Bệnh cảm lạnh - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Cảm lạnh là bệnh nhiễm virus ở mũi, họng (đường hô hấp trên). Các triệu chứng cảm lạnh bao gồm chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, viêm họng, sốt nhẹ, hắt hơi... Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo!

Bệnh cảm lạnh - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Cảm lạnh là bệnh gì?

Cảm lạnh là bệnh nhiễm virus ở mũi và họng (đường hô hấp trên). Bệnh không quá nguy hiểm nhưng lại làm bạn khó chịu. Bệnh cảm lạnh có thể do nhiều loại virus gây ra.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cảm lạnh là gì?

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cảm lạnh

Các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện từ một đến ba ngày sau khi cơ thể nhiễm virus cảm lạnh. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người, bao gồm:

Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; Viêm họng; Ho; Đau nhức cơ thể nhẹ hoặc đau đầu nhẹ; Hắt xì; Sốt nhẹ; Cảm thấy khó chịu trong người.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn đã sử dụng thuốc trị cảm nhưng vẫn còn các triệu chứng:

Sốt cao hơn 38,5oC và kéo dài năm ngày hoặc bỗng dưng sốt trở lại sau một thời gian không sốt; Khó thở; Thở khò khè; Đau họng nhiều, đau đầu;

Bạn cần đến các cơ sở y tế ngay nếu bé có bất kỳ những dấu hiệu sau đây:

Sốt 38oC ở trẻ sơ sinh kéo dài đến 12 tuần; Sốt ngày càng tăng cao hoặc sốt kéo dài hơn hai ngày ở trẻ; Các triệu chứng xấu đi hay không cải thiện; Các triệu chứng nặng hơn, chẳng hạn như đau đầu hay ho; Thở khò khè; Đau tai; Rối loạn ý thức; Lơ mơ; Ăn không ngon.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Những nguyên nhân nào gây ra bệnh cảm lạnh?

Mặc dù nhiều loại virus có thể gây ra cảm lạnh thông thường, nhưng rhinoviruses là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh.

Virus cảm lạnh xâm nhập vào cơ thể qua miệng, mắt, mũi. Ngoài ra, chúng có thể lan truyền qua giọt nước trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói.

Hơn nữa, bệnh có thể lây lan qua tay khi người bình thường tiếp xúc với người bị cảm lạnh hoặc dùng chung đồ vật với người bệnh, chẳng hạn như đồ dùng, khăn, đồ chơi hoặc điện thoại.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh cảm lạnh?

Cảm lạnh là bệnh cực kỳ phổ biến. Trẻ em dưới sáu tuổi thường rất dễ cảm lạnh, nhưng người lớn, đặc biệt là bà bầu, khỏe mạnh cũng có thể mắc bệnh này hai hoặc ba lần trong năm. Bạn có thể phòng bệnh bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy mắc bệnh cảm lạnh?

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cảm lạnh bao gồm:

Tuổi tác: trẻ dưới 6 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cúm lớn nhất, đặc biệt nếu bé đang đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo; Hệ thống miễn dịch suy yếu: một số bệnh mạn tính làm suy yếu hệ miễn dịch, làm bạn dễ có nguy cơ mắc cảm lạnh; Thời gian của năm: cả trẻ em và người lớn dễ bị cảm lạnh trong mùa thu và mùa đông, ngoài ra bạn vẫn có thể bị mắc bệnh vào những mùa khác; Hút thuốc: bạn có nhiều khả năng bị cảm lạnh nặng hơn nếu bạn hút thuốc; Tiếp xúc: nếu xung quanh có nhiều người, chẳng hạn như ở trường hoặc trên máy bay, bạn có khả năng cao tiếp xúc với virus cảm lạnh.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh cảm lạnh?

Bác sĩ thường chẩn đoán cảm lạnh bằng các dấu hiệu và triệu chứng của bạn. Nếu bác sĩ nghi ngờ nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc những tình trạng khác, bạn sẽ cần chụp X-quang hoặc các xét nghiệm khác để loại trừ các nguyên nhân khác khác gây ra triệu chứng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh cảm lạnh?

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp nào giúp chữa trị cảm lạnh. Kháng sinh không thể chống lại virus cảm lạnh và bạn không nên sử dụng nó nếu không có nhiễm trùng. Phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng, bao gồm:

Thuốc giảm đau; Một số loại thuốc hạ sốt không cần kê toa dùng cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, bao gồm acetaminophen (Tylenol®, Feverall®) hoặc ibuprofen (Pediatric Advil®, Motrin®) giúp giảm bớt các triệu chứng; Thuốc xịt làm thông mũi; Sirô ho; Vitamin C; Kẽm.

Khi cho trẻ uống thuốc, bạn nên làm theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Bạn không nên cho bé uống hai loại thuốc có cùng một dược chất vì có thể dẫn đến quá liều. Ngoài ra, bạn chú ý cho người bị cảm lạnh ăn một số thực phẩm để hỗ trợ điều trị bệnh nhanh chóng hồi phục nhé.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế bệnh cảm lạnh?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh cảm cúm nếu áp dụng các biện pháp sau:

Rửa tay. Bạn nhớ thường xuyên làm sạch tay với xà phòng và nước, dạy cho trẻ về tầm quan trọng của việc rửa tay. Nếu không có sẵn xà phòng và nước, bạn hãy sử dụng chất rửa tay có cồn; Khử trùng vật dụng trong nhà. Bạn cần lau nhà bếp và phòng tắm sạch sẽ với thuốc khử trùng, đặc biệt khi có người trong gia đình bị cảm lạnh. Bạn cũng cần rửa đồ chơi của bé theo định kỳ; Dùng khăn giấy. Bạn nên dùng khăn giấy khi hắt hơi và ho để hạn chế lây bệnh cho người khác. Bạn cần vứt bỏ khăn giấy đã dùng ngay lập tức, sau đó rửa tay cẩn thận; Dạy trẻ hắt hơi hoặc ho vào khuỷu tay khi không có khăn giấy. Bằng cách đó, bé có thể che miệng mà không sử dụng bàn tay; Không dùng chung ly uống hoặc đồ dùng với các thành viên khác trong gia đình. Sử dụng ly riêng hoặc cốc dùng một lần khi bạn hoặc ai đó bị bệnh; Tránh tiếp xúc gần gũi với những người bị cảm lạnh; Cho bé đi nhà trẻ mẫu giáo thường xuyên có vệ sinh và khử trùng định kỳ; Chăm sóc bản thân. Ăn uống đầy đủ, tập thể dục, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng có thể giúp bạn phòng tránh cảm lạnh.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh cảm lạnh, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:28/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM