì một xung đột nào giữa hai nhân vật, chỉ có tình yêu nồng nàn giữa hai trái tim tri kỉ. Xung đột đến từ phía Juliet trong tâm trạng nàng khi phải đưa ra quyết định: tình yêu hay gia tộc. Cái dai dẳng và khủng khiếp của sự hận thù hiện lên rõ ràng trong dòng tâm trạng của Juliet, nhưng đến cùng, tình yêu của hai phía đã vượt lên tất cả, mối tình thời đại, mối tình bất tử. Những lễ giáo đã trói buộc con người quá lâu đã đến lúc cần được phá hủy và bài trừ, như kết thúc của tác phẩm, khi bị kịch rơi vào đường cùng thì mối thù kia cũng được xóa bỏ, chỉ là, cái giá phải đánh đổi quá đắt, quá bi thương.

- Thù hận không xuất hiện như một thế lực cản trở tình yêu mà thù hận chỉ hiện qua dòng suy nghĩ của các nhân vật, song không phải là động lực chi phối hành động của nhân vật.

- Tình yêu trong sáng diễn ra trên cái nền của thù hận. thù hận bị đẫy lùi chỉ còn lại tình đời tình người bao la, phù hợp với lí tưởng nhân văn.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Khẳng định vẻ đẹp của tình người, tình đời theo lí tưởng của chủ nghĩa nhân văn thông qua sự chiến thắng của tình yêu chan chính và mãnh liệt đối với những thù hận dòng tộc.

- Về nghệ thuật:

+ Miêu tả diễn tâm lí và diễn biến tâm lí nhân vật.

+ Ngôn ngữ độc thoại và đối thoại thể hiện sự phát triển của xung đột nhân vật.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về đoạn trích "Tình yêu và thù hận".

Gợi ý trả lời:

Sau khi tìm hiểu đoạn trích "Tình yêu và thù hận" chúng ta có thể thấy đây là đoạn trích để lại nhiều ấn tượng cho người đọc thông qua mười sáu lời thoại, vấn đề “Tình yêu và thù hận” đã được giải quyết. Khát vọng tình yêu luôn cháy bỏng trong tim nhưng không phải ai cũng dũng mãnh đưa tình yêu vượt qua mọi rào cản. Sức mạnh đó phải cộng hưởng của hai trái tim yêu và Rô-mê-ô và Giu-li-ét đã cho ta thấy rõ sức mạnh của sự cộng hưởng ấy. Họ đã đưa tình yêu vượt lên trên thù hận, rào cản, khiến tình yêu thăng hoa và bất tử. Với khả năng khai thác dòng chảy cảm xúc nhân vật, để nhân vật bộc lộ tính cách qua chính lời nói và hành động cùng những nút thắt mở linh hoạt, Shakespeare đã khẳng định sự chiến thắng của tình người, gửi vào tác phẩm một thông điệp đi trước thời đại về mỗi khát vọng tự do của nhân loại.

Câu 2: Em hãy khái quát về cuộc chạm mặt trực tiếp để bày tỏ tình cảm giữa Rô-mê-ô và Giu-li-ét.

Gợi ý trả lời:

- Cuộc chạm mặt trực tiếp để bày tỏ tình cảm giữa Rô-mê-ô và Giu-li-ét được tái hiện như sau:

+ Giu-li-ét:

  • Luôn ám ảnh nỗi sợ hãi thường trực, nàng luôn gợi nhắc về mối thù của hai đại gia tộc mà hiện thân của nỗi lo lắng ấy chính là bức tường đá.
  • Bức tường đá bảo vệ dòng họ khỏi sự đột nhập của những kẻ có ý đồ bất chính, là sự ngăn cách ở tình yêu, là rào cản, là mối thù sâu đậm của hai dòng họ, nó còn là biểu tượng cho nỗi lo lắng của Giu-li-ét về tình yêu của Rô-mê-ô.

+ Rô-mê-ô:

  • Suy nghĩ của Rô-mê-ô lại thoáng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều, lập tức khẳng định chàng sẵn sàng từ bỏ tên họ để xóa bỏ mối thù.
  • Xóa tan mọi băn khoăn lo lắng của Giu-li-ét về tình yêu của chàng bằng cách khẳng định chắc chắn về tình yêu mãnh liệt dành cho nàng.
  • Hình bóng bức tường trở thành đòn bẩy, là công thức chính minh cho tình yêu của Rô-mê-ô.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Tình yêu chân chính mãnh liệt của tuổi trẻ vượt lên thù hận của dòng họ.

- Đặc sắc của thiên tài Sếch-xpia: miêu tả tâm trạng qua ngôn ngữ độc thoại và đối thoại.

- Đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại.

- Nhận biết một vài thể đặc điểm của thể loại kịch: ngôn ngữ, hành động, bố cục, xung đột.

- Trân trọng tình yêu chân chính.

Ngày:11/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM