Luyện tập lập luận chứng minh Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn lập luận chứng minh. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Luyện tập lập luận chứng minh Ngữ văn 7

1. Chuẩn bị ở nhà

- Chuẩn bị làm đề theo hướng dẫn của thầy/ cô giáo với các bước cụ thể như sau:

+ Tìm hiểu đề và tìm hiểu ý.

+ Tìm ý và lập dàn ý.

+ Viết bài.

+ Đọc lại và sửa chữa.

- Sau khi hoàn thành các bước trên thì cần nắm được dàn bài như sau:

+ Mở bài: Nêu luận điểm cần chứng minh.

+ Thân bài: Nêu lí lẽ và dẫn chứng để chứng tỏ luận điểm là đúng đắn.

+ Kết bài: Nêu ý nghĩa của luận điểm đã được chứng minh.

2. Thực hành trên lớp

- Thực hành viết bài văn lập luận chứng minh.

- Lắng nghe nhận xét của thầy/ cô giáo và các bạn trong lớp để hoàn thiện bài tốt hơn.

3. Luyện tập

Câu 1: Lập dàn ý cho đề bài sau: Chứng minh tính đúng đắn của câu Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

Gợi ý trả lời:

a. Mở bài:

- Quan niệm sống của nhân dân lao động trong việc đánh giá con người, đồ vật được thể hiện qua câu tục ngữ: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn".

b. Thân bài:

- Chứng minh ý nghĩa của câu tục ngữ:

+ Một vật dụng được làm bằng gỗ, thì chất lượng gỗ quan trọng hơn nước sơn. Gỗ: chất lượng (của đồ vật) hoặc chỉ bản chất bên trong (của con người); Nước sơn: hình thức bên ngoài.

+ Khẳng định nội dung bên trong quan trọng hơn hình thức bên ngoài và nội dung quyết định hình thức.

- Bình luận:

+ Ý nghĩa câu tục ngữ là hoàn toàn đúng vì: Đồ vật làm bằng gỗ tốt sẽ dùng được lâu. Đồ vật làm bằng gỗ xấu thì mau hư mục, cho dù được sơn phết đẹp đẽ.

+ Con người có đạo đức tốt, có năng lực cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Nếu có hình thức tốt nữa (dáng vẻ, quần áo, đầu tóc, ngôn ngữ, tác phong...) thì giá trị càng tăng.

+ Con người dù có hình thức bên ngoài đẹp đẽ (tốt mã) mà trình độ, năng lực kém cỏi, tư cách không tốt thì cũng chỉ là loại người vô dụng.

- Quan điểm về việc đánh giá con người:

+ Đánh giá qua phẩm chất đạo đức, năng lực.

+ Khách quan và sáng suốt khi nhận định mối tương quan giữa nội dung và hình thức.

c. Kết bài:

- Khẳng định cách đánh giá trên là đúng.

- Câu tục ngữ là một lời khuyên sáng suốt và thiết thực trong việc đánh giá sự vật và con người.

Câu 2: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Trong kho tàng tục ngữ, ca dao của cha ông ta có rất nhiều câu nói mang ý nghĩa răn dạy lối sống lành mạnh để ngày càng hoàn thiện bản thân mình. Câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm" thể hiện rõ nét lối sống mà con người cần hướng tới đó.

Cha ông ta lấy bối cảnh nghèo khó của xã hội để thử thách lòng người. Câu tục ngữ gồm hai vế, sóng đôi bổ sung ý nghĩa cho nhau. Xét về nghĩa đen câu tục ngữ muốn nói đến những thói quen sinh hoạt trong cuộc sống. Mặc dù đói nghèo thì việc ăn uống cũng cần phải sạch sẽ, hợp vệ sinh, không nên ăn thức ăn bẩn, ôi thiu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Nhà dù có nghèo, quần áo dù có rách rưới thì ít nhất cũng cần phải giữ thơm tho. Đây là lối sống sạch, sống đẹp, sống thơm tho. Điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng trước hết thì chúng ta cần phải giữ được sự sạch sẽ trong cách sống. Như vậy thì vẻ bề ngoài cũng như nhân phẩm của con người phần nào cũng sẽ được đánh giá.

Về nghĩa đen, đó chính là câu ca dao khuyên nhủ chúng ta về cách ăn ở hàng ngày. Dù cho đói, nhưng cũng không được ăn những thứ bậy bạ, không hợp vệ sinh mà dẫn đến không đảm bảo cho sức khỏe. Trong thời phong kiến, khi lâm vào cảnh đói nghèo, con người ta trong lúc túng quẫn có thể ăn mọi thứ mà mình có được, làm mọi thứ để có được cái ăn, như câu nói: "Đói ăn vụng, túng làm càn". Cái đói thúc đẩy người ta làm rất nhiều điều không đúng với đạo lý và nguyên tắc bình thường. Tiếp đến, ở vế thứ hai, đó là dù phải ăn mặc quần áo rách, quần áo vá nhưng vẫn phải giữ cho quần áo của mình thơm tho, sạch sẽ, không hôi hám, bẩn thỉu. Con người ta khi bị cái ăn, cái mặc làm cho túng quẫn, bần cùng, họ sẽ trở nên túng quẫn, bản năng sẽ trỗi dậy, phần "con" sẽ lấn át phần người, liệu có bao nhiêu người còn giữ được tỉnh táo để có thể làm chủ được bản thân? Khi đói mà thấy cái ăn dù là mất vệ sinh, khi đang mặc rách mà thấy cái mặc, dù bẩn thì cũng có mấy ai đủ tỉnh táo để từ bỏ? Bần cùng sinh đạo tặc, những thứ nhu cầu thiết yếu nhất sẽ làm cho con người ta trở nên mất đi lí trí.

Xét về nghĩa bóng thì ý câu tục ngữ muốn nhắn nhủ đến mọi người rằng dù có sống trong bần hàn, nghèo khổ thì cũng phải luôn giữ cho lương tâm mình trong sạch. Đây là lối sống cần phải trân trọng và rèn luyện hằng ngày. Điều kiện vật chất là rất cần thiết nhưng cũng không nên vì "tiền", vì "danh lợi" mà đánh mất đi nhân phẩm của mình. Điều này thật không nên và nó ảnh hưởng đến cốt cách của mỗi con người.

Tóm lại, câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm" mãi mãi là một lời khuyên đúng đối với tất cả mọi người trong mọi thời đại. Vì một lẽ rằng: nhân cách chính là tài sản vô giá mà chúng ta cần phải biết coi trọng và giữ gìn nhưng cũng đừng quên thường xuyên rèn giũa. Chúng ta cần sống một cách chân thật với mình, với mọi người, sống trong sạch, lương thiện để bản thân ta là một người tốt. Điều đó không chỉ đem lại lợi ích cho chính bản thân ta mà còn góp phần đảm bảo cuộc sống tốt đẹp chung cho tất cả mọi người. Để gìn giữ nhân cách cho bản thân, thực sự có rất nhiều cách nhưng có lẽ phổ biến nhất là việc siêng năng, cần cù và chăm chỉ học tập là những đức tính mà trước tiên ta phải chú ý đến.

(Sưu tầm)

a. Em hãy chỉ ra vấn đề cần chứng minh trong văn bản trên.

b. Theo em, cách lập luận trong văn bản trên như thế nào?

Gợi ý trả lời:

a. Vấn đề cần chứng minh trong văn bản trên là: Bài học về cách sống "Đói cho sạch, rách cho thơm".

b. Cách lập luận trong văn bản trên là: Đưa ra các lí lẽ và dẫn chứng thích hợp để người đọc, người nghe thấy rõ được quan điểm ở đề bài này là đúng.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Củng cố khắc sâu những kiến thức về cách lập luận trong văn chứng minh.

- Lập dàn bài, viết đoạn, bài văn chứng minh.

- Yêu thích môn học, ý thức tự giác học thường xuyên.

Ngày:14/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM