Xa ngắm thác núi Lư (Vọng Lư sơn bộc bố) Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tình yêu thiên nhiên cùng với bút pháp nghệ thuật độc đáo của tác giả Lí Bạch. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em bước đầu nhận xét được mối quan hệ giữa tình và cảnh trong thơ cổ. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Xa ngắm thác núi Lư (Vọng Lư sơn bộc bố) Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Tác giả: Lí Bạch (701- 762) là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường. 

- Lí Bạch tự Thái Bạch, hiệu là Thanh Liên cư sĩ, quê ở Cam Túc.

- Lúc năm tuổi gia đình về định cư ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long, thuộc Miên Châu (Tứ Xuyên) nên nhà thơ thường coi Tứ Xuyên chính là quê hương của mình.

- Từ nhỏ, ông đã xa gia đình để đi lập nghiệp, ông mong muốn góp phần cứu giúp đời, giúp dân nhưng chưa bao giờ ông được toại nguyện.

- Được mệnh danh là: “Tiên thơ”. Thơ ông biểu hiện một tâm hồn thơ tự do, với bút pháp lãng mạn, bay bổng. Hình ảnh trong thơ ông thường mang tính chất tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên mà điêu luyện.

- Ông hay viết về đề tài chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu, tình bạn.

1.2. Tác phẩm

- Bài thơ được viết theo thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

- Đây là bài thơ tiêu biểu nhất viết về đề tài thiên nhiên của Lí Bạch.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Vị trí đứng ngắm thác của tác giả

- Vọng: Trông từ xa, nhìn, ngắm. Tác giả đứng từ xa để ngắm thác núi Lư.

- Dao: xa.

=> Ở vị trí này giúp tác giả dễ phát hiện được vẻ đẹp toàn cảnh của thác nước (đây là cách chọn điểm nhìn tối ưu nhất).

2.2. Vẻ đẹp và vị trí của thác nước

- "Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên”: (mặt trời chiếu núi Hương Lô sinh làn khói tía).

=> Câu thơ tả vẻ đẹp của đỉnh núi Hương Lô khi có ánh trăng (mặt trời) chiếu vào.

=> Quan hệ giữa hai vế hai câu thơ là quan hệ nhân – quả.

- Động từ “sinh” => ánh mặt mặt trời xuất hiện như một chủ thể khiến cho cảnh vật sinh sôi, nảy nở, trở nên sống động.

=> Vẻ đẹp Hương Lô được miêu tả dưới những tia nắng mặt trời và hơi nước phản quang ánh sáng mặt trời đ trở thành màu tím rực rỡ, kỳ ảo.

=> Câu thơ phác hoạ một phông cảnh nền của bức tranh toàn cảnh trước khi đi miêu tả bức tranh thác nước.

2.3. Những vẻ đẹp khác nhau của thác nước

- “Dao khan bộc bố quải tiền xuyên”.

- Vẻ đẹp của thác nước tập trung ở từ “quải”= “treo”.

- Thác không chảy mà được treo trên dòng sông phía trước như một dải lụa trắng rủ xuống.

- Nghệ thuật: Biến cái động thành cái tĩnh. Do cảm nhận từ xa về dòng thác nên cảnh như một bức tranh tráng lệ.

- "Phi lưu trực há tam thiên xích". Dòng thác đổ như bay, chảy thẳng xuống từ ba nghìn thước. Từ "phi" thật mạnh mẽ, hiểu rằng dòng thác kia không phải là "chảy" mà là bay thẳng xuống mặt đất với tất cả sự lớn lao và sức mạnh của nó. Cách nói ba nghìn thước mang yếu tố thậm xưng càng khắc họa vào cảm nghĩ của người đọc một sự kinh ngạc trước sự kỳ diệu của tạo hóa.

- Câu kết lại của bài thơ mới thật bất ngờ, khi nhà thơ bỗng có một liên tưởng đặc biệt: "Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên". Dòng thác lớn khiến cho người ngắm nhìn ngỡ ngàng tưởng là dòng sông Ngân Hà tuột khỏi bầu trời rơi xuống trần gian này. Bằng câu thơ cuối, Lý Bạch đã nâng độ cao của dòng thác từ ba nghìn thước lên đến "cửu thiên": chín tầng trời, thật hùng tráng thay.

- Tác giả đã tái hiện vẻ đẹp huyền ảo và hùng vĩ của dòng thác.

- Đối tượng miêu tả, biểu cảm: Thác núi Lư một danh lam thắng cảnh của Trung Quốc.

- Thác nước đẹp: mĩ lệ, hùng vĩ, kì diệu.

-> Tình yêu thiên nhiên đằm thắm. Tính cách hào phóng, mạnh mẽ của nhà thơ.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Bài thơ đã miêu tả một cách sinh động, vẻ đẹp nhìn từ xa của thác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên đằm thắm và phần nào bộc lộ tính cách mạnh mẽ, hào phóng của tác giả.

- Về nghệ thuật:

+ Hình ảnh tráng lệ, huyền ảo.

+ Ngôn ngữ tả cảnh thiên nhiên đặc sắc.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy sưu tầm những bài thơ tả cảnh thiên nhiên của Lí Bạch.

Gợi ý trả lời:

- Bài 1: Tĩnh Dạ Tứ

+ Phiên âm:

"Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương".

+ Dịch nghĩa:

"Đầu tường trăng sáng soi,

Ngỡ là sương trên mặt đất.

Ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng,

Cúi đầu lại thấy nhớ quê nhà".

- Bài 2: Hoàng Hạc Lâu tiễn Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

+ Phiên âm:

"Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,

Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.

Cô phàm viễn ảnh bích không tận,

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu".

+ Dịch nghĩa:

"Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc đi về phía tây,

Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu.

Bóng chiếc buồm đơn màu xanh mất hút,

Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy bên trời".

Câu 2: Cảm nhận của em về bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" của Lí Bạch.

Gợi ý trả lời:

Có thể khẳng định rằng Lý Bạch là một trong những nhà thơ nổi tiếng đời Đường ở Trung Quốc. Thơ của ông mang nét tài hoa và vẻ đẹp của một tâm hồn nghệ sĩ luôn say sưa với cảnh đẹp thiên nhiên. Bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" của Lý Bạch đã trở thành một tác phẩm xuất sắc trong sự nghiệp thơ của ông, bởi trong bài thơ, Lý Bạch không phải chỉ vẽ lên một bức tranh hùng tráng về thiên nhiên, mà còn gợi lên những cảm xúc sâu sắc trong lòng người đọc về một cảnh đẹp tuyệt vời do tạo hóa kiến tạc nên. Đọc thơ Lý Bạch, đặc biệt là bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư", em càng thêm yêu những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, và cảm nhận giá trị lớn của thi ca trong trong cuộc sống con người. Thơ ca tái hiện vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống, giúp chúng ta hiểu về những thời đại, những vùng đất mà mình chưa từng đặt chân đến.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận vẻ đẹp của thác núi Lư, qua đó phần nào thấy được tâm hồn và tính cách phóng khoáng của Lí Bạch và nghệ thuật thơ Đường luật nói chung và thơ Lí Bạch nói riêng.

- Đọc diễn cảm và phân tích thơ tứ tuyệt Đường luật.

- Yêu quý và trân trọng những tinh hoa văn hoá của thế giới.

- Yêu cảnh thiên nhiên đẹp.

Ngày:02/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM