Bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng

Các bệnh truyền nhiễm đã trở nên rất phổ biến trên thế giới hiện nay. Trong đó, bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng gây ra là rất thường gặp. Bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và có thể trở thành vùng dịch với số người mắc nhiều. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn nguy cơ lây lan và giảm chi phí điều trị lên đáng kể. Dưới đây là một số thông tin tổng quan về bệnh truyền nhiễm. Mời các bạn tham khảo!

1. Bệnh truyền nhiễm là gì?

Bệnh truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh lây, đây là dạng bệnh rất phổ biến. Nguyên nhân gây ra bệnh truyền nhiễm là do vi sinh vật (như vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng) gây ra, bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và có thể trở thành vùng dịch với số người mắc nhiều.

Tuy nhiên, khi đã mắc các bệnh truyền nhiễm, cơ thể người bệnh sẽ có đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Đó được gọi là quá trình tạo thành miễn dịch. Tùy theo loại bệnh và cơ thể người mà miễn dịch được hình thành với mức độ, thời gian tồn tại miễn dịch bảo vệ khác nhau.

Bệnh truyền nhiễm được phân loại theo đường lây và chia ra 5 nhóm bệnh. Cụ thể:

  • Bệnh truyền nhiễm lây theo đường máu
  • Bệnh truyền nhiễm lây theo đường da và niêm mạc
  • Bệnh truyền nhiễm lây theo đường tiêu hoá
  • Bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp
  • Bệnh truyền nhiễm có thể lây bằng nhiều đường

2. Đặc điểm của bệnh truyền nhiễm 

2.1 Đặc điểm chung của bệnh truyền nhiễm

Thông thường, đặc điểm chung của bệnh truyền nhiễm như sau:

Bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành bằng nhiều con đường khác nhau.
Bệnh do vi sinh vật gây ra nên gọi đó là mầm bệnh. Thông thường mỗi một bệnh truyền nhiễm do một loại mầm bệnh gây nên, tuy nhiên có một số trường hợp có thể do hai hoặc nhiều mầm bệnh gây nên.
Có thể lây bằng một đường, nhưng cũng có thể lây bằng nhiều con đường.
Bệnh phát triển theo các giai đoạn và diễn ra kế tiếp nhau.
Sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm, cơ thể người có đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Quá trình đó gọi là miễn dịch bảo vệ.

2.2 Giai đoạn phát triển của bệnh truyền nhiễm

Thời kỳ ủ bệnh: Đa phần người bệnh không cảm thấy có triệu chứng gì trong giai đoạn này. Thời kỳ ủ bệnh sẽ phụ thuộc vào loại bệnh, số lượng và độc tính của mầm bệnh, sức đề kháng của cơ thể.
Thời kỳ khởi phát: Các triệu chứng của bệnh xuất hiện nhưng chưa nặng và rầm rộ nhất. Bệnh khởi phát theo một trong 2 kiểu: từ từ hoặc đột ngột.
Thời kỳ toàn phát: Giai đoạn này bệnh phát triển rầm rộ nhất, đầy đủ các triệu chứng nhất và bệnh nặng nhất. Các biến chứng cũng thường hay gặp trong thời kỳ này.
Thời kỳ lui bệnh: Do sức chống đỡ của cơ thể người bệnh và tác động của điều trị, mầm bệnh và các độc tố dần được loại trừ ra khỏi cơ thể. Triệu chứng của bệnh ở thời kỳ toàn phát cũng dần dần mất đi.
Thời kỳ hồi phục: Sau khi mầm bệnh và độc tố của chúng được loại trừ ra khỏi cơ thể người bệnh thì những cơ quan bị tổn thương dần hồi phục, chỉ còn những rối loạn không đáng kể. Tuy nhiên cần phải được tiếp tục theo dõi bởi vì một số trường hợp tái phát.

3. Bệnh truyền nhiễm có nguy hiểm không?

Bệnh truyền nhiễm bao gồm nhiều loại bệnh khác nhau nên hậu quả cũng khác nhau. Có những căn bệnh rất nặng nề và để lại hậu quả khủng khiếp có thể trên phạm vi cộng đồng hoặc cá thể. 

Trong lịch sử, đã có nhiều trận đại dịch cuớp đi một con số khổng lồ các sinh mạng: Dịch hạch, cúm, đậu mùa, tả,… Do việc kiểm soát không tốt. Ở góc độ từng cá nhân, có thể mắc bệnh rồi sẽ tự khỏi hoặc dưới sự hỗ trợ của y học hiện đại như thủy đậu, cúm,… Tuy nhiên, một số bệnh như Viêm Não Nhật Bản, Viêm màng não, dại, đều mang lại hậu quả tối tăm hơn cho người bệnh. 

Gọi là bệnh lây nhiễm, nên cộng đồng, khu vực dịch tễ và mặt bệnh “nổi bật” cần phải được phòng ngừa và ngăn chặn. Ví dụ ở Việt Nam, chúng ta có chiến dịch tiêm ngừa lao, có phổ biến chủng ngừa viêm gan siêu vi B, Sởi, bại liệt, bạch cầu, ho gà, … 

4. Một số bệnh truyền nhiễm thường gặp

Bệnh viêm gan B

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan, có thể gây nhiễm trùng gan thậm chí đe dọa đến tính mạng. Hiện nay, virus viêm gan B vẫn là mối đe dọa lớn đến sức khỏe toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B mãn tính. Ở Việt Nam hiện nay số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số.

Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Viêm gan B có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Nếu bệnh xảy ra ở người lớn vẫn có thể điều trị để loại bỏ virus viêm gan B dễ dàng. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn nhiễm virus nhưng không thể điều trị khỏi hoàn toàn.

Bệnh tả

Vi khuẩn vibrio cholerae là nguyên nhân gây ra bệnh tả. Tuy nhiên, độc tố cholerae do vi khuẩn tả sản sinh trong ruột non chính là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh. Độc tố này liên kết với thành ruột, cản trở dòng chảy bình thường của natri và clorua, làm cho cơ thể tiết ra một lượng nước khổng lồ, dẫn đến tiêu chảy và nhanh chóng mất một lượng lớn nước và điện giải.

Hầu hết, mọi người sẽ không bị bệnh hay biết mình nhiễm bệnh khi tiếp xúc với vi khuẩn tả. Tuy nhiên, vi khuẩn tả sẽ còn trong phân 7-14 ngày nên chúng vẫn có thể lây nhiễm sang người khác thông qua nước bẩn. Những trường hợp nhẹ và trung bình của bệnh tả đa số khó có thể phân biệt với các bệnh cũng gây tiêu chảy.

Bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết dạng nhẹ thường gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp. Dạng nghiêm trọng hơn, còn gọi là sốt xuất huyết Dengue, có thể gây chảy máu nghiêm trọng, giảm huyết áp đột ngột và gây tử vong.

Mỗi năm, trên thế giới có hàng triệu ca nhiễm virus Dengue. Tình trạng này phổ biến nhất ở Đông Nam Á, các đảo phía Tây Thái Bình Dương, Nam Mỹ và Caribe.

Bệnh Rubella

Sởi Đức hay bệnh rubella là một loại bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Khác với bệnh sởi thông thường do virus Rubeola gây nên, nguyên nhân của vấn đề này đến từ sự tấn công của một chủng virus khác.

Hầu hết trường hợp bệnh sởi đều có nguy cơ cao kéo theo biến chứng phát sinh gây tử vong. Tuy nhiên, đối với sởi Đức, bệnh chỉ nguy hiểm nếu đối tượng nhiễm bệnh là phụ nữ mang thai. Cụ thể hơn, nếu mẹ bầu nhiễm bệnh vào thời kỳ tam cá nguyệt đầu tiên, đứa trẻ khi chào đời có rủi ro cao mắc hội chứng rubella bẩm sinh.

Bệnh nhiễm Trichomonas

Nhiễm Trichomonas, là bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh dục lây lan qua tiếp xúc tình dục. Đây là một trong những bệnh lây qua đường tình dục (STDs) thường gặp nhất.

Nhiễm trùng không gây tử vong nhưng có thể dẫn đến các biến chứng, như vô sinh, nhiễm trùng mô da âm đạo (viêm mô tế bào) ở nữ giới. Nhiễm trùng trong khi mang thai có thể dẫn đến sinh non và bé bị nhẹ cân.

Ở nam giới bệnh gây tắc nghẽn niệu đạo (ống nằm trong dương vật giúp dẫn nước tiểu ra ngoài).

Bệnh nhiễm giun sán

Nhiễm giun sán là một bệnh nhiễm trùng bắt nguồn từ đường ruột di dời qua cơ bắp, não và mắt. Bệnh gây ra do ăn phải một loại sán dây lợn, tên là Taenia solium, có trong thực phẩm hay nước bị ô nhiễm, hoặc ăn trứng sán dây truyền từ thịt heo bị nhiễm bệnh. Trong đa số trường hợp, sán dây vào cơ thể dưới từ khi còn là trứng.

Nhiễm giun sán là một bệnh phổ biến vì loại sán dây này có mặt trên toàn thế giới. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người, thường là ở các nước đang phát triển và vùng nông thôn. Khi lên tới não, bệnh sẽ trở nên trầm trọng bất kể bệnh nhân là người lớn hay trẻ em.

5. Các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm

Các bệnh truyền nhiễm có thể nhập vào cơ thể thông qua: Da; hít phải vi trùng trong không khí; ăn thức ăn bị ô nhiễm hoặc nước; bị côn trùng cắn hoặc bị muỗi đốt; quan hệ tình dục không an toàn.

Do vậy, để phòng ngừa bệnh, mọi người nên thực hiện theo các phương pháp sau để giảm nguy cơ lây nhiễm cho bản thân hoặc người khác:

  • Thường xuyên rửa tay: Trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh cần rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Tiêm vắc-xin đầy đủ: Tiêm vắc-xin đầy đủ có thể giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh.
  • Không đi làm hoặc đến trường nếu đang có các hiện tượng như nôn mửa, tiêu chảy hoặc sốt.
  • Ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm và nguồn nước sạch.
  • Vệ sinh cơ thể, nơi ở, học tập và làm việc thường xuyên. Không dùng chung vật dụng cá nhân (bàn chải đánh răng, lược, lưỡi dao cạo...). Tránh dùng chung ly uống hoặc đồ dùng ăn uống.
  • Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su. Chung thuỷ 1 vợ 1 chồng.
  • Không du lịch đến nơi có vùng dịch.

Trên đây là một số thông tin tổng quan về bệnh truyền nhiễm, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và chẩn đoán bệnh. Để biết cụ thể và chi tiết hơn về một số bệnh truyền nhiễm thường gặp, các bạn có thể tham khảo mục Bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng mà eLib.VN đã tổng hợp. Chúc các bạn nhiều sức khỏe!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM