Đặc điểm của văn bản biểu cảm Ngữ văn 7

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây, nhằm giúp các em có thể nắm được những đặc điểm của văn bản biểu cảm. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết một bài văn có sử dụng yếu tố biểu cảm. Chúc các em học tập thật tốt!

Đặc điểm của văn bản biểu cảm Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu đặc điểm của văn bản biểu cảm

1.1. Ví dụ

Có thể khẳng định rằng tình mẫu tử không đơn giản chỉ là tình yêu thương mà người mẹ dành cho con, mà tình mẫu tử cũng chính còn là lòng yêu thương, sự kính trọng của những người con đối với mẹ nữa. Tôi rất yêu mẹ của tôi, đó là một người mẹ vô cùng tuyệt vời! Có thể nói rằng cũng chính niềm hạnh phúc của mẹ là con được khỏe mạnh và hạnh phúc. Con cái là tài sản vô giá đối với mẹ, có lẽ chính vì thế, mỗi người con chúng ta cũng phải biết ơn và trân trọng thứ tình cảm cao đẹp, thứ tình cảm xuất phát từ sự chân thành mà mẹ đã dành cho mình. Là phận làm con cũng cần phải biết nỗ lực, phải biết rèn luyện và đồng thời cũng cần phải biết hoàn thiện bản thân để xứng đáng với những công lao trời biển, công lao vô cùng vất vả mà cha mẹ đã bỏ ra. Lý do cũng chính là vì sau này, mỗi chúng ta cũng sẽ là cha, là mẹ và khi đó chúng ta chắc chắn cũng sẽ hiểu được sự yêu thương và săn sóc mà cha mẹ đã gửi gắm, đã dành cho mình để rồi trao nó lại cho những đứa con bé bỏng mà mình đã mang nặng đẻ đau. Ôi! tình mẫu tử thật thiêng liêng. Các bạn hãy trân trọng người mẹ của mình khi còn có thể như những câu thơ sau:

"Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe chưa?"

=> Đoạn văn biểu hiện tình cảm mẫu tử. Tình cảm ấy được biểu hiện qua những câu văn cảm thán, những suy nghĩ trong tình cảm.

1.2. Kết luận

- Mỗi bài văn biểu cảm tập trung biểu đạt một tình cảm chủ yếu.

- Để biểu đạt tình cảm ấy, người viết có thể chọn một hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng (là một đồ vật, loài cây hay một hiện tượng nào đó) để gửi gắm tình cảm, tư tưởng, hoặc biểu đạt bằng cách thổ lộ trực tiếp những nỗi niềm, cảm xúc trong lòng.

- Bài văn biểu cảm thường có bố cục ba phần như những bài văn khác.

- Tình cảm trong bài phải rõ ràng, trong sáng, chân thực thì bài văn biểu cảm mới có giá trị.

2. Luyện tập

Câu 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Sống đẹp là sống có mục đích, có ước mơ, lí tưởng. Sống đẹp là sống có chí cầu tiến, biết đứng dậy bằng chính đôi chân của mình khi vấp ngã, biết bền lòng và dũng cảm vượt qua những thử thách, khó khăn để vươn lên, chắp cánh cho ước mơ của mình đưọc bay cao, bay xa. Sống đẹp còn là một lối sống có văn hóa, biết lịch sự; là một cuộc sống có tri thức, có tình người.

Trong cuộc sống hằng ngày mỗi người chọn cho mình những cách thể hiện khác nhau hình thành lên những cách sống khác nhau: sống đẹp, sống có ích và lối sống ích kỷ, buông thả thậm chí chìm trong vòng tội lỗi. Như vậy "sống đẹp" là một lối sống tích cực mà mỗi người cần phải hướng tới. Nhưng sống thế nào mới là lối "sống đẹp" còn là điều băn khoăn của rất nhiều người.

"Đẹp" không phải chỉ là cái đẹp hình thức. Cái "đẹp" thể hiện từ những hành động cư xử nhỏ nhất trong cuộc sống đến nghị lực vươn lên trong mỗi con người. "Sống đẹp" trước hết phải xuất phát từ lòng nhân ái, từ chính tình yêu trong trái tim để từ đó mà sống hết mình vì người khác, để bao dung, thứ tha ... Xuất phát từ tình yêu thương nên bất cứ hành động nào dù là nhỏ nhất cũng đầy sự quan tâm, chia sẻ giữa những con người. Một sáng đến trường bạn không sợ muộn học mà dừng lại giúp một cụ già qua đường. Mỗi ngày dành dụm tiền để ủng hộ quỹ “vì người nghèo". Những hành động ấy dù nhỏ nhặt nhưng đều là những nghĩa cử cao đẹp.

Sống đẹp là sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Trong lịch sử của dân tộc có biết bao tấm gương về sống đẹp: Trần Hưng Đạo, Trưng Nhị, Trưng Trắc, Trần Quốc Toản, chị Võ Thị Sáu, anh Kim Đồng, anh Nguyễn Văn Trỗi,… vĩ đại hơn cả là Bác Hồ kính yêu. Họ là những người sống hết mình vì dân tộc vì cách mạng, vì nền độc lập, tự do của đất nước. Họ đã giành cả cuộc đời mình cho Tổ quốc. Họ là những anh hùng đã có công giữ nước, là những tấm gương sáng cho chúng ta học tập, noi theo.

Sẽ sống đẹp nếu con người có mục tiêu, có lý tưởng hợp lý, vừa sức và hài hòa giữa các giá trị. Giá trị vật chất, giá trị nhân văn, giá trị tinh thần, giá trị thẩm mỹ... phải thực sự hài hòa trong quan hệ tương tác sẽ làm cho mỗi người sống đẹp hơn. Thật sự bất hợp lý và thiếu toàn diện nếu như con người thiếu động cơ sống hay thiếu động cơ đích thực và chân chính. Sống đẹp mãi là động lực để mỗi người phấn đấu nếu như mỗi người biết cống hiến, biết hy sinh và có bản lĩnh sống!

Hãy mở rộng lòng mình, đem yêu thương sưởi ấm cho những trái tim ướt lạnh trước sóng gió của cuộc đời. Hãy biết cho đi để được nhận lại: tình yêu thương, niềm tin và hy vọng. Sống đẹp là lối sống mà ai ai cũng muốn có được. Sống phải biết học tập và rèn luyện đúng cách thì lối sống ấy mới tồn tại và phát triển. Không ai sống đẹp ngay từ lúc lọt lòng. Bởi vậy, học tập và rèn luyện đúng cách là con đường duy nhất đưa ta đến với một lối sống văn minh, một lối sống đẹp. Bạn còn chờ gì nữa ?

Hãy bắt đầu từ hôm nay, và ngay bây giờ! Bạn thực sự muốn mình là một người "Sống đẹp". Tôi từng đọc một bài thơ nghe qua tưởng chỉ là thơ vui nhưng lại mang một ý nghĩa sâu sắc:

"Khi anh sinh ra

Mọi người đều cười

Riêng anh thì khóc tu tu

Hãy sống sao để khi chết

Mọi người đều khóc

Còn môi anh thì nở nụ cười"

Bạn và tôi, hãy tự chiêm nghiệm cho mình lối sống đẹp để khi ở cuối con đường, chúng ta đều mỉm cười mãn nguyện!

(Sưu tầm từ lời giải hay)

1. Đoạn văn trên biểu đạt tình cảm gì?

2. Bố cục bài văn gồm mấy phần?

Gợi ý trả lời:

1. Đoạn văn trên biểu đạt tình cảm về cách sống đẹp giữa con người với nhau.

2. Bố cục bài văn gồm có ba phần: Mở bài, thân bài và kết bài.

Câu 2: Đọc đoạn văn sau và cho biết tình cảm trong đoạn văn được biểu đạt trực tiếp hay gián tiếp? Em dựa vào đâu để biết điều đó?

"Ôi! Cô giáo rất tốt của em, không, chẳng bao giờ, chẳng bao giờ em lại quên cô được! Sau này, khi em đã lớn, em sẽ nhớ đến cô, và em sẽ tìm lại cô giữa một đám học trò nhỏ. Mỗi bận đi ngang qua trường học và nghe tiếng một cô giáo giảng bài, em sẽ tưởng chừng như nghe tiếng nói của cô".

(Ét-môn-đô-đơ-A-mi-xi)

Gợi ý trả lời:

- Tình cảm trong đoạn văn trên được biểu đạt một cách trực tiếp bằng cách dùng thán từ "ôi", những lời tâm sự,... Đó là cách bộc lộ tình cảm, cảm xúc bằng những từ ngữ trực tiếp.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được các đặc điểm cụ thể của bài văn biểu cảm.

- Hiểu được đặc điểm của phương thức biểu cảm là thường mượn cảnh vật, đồ vật, con người để bày tỏ tình cảm.

- Nhận diện các văn bản, phân biệt văn miêu tả với văn biểu cảm có dùng yếu tố miêu tả.

- Tìm ý, tìm bố cục trong văn biểu cảm, biết bày tỏ tình cảm, thái độ đánh giá trong bài văn biểu cảm.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM