Bài ca nhà tranh bị gió thu phá Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tinh thần nhân đạo và lòng vị tha cao cả của nhà thơ Đỗ Phủ. Đồng thời, tài liệu dưới đây giúp các em bước đầu thấy được vị trí và ý nghĩa của những yếu tố miêu tả và tự sự trong thơ trữ tình. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Bài ca nhà tranh bị gió thu phá Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Đỗ Phủ (712-770) hiệu là Thiếu Lăng dã lão, Đỗ Lăng bố y hay Đỗ Lăng dã khách, là một nhà thơ lớn của Trung Quốc, nổi bật ở thời kỳ nhà Đường.

- Ông và nhà thơ Lý Bạch được xem là hai nhà thơ vĩ đại nhất của thơ ca Trung Quốc.

- Ông nổi tiếng là người đức độ cao thượng, tài năng tuyệt vời nên được các nhà phê bình Trung Quốc gọi là Thi Thánh hay Thi sử.

- Năm 740, cha Đỗ Phủ qua đời.

- Tháng 12 năm 755, sự biến An Lộc Sơn xảy ra và hoàn toàn tan rã sau 8 năm nhưng nó đã tán phá Trung Quốc một cách khốc liệt. Thời gian này, Đỗ Phủ đã trải qua cuộc sống trôi nổi, không thể định ở đâu đó lâu dài vì chiến tranh.

- Năm 760, ông tới Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), nơi ông sống trong những năm sau đó. Ông được một người bạn và là đồng môn là Nghiêm Vũ đang làm tổng trấn ở Thành Đô giúp đỡ.

1.2. Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác tròng tình hình xã hội rối loạn. Sự biến An Lộc Sơn - Sử Tư Minh xảy ra năm 755 đến năm 763 mới chấm dứt.

- Bài thơ được viết theo thể thơ cổ thể.

- Bài thơ có thể chia bố cục thành 4 phần:

+ Phần 1: Khổ thơ thứ nhất.

+ Phần 2: Khổ thơ thứ hai.

+ Phần 3: Khổ thơ thứ ba.

+ Phần 4: Khổ thơ thứ tư.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Khổ thơ thứ nhất

- Vừa miêu tả vừa kể về trận gió.

- Kể về sự kiện ngôi nhà bị gió thu tàn phá:

+ Thời gian: vào tháng 8 - chính mùa thu.

+ Sự kiện: ngôi nhà tranh bên sông bị gió thu tàn phá làm bay mất ba lớp tranh.

- Các động từ: thét, cuộn, bay, rải, treo, quay, lộn…

-> Trận gió mạnh, dữ dội, phút chốc đã cuốn bay cả 3 lớp mái tranh mới dựng của tác giả. Thể hiện sự bất ngờ, tiếc nuối của tác giả trước thiên nhiên vô tình.

=> Nhà thơ đã dùng bút pháp tả thực để khắc họa vô cùng chân thực, rõ nét sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Đồng thời tái hiện lại khung cảnh xơ xác, tiêu điều, tàn tạ của ngôi nhà và cảnh vật xung quanh sau đêm gió lớn. Từ đó, ta thấy được sự buồn bã, lo lắng và bất lực của nhân vật trước cảnh tan tác của ngôi nhà (mái tranh mỗi mảnh một hướng).

2.2. Khổ thơ thứ hai

- Ở khổ thơ 2, tác giả đã kết hợp nhuần nhuyễn 2 phương thức biểu đạt là tự sự và miêu tả nhằm kể chuyện lũ trẻ xóm nghịch ngợm thừa gió bẻ măng, xô vào cướp giật, mang tranh đi mất.

- Căn nhà đã bị gió thu phá sạch, lũ trẻ thôn Nam nghịch ngợm quá mức kéo nhau đến cướp tranh đi mất. Nhà thơ già yếu, chân chậm mắt kém làm sao đuổi được.

-> Cảnh ngộ cười ra nước mắt, chống gậy quay về ngôi nhà tuềnh toàng mà lòng đau đớn, xót xa. Những bước chân mỏi mệt, đắng cay và bất lực, tràn lên tận cuống họng mà không nói thành lời. Trong lòng tác giả đang oán hận và trách móc, có chăng lũ trẻ tinh nghịch, đói nghèo thất học tràn lan. 

- Hình ảnh ông lão tượng trung cho lớp người nghèo khổ, hiền lành ở đáy xã hội lúc bấy giờ, luôn bị chà đạp, bóc lột nhưng không thể phản kháng được, chỉ biết cắn răng chịu đựng, nuốt ấm ức vào trong.

=> Ở khổ thơ thứ 2, nhà thơ đã thể hiện nỗi đau buồn, bất lực, ấm ức của mình trước hoàn cảnh suy đồi của xã hội loạn lạc, cùng cực lúc bấy giờ. Khi mà con người vì tư lợi của bản thân mà làm những điều sai trái, đến cả những đứa trẻ cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy.

2.3. Khổ thơ thứ ba

- Thời gian được xác định cụ thể: Gió nổi lên buổi chiều, đêm mưa đổ xuống và kéo dài suốt đêm.

- Sự trớ trêu trong cảnh ngộ của Đỗ Phủ không chỉ là thu phong tốc mái căn nhà tranh mà về đêm thêm một tai hoạ mới. Mưa thu dầm dề, sùi sụt, dai dẳng kéo dài suốt đêm, kéo theo cái lạnh càng thêm lạnh. Nhà dột lung tung khác chi ở ngoài trời. Chăn, mền cũ, bị con quẫy đạp rách. 

-> Các hình ảnh này đã lột tả một cách chân thực cuộc sống thiếu thốn, khó khăn của nhà thơ. Chăn đệm cũ nát đến không còn khả năng giữ ấm trong đêm lạnh giá. Miếng lót cho con ngủ cũng đã "nát". Nhà bị giột khắp nơi vì những mái tranh đã bị mất 3 miếng, những phần còn lại cũng hư hỏng, không đủ khả năng ngăn gió ngăn mưa.

- Câu hỏi tu từ cuối khổ thơ thể hiện nỗi băn khoăn, trăn trở, lắng lo không nguôi của nhà thơ dành cho nhân dân khắp thiên hạ, đồng thời thể hiện sự đau khổ, bất lực của ông trước tình thế loạn lạc, đói khổ hoành hành ấy.

=> Ta thấy hiện lên trên khuôn mặt nhà thơ sự đau khổ, cay đắng. Một kẻ sĩ có học thức mà công danh thì lận đận, cuộc đời thì long đong, túng bấn khổ cực. Ông trách mình đã chẳng giúp gì cho vợ con và gia đình trong cảnh nghèo khổ ấy. Băn khoăn trăn trở hơn là kẻ sĩ mà chẳng giúp gì được cho đời, chiến tranh liên miên, dân chúng loạn lạc cực khổ. Càng nghĩ ông càng phê phán và lên án chiến tranh, lên án xã hội phong kiến gây bao cảnh đời vất vả như chính gia đình tác giả. 

2.4. Khổ thơ thứ tư

- Ở khổ thơ 4, tác giả đã sử dụng phương thức biểu đạt biểu cảm một cách trực tiếp thông qua ước nguyện của mình. Ước mơ của tác giả: Nhà rộng muôn ngàn gian. Mục đích che chở cho những kẻ nghèo hèn, để họ được vui vẻ, yên tâm.

- Thực tế xưa nay không có ngôi nhà rộng muôn ngàn gian như thế. Khổ thơ được sáng tạo bằng biện pháp tu từ so sánh và thậm xưng đế diễn tả ước mơ to lớn và cảm hứng lãng mạn dạt dào, làm sáng bừng lòng nhân ái bao la của một con người từng trải qua bao bất hạnh giữa thời loạn lạc. Vì vậy nhà thơ mong mỏi ai ai cũng được sống cuộc sống yên ấm hạnh phúc.

- Những nỗi đau của dân đen ông cũng đã từng chứng kiến nếm trải để rồi từ hiện thực của gia đình, xã hội, nhà thơ thể hiện khát vọng hoà bình, dân chúng ấm no.

- Ước mong có ngôi nhà che chở cho mọi kẻ sĩ nghèo ở trong thiên hạ - hướng đến những người có tài học những không gặp thời, phải chịu cảnh đói khổ - đây chính là những hình tượng con người có số phận như tác giả.

=> Đây chính là ước mơ cao cả, chan chứa lòng vị tha và tinh thần nhân đạo, tuy mang màu sắc ảo tưởng song vẫn đẹp đẽ và bắt nguồn từ cuộc sống.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Tác phẩm "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá" đã thể hiện một cách sinh động nỗi khổ của chính bản thân Đỗ Phủ vì căn nhà bị gió thu phá nát. Điều đáng quý hơn là, vượt lên trên nỗi bất hạnh cá nhân, nhà thơ đã bộc lộ khát vọng cao cả: ước mơ có được ngôi nhà vững chắc ngàn vạn gian để che chở cho tất cả mọi người nghèo trong thiên hạ.

- Về nghệ thuật:

+ Sử dụng thể thơ tự do cổ thể - thể hiện được nét phóng khoáng trong tính cách và văn chương của tác giả.

+ Các chi tiết tả thực được lựa chọn, sắp xếp một cách hợp lý, thể hiện rõ nét bút pháp hiện thực của nhà thơ.

+ Kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá".

Gợi ý trả lời:

- Đỗ Phủ đã có thái độ lên án chiến tranh phong kiến phi nghĩa khiến người dân phải lầm than, cực khổ trong bài thơ "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá". Cùng với giá trị hiện thực sâu sắc của bài thơ đã thể hiện sâu sắc khát vọng cao đẹp, ước mơ cao cả, vị tha. Nhà mình thì dột nát, sắp đổ đến nơi, biết bao giờ dựng lại được? Vậy mà ông luôn nghĩ tới tương lai, không hề nghĩ cho mình, gia đình, lại nghĩ đến ngôi nhà chung, to cao, rộng rãi, vững chắc muôn nghìn gian, bất chấp mưa nắng, vững như thạch bàn dành cho muôn nghìn dân đang đói rách, cơ cực bần hàn trú ngụ. Dù đau khổ chất chồng, nhưng không dập tắt được nhân tính, không làm mất được niềm tin, con người không bị hoàn cảnh đè bẹp mà ngạo nghễ vượt lên trên hoàn cảnh. Thương người là nhân, yêu người là ái. Lòng nhân ái của Đỗ Phủ thật cảm động và thiết thực cụ thể. Điều cao cả và đáng kính trọng hơn nữa là ở chỗ mơ ước ấy mang tinh thần vị tha tới mức xả thân vì người khác. Ông vui lòng chịu chết cóng, chết rét để có được ngôi nhà trong mơ ấy.

Câu 2: Em hãy liệt kê những hình ảnh trong bài thơ "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá" thể hiện sự nghèo khổ của tác giả.

Gợi ý trả lời:

- Sự nghèo khổ, khó khăn của tác giả được thể hiện qua những hình ảnh sau:

+ Hình ảnh ngôi nhà sắp chỉ còn lại cái mái che hiu hắt, tàn tạ.

+ "Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt".

+ "Con nằm xấu nết đạp lót nát".

+ "Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu".

+ Chăn đệm cũ nát đến không còn khả năng giữ ấm trong đêm lạnh giá.

+ Miếng lót cho con ngủ cũng đã "nát".

+ Nhà bị dột khắp nơi vì những mái tranh đã bị mất 3 miếng, những phần còn lại cũng hư hỏng, không đủ khả năng ngăn gió ngăn mưa.

=> Các hình ảnh này đã lột tả một cách chân thực cuộc sống thiếu thốn, khó khăn của nhà thơ.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận được tinh thần nhân đạo và lòng vị tha cao cả của nhà thơ Đỗ Phủ.

- Thấy được đặc điểm của bút pháp Đỗ Phủ qua những dòng thơ miêu tả và tự sự, hiện thực và trữ tình. Bước đầu thấy được vị trí và ý nghĩa của những yếu tố miêu tả và tự sự trong thơ trữ tình.

- Đọc và phân tích bản dịch thơ trữ tình, tự sự.

- Có tấm lòng nhân đạo, vị tha, cao cả.

Ngày:22/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM