Bệnh nhiễm giun móc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Nhiễm giun móc là khi có giun móc (giun mỏ) sống kí sinh trong cơ thể. Chúng thường lây nhiễm ở các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt có điều kiện vệ sinh kém. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh nhiễm giun móc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Định nghĩa

Nhiễm giun móc (nhiễm giun mỏ) là bệnh gì?

Nhiễm giun móc, hay nhiễm giun mỏ, là khi có giun móc (giun mỏ) sống kí sinh trong cơ thể. Chúng thường lây nhiễm ở các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt có điều kiện vệ sinh kém. Ấu trùng và những con giun trưởng thành sống trong ruột của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh. Nếu đối tượng nhiễm bệnh đi ngoài hoặc phân của họ được dùng làm phân bón thì trứng giun sẽ bám vào đất. Trứng sẽ trưởng thành và nở ra ấu trùng có khả năng xâm nhập vào da người. Những người đi chân không trên những khu đất này sẽ bị nhiễm giun móc vì thường ấu trùng giun móc rất nhỏ nên không thể nhìn thấy. Khi vào vòng tuần hoàn máu, giun móc sẽ đến phổi và cổ họng, sau đó đi vào ruột.

Những ai thường mắc phải bệnh nhiễm giun móc (nhiễm giun mỏ)?

Giun móc đã lây lan hơn 1 tỷ người trên thế giới. Ở các tiểu bang Nam Mỹ, tình trạng nhiễm giun móc khá phổ biến. Bệnh thường xảy ra đối với những người ở khu vực nóng, ẩm, kém vệ sinh có giun móc. Hoặc những đứa trẻ hay chơi đùa ở những nền đất nhiễm ấu trùng sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn.

2. Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiễm giun móc (nhiễm giun mỏ)?

Hầu hết những người bị nhiễm giun móc không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số người bị ngứa hoặc nổi mẫn quanh vùng da mà ấu trùng xâm nhập. Khi ấu trùng vào phổi, bạn sẽ gặp một vài triệu chứng như ho khan, thở khò khè, ho ra máu, sốt nhẹ. Nếu tình trạng viêm nặng, nó có thể gây ra chứng biếng ăn, tiêu chảy, thiếu máu, đau bụng

Giun móc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, và người suy dinh dưỡng như thiếu máu hay thiếu hụt protein. Da, phổi, ruột non cũng bị nhiễm bệnh. Những biến chứng khác bao gồm mệt mỏi, vấn đề hô hấp, suy tim, nhịp tim bất thường.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đị khám nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng như:

Có vùng da bị ấu trùng xâm nhập có triệu chứng sưng tấy, viêm, rát, đỏ; Bị sốt, khó thở hoặc đau thắt ngực.

Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm giun móc (nhiễm giun mỏ) là gì?

Hai loại giun móc lây nhiễm cho người là Anclostoma duodenale và Necator americanus. Người nhiễm bệnh thường thải trứng giun qua phân khi đi ngoài. Trứng giun có thể nở ở đất ẩm ướt và ấp khoảng 2 ngày trước khi chúng trở thành ấu trùng. Kế đó, ấu trùng này xâm nhập qua da, thường là do đi chân không, thông qua đường máu đến phổi và ruột. Một số người có thể nhiễm bệnh do ăn phải thức ăn hoặc uống nước có nhiễm khuẩn.

4. Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm giun móc (nhiễm giun mỏ)?

Bạn có nguy cơ mắc bệnh nhiễm giun móc cao nếu bạn tiếp xúc với môi trường không hợp vệ sinh có khuẩn ấu trùng giun móc. Trong trường hợp ăn uống những loại thực phẩm có chứa loại ấu trùng này cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

5. Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh nhiễm giun móc (nhiễm giun mỏ)?

Mục tiêu của việc điều trị là chữa trị viêm nhiễm, ngăn ngừa và điều trị các biến chứng, cải thiện chất dinh dưỡng. Bác sĩ sẽ sử dụng những thuốc như: albendazole hoặc mebendazole để giết chết giun. Tuy nhiên những thuốc này không được dùng trong kỳ thai nghén vì chúng có thể gây hại đến thai nhi. Nếu bị thiếu máu, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc bổ sung chất sắt. Sau khi điều trị thiếu máu, bạn cần có chế độ dinh dưỡng giàu protein và bổ sung vitamin trong khoảng 3 tháng.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh nhiễm giun móc (nhiễm giun mỏ)?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách lấy mẫu phân và kiểm tra trong ống nghiêm để tìm xem có trứng giun và ấu trùng trong phân hay không. Bác sĩ có thể cũng chụp X-quang ngực xem có bị viêm phổi hay không. Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra máu xem có bị chứng thiếu máu hay suy dinh dưỡng hay không.

6. Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm giun móc (nhiễm giun mỏ)?

Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:

Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn; Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn; Duy trì chế độ dinh dưỡng giàu protein trong khoảng 3 tháng; Bổ sung vitamin và sắt theo hướng dẫn của bác sĩ; Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai; Rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn; Đừng đi chân không ở các khu vực công cộng, đặc biệt là khi bạn đi du lịch các nước nhiệt đới; Chất lượng vệ sinh đạt tiêu chuẩn và hệ thống xử lý rác thải hiệu quả là những nhân tố giúp các nước phát triển trên thế giới ít gặp tình trạng nhiễm giun móc, bạn cần lưu ý điểm này để lựa chọn địa điểm du lịch cũng như giữ gìn môi trường cá nhân và công cộng quanh mình.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh nhiễm giun móc, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:05/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM