Bệnh nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Nhiễm khuẩn Listeria là bệnh nhiễm trùng nặng xảy ra do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogens. Nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nhưng không phổ biến. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Định nghĩa

Nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes là bệnh gì?

Nhiễm khuẩn Listeria là bệnh nhiễm trùng nặng xảy ra do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogens. Những vi khuẩn này được tìm thấy thường xuyên nhất là ở thịt nấu chưa chín và trong các sản phẩm từ sữa. Nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nhưng không phổ biến.

Những ai thường nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes?

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên đối với một số người như phụ nữ mang thai hoặc thai nhi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vi khuẩn Listeria monocytogenes có thể qua nhau thai sẩy thai, gây sinh non, hoặc thai nhi chết ngay sau khi sinh. Trẻ sơ sinh có thể bị bệnh nghiêm trọng nếu nhiễm bệnh trước khi sinh ra. Những người có hệ miễn dịch yếu cũng có nguy cơ mắc bệnh cao như người bị ung thư, AIDS, người cấy ghép nội tạng và người già.

2. Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn Listeria là gì?

Với những người khoẻ mạnh, khi ăn phải thức ăn bị nhiễm Listeria monocytogenes, vi khuẩn không gây nên bất kỳ triệu chứng nào. Một số người  có thể xuất hiện triệu chứng giống cảm cúm với các  biểu hiện như sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau dạ dày, nếu như tiêu thụ thức ăn bị nhiễm một số lượng lớn vi khuẩn. Vi khuẩn có thể vào máu gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào hệ thần kinh, sẽ gây nên tình trạng viêm não màng não, với các biểu hiện: Đau đầu, cứng cổ, động kinh, mất thăng bằng và cảm thấy bối rối hoặc mất phương hướng có thể xảy ra.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn bị sốt, đau cơ, buồn nôn hoặc tiêu chảy, sau khi ăn thực phẩm có khả năng bị ô nhiễm, chẳng hạn như các loại thực phẩm làm bằng sữa chưa tiệt trùng hoặc xúc xích hoặc thịt chưa hâm nóng, bạn cần liên hệ với bác sĩ.

Nếu bạn bị sốt cao, nhức đầu dữ dội, cứng cổ, nhầm lẫn hoặc nhạy cảm với ánh sáng, hãy tìm trợ giúp khẩn cấp. Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể là biểu hiện của bệnh viêm não – màng não do vi khuẩn – một biến chứng của bệnh Listeria đe dọa đến tính mạng.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes là gì?

Nguyên nhân gây ra bệnh là do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn có tên Listeria monocytogenes. Listeria monocytogenes được tìm thấy trong đất và nước và có thể bám vào rau củ sống từ đất hoặc từ phân bón (phân xanh). Listeria còn có thể bám vào thịt sống, sữa và thức ăn chế biến sẵn (như phô mai, thịt nguội, hot dog).

4. Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn Listeria?

Phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch kém có nguy cơ cao nhất mắc bệnh Listeria.

Đối với phụ nữ mang thai: mặc dù nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes có thể chỉ gây ra bệnh nhẹ ở người mẹ, nhưng hậu quả đối với thai nhi có thể rất trầm trọng như: sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, thai nhi bị nhiễm trùng có khả năng gây tử vong sau khi sinh.

Ngoài ra, nguy cơ bị nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes còn xảy ra đối với những người có hệ miễn dịch yếu bao gồm:

Độ tuổi: những người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn; Những người mắc bệnh AIDS; Đã từng điều trị hóa chất; Mắc các bệnh lý khác như: bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận; Sử dụng một số loại thuốc viêm khớp dạng thấp, thuốc ức chế miễn dịch.

5. Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes?

Phương pháp điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Bệnh nhân  cần được điều trị tại bệnh viện. Thuốc kháng sinh được tiêm trực tiếp vào mạch máu và uống duy trì chống tái phát. Điều trị bằng thuốc kháng sinh thường kéo dài trong 3-4 tuần. Bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu có thể cần điều trị lâu hơn bởi vì bệnh thường tái phát.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes?

Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng mà bạn gặp phải để chẩn đoán bạn có bị nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes hay không. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe và xem tiền sử bệnh. Trong các trường hợp cần thiết, bạn sẽ phải thực hiện các xét nghiệm gồm thử máu và chọc dịch não tuỷ để kết quả chẩn đoán được chính xác hơn.

6. Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes?

Những việc NÊN làm giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh:

Báo với bác sĩ tất cả thuốc bạn dùng (bao gồm thuốc không kê toa và các sản phẩm thảo dược); Gọi bác sĩ nếu bạn vẫn còn triệu chứng sau khi dùng hết thuốc kháng sinh; Nấu chín các sản phẩm từ động vật như trứng, thịt và gia cầm; Rửa sạch trái cây và rau củ trước khi ăn; Rửa sạch tay và dụng cụ nấu ăn với nước xà phòng nóng sau khi làm thức ăn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với thịt sống và chế biến sẵn.

Trên đây là một số thông tin về bệnh nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong việc tìm hiểu và điều trị bệnh. Nếu có bất kì dấu hiệu và triệu chứng nào như trên các bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Ngày:05/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM