Bênh rận mu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Rận mu là một loại ký sinh trùng có khả năng sinh sống bằng cách hút máu người và tồn tại ở lông mu, gây ngứa ngáy, khó chịu. Rận mu cũng có thể bị lây từ quần áo, khăn và giường ngủ đã bị nhiễm bọ. Khi chúng ở trên cơ thể của con người sẽ tồn tại bằng cách hút máu vật chủ. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, cũng như cách phòng ngừa và điều trị, mời các bạn tham khảo bài viết sau đây.

Bênh rận mu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Rận mu là tình trạng vùng sinh dục có xuất hiện các côn trùng sống ký sinh rất nhỏ. Có ba loại rận ở người:

  • Pediculus humanus capitis: rận đầu (chấy);
  • Pediculus humanus Corporis: rận thân mình;
  • Phthirus xương mu: rận mu.

Rận hút máu người và gây ngứa dữ dội ở các khu vực bị ảnh hưởng. Rận mu thường sống trên lông mu và có thể lây lan qua tiếp xúc tình dục. Đôi khi, một số người có thể có rận ở lông mi, lông nách và lông mặt. Rận mu thường có kích thước nhỏ hơn so với rận thân mình và rận đầu.

2. Triệu chứng

Nếu mắc bệnh, bạn sẽ thường bị ngứa ở vùng sinh dục hay hậu môn khoảng 5 ngày sau khi bị nhiễm rận. Vào ban đêm, bạn có thể cảm thấy ngứa dữ dội hơn.

Các triệu chứng phổ biến của rận mu bao gồm:

  • Sốt nhẹ;
  • Khó chịu;
  • Thiếu năng lượng;
  • Các nốt màu xanh ở gần các vết cắn.

Ngứa nhiều có thể gây ra các vết thương hoặc nhiễm trùng ở các khu vực bị ảnh hưởng. Trẻ em bị rận ở lông mi có nguy cơ phát triển thành viêm kết mạc.

Tuy không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào, nhưng rận mu tạo cảm giác ngứa ngáy khó chịu trên cơ thể và còn dễ dàng lây lan sang người khác. Những con rận cái có quãng đời trung bình từ 25–30 ngày và mỗi lần có thể đẻ từ 20–30 trứng. Rận vẫn có thể sống xa cơ thể trong vòng từ 1–2 ngày. Vì vậy, chẩn đoán đúng bệnh và điều trị thích hợp là rất quan trọng, nếu không bạn sẽ mất một thời gian khá dài để có thể hoàn toàn loại bỏ chúng hoàn toàn.

Bạn nên đến gặp bác sĩ để xin lời khuyên về việc điều trị rận mu nếu:

  • Các sản phẩm y tế bạn mua từ các nhà thuốc không có tác dụng giết chết rận mu;
  • Bạn đang mang thai;
  • Phần da trầy xước bị nhiễm trùng do bị cào xước.

Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ khám bộ phận sinh dục của bạn để kiểm tra rận mu còn sống hay còn trứng rận trên cơ thể không.

3. Nguyên nhân

Bệnh rận mu thường lây truyền qua tiếp xúc thân mật, trong đó có quan hệ tình dục. Nếu sử dụng chung chăn, khăn tắm, khăn trải giường hoặc quần áo với người có rận, bạn cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Rận trưởng thành đẻ trứng trên thân tóc, gần da. Những trứng này được gọi là trứng rận mu. Sau 7–10 ngày, trứng nở thành nhộng và bắt đầu hút máu. Rận có thể sống mà không cần nguồn thức ăn trong vòng 1−2 ngày. Rận mu thường không rơi ra khỏi ký chủ trừ khi chúng chết và cũng không thể nhảy từ người này sang người khác như bọ chét. Lạm dụng tình dục cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh rận mu ở trẻ em.

4. Nguy cơ mắc bệnh

Những ai thường mắc phải bệnh rận mu?

Những người mắc bệnh lây lan qua đường tình dục thường có nguy cơ bị rận mu cao hơn người bình thường. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh rận mu?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

  • Có nhiều bạn tình;
  • Có quan hệ tình dục với người bị bệnh;
  • Ngủ chung giường hoặc mặc quần áo chung với người bị nhiễm.

5. Điều trị

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh rận mu?

Nếu nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám vùng bị ảnh hưởng. Rận thường có màu xám nhạt nhưng chúng có thể chuyển sang tối màu hơn sau khi hút máu. Bạn có lẽ bị nhiễm rận nếu nhìn thấy có những con côn trùng nhỏ hình cua di chuyển ở lông mu.

Trứng rận cũng là một dấu hiệu của bệnh. Những quả trứng rất nhỏ và màu trắng, thường được thấy xung quanh chân lông mu hoặc lông khác trên cơ thể.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh rận mu?

Bạn có thể dùng khử trùng thân thể, quần áo, giường ngủ để ngăn chặn bệnh diễn tiến phức tạp. Lotion và dầu gội tại chỗ là những thứ có thể loại bỏ rận mu ra khỏi cơ thể. Bạn nên hỏi bác sĩ về những sản phẩm an toàn để sử dụng nếu đang mang thai hoặc cho con bú hoặc bạn muốn điều trị cho con trẻ. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ, bạn có thể chỉ cần vệ sinh lông mu sạch sẽ.

Ngay cả sau khi điều trị thành công, một số ít trứng rận cứng đầu vẫn có thể còn bám trên lông. Bạn nên loại bỏ tất cả trứng còn sót lại bằng nhíp. Các biện pháp thông thường chẳng hạn như dùng dao cạo và tắm nước nóng không có hiệu quả để điều trị rận mu. Rận có thể dễ dàng sống sót với xà phòng thông thường và nước.

Nếu một số người trong gia đình bạn bị rận mu thì hãy điều trị tất cả mọi người cùng lúc. Bạn cũng cần khử trùng nhà cửa, dùng máy hút bụi và làm sạch nhà vệ sinh bằng dung dịch thuốc tẩy, giặt tất cả khăn tắm, ga giường và quần áo trong nước nóng và dùng máy làm khô chúng bằng nhiệt độ cao nhất có thể.

Bạn có thể cần thuốc mạnh nếu rận vẫn còn tồn tại sau khi dùng các liệu pháp trên. Trường hợp rận xuất hiện ở lông mi, bạn nên bôi dầu bôi trơn ở lông mi và mí mắt 3 lần/ngày trong vòng vài ngày. Bạn có thể bị ngứa một hoặc hai tuần vì cơ thể đã trải qua phản ứng dị ứng với vết cắn của rận.

Bác sĩ có thể kê những toa điều trị có tác dụng mạnh hơn, chẳng hạn như:

  • Malathion: thoa loại kem dưỡng da được kê đơn này lên các vùng bị nhiễm bệnh rồi rửa sạch từ 8–12 giờ sau khi bôi.
  • Ivermectin: loại thuốc này được dùng trong một liều duy nhất với tổng cộng hai viên thuốc, và bạn có thể lựa chọn uống thêm một liều nữa 10 ngày sau nếu như điều trị không có hiệu quả.
  • Phương pháp cuối cùng nếu các cách làm trước đây đã thất bại là sử dụng thuốc Lindane vì chúng khá độc. Bôi Lindane lên vùng bị nhiễm bệnh rồi rửa sạch sau 4 phút. Lindane không được khuyên dùng cho phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú hoặc dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

6. Phòng ngừa

Bạn có thể được chữa trị rận mu hoàn toàn bằng cách rửa sạch cơ thể cũng như tất cả các vật dụng cá nhân thường dùng có khả năng nhiễm ký sinh trùng này thật kiên nhẫn và tỉ mỉ. Bạn cần thực hiện những bước sau đây để giảm thiểu khả năng mắc bệnh:

Sử dụng kem dưỡng và dầu gội. Lựa chọn loại thích hợp nhất trong số nhiều loại kem dưỡng và dầu gội khác nhau có bán tại các nhà thuốc. Bạn nên sử dụng các sản phẩm này theo như hướng dẫn đính kèm. Có thể bạn sẽ cần phải lặp lại điều trị trong từ 7–10 ngày sau. Rửa sạch những vật dụng bị nhiễm rận. Hãy nhớ giặt sạch drap trải giường ngủ, quần áo và khăn bạn đã sử dụng hai ngày trước khi thực hiện điều trị, giặt sạch bằng nước ấm (ít nhất ở nhiệt độ 54ºC) và với xà phòng, sau đó sấy khô ở nhiệt độ cao trong ít nhất 20 phút. Giặt khô hoặc niêm phong các vật dụng không thể rửa sạch. Nếu bạn không thể rửa sạch một vật nào đó, hãy đem nó đi giặt khô hoặc đặt nó trong túi kín gió trong vòng 2 tuần.

Điều quan trọng nhất là ngăn ngừa bị lây nhiễm. Bạn nên tránh quan hệ tình dục hoặc chia sẻ giường ngủ, quần áo với bất cứ ai đang có rận. Nếu bạn đang trong quá trình điều trị, người bạn đời của bạn cũng nên thực hiện điều trị cùng lúc.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Rận mu, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:16/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM